16:44 07/09/2023

VND giảm giá 2,2% so với USD sau 8 tháng

Tùng Thư

Theo cập nhật của BVSC, tính từ đầu năm đến 31/8, VND giảm 2,2% so với USD. Đây là mức giảm khá thấp trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đi ngược xu hướng thế giới, nới lỏng tiền tệ để hồi phục kinh tế sau đại dịch và các cú sốc bên ngoài...

Nhiều dự báo cung - cầu ngoại tệ cân bằng trong năm 2023.
Nhiều dự báo cung - cầu ngoại tệ cân bằng trong năm 2023.

Trước đó, nhiều đơn vị phân tích đưa ra dự báo VND sẽ giảm khoảng 2% so với USD trong năm 2023 và biên độ dao động có thể theo hình thái khá giằng co.

Theo công ty chứng khoán Agriseco, đến cuối tháng 8/2023, tỷ giá chỉ cách đỉnh cũ hồi tháng 10/2022 khoảng 2%.

Tháng 10/2022, tỷ giá USD/VND chứng kiến những biến động mạnh nhất trong hơn một thập kỷ qua. Cụ thể, trong khoảng 10 tháng đầu năm 2022, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng tăng rất mạnh, khoảng 9%; trong đó, riêng tháng 10 tăng đến 5%.

 

So với thời điểm tháng 10/2022, áp lực tỷ giá hiện nay đã vơi đi nhiều, do đó, các đơn vị phân tích cho rằng diễn biến tỷ giá trong 4 tháng còn lại của năm sẽ dịu đi.

Tuy nhiên, bước sang 2 tháng cuối năm, VND lại trở thành một trong những đồng tiền tăng mạnh nhất khi tỷ giá USD/VND giảm trở lại khoảng 5-6%. Theo đó, tính cả năm 2022, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng khoảng 3%, mức khá ổn định nếu so sánh với một số cặp đồng tiền khác trên thế giới như EUR/USD (-7%), USD/JPY (+15%), USD/CNY (+10%), USD/KRW (+8%), USD/THB (+5%), USD/ MYR (+6%).

Đà tăng mạnh của tỷ giá USD/VND hồi tháng 10 năm ngoái bắt nguồn từ cả yếu tố bên trong và bên ngoài. Đối với thị trường quốc tế, chỉ số DXY tăng mạnh như đã đề cập ở trên là tác nhân chủ đạo gây áp lực lên tỷ giá trong giai đoạn 10 tháng đầu năm 2022.

Ngoài ra, bối cảnh trong nước cũng dịch chuyển tiêu cực hơn khi cân đối cung-cầu ngoại tệ chuyển sang xu hướng thâm hụt rất lớn, ước tính khoảng trên 20 tỷ USD.

Các cấu phần cơ bản của cán cân thanh toán vẫn khá tích cực như cán cân thương mại hàng hóa thặng dư hơn 10 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 22 tỷ USD (tăng 13% so với cùng kỳ); trong khi đó, một số cấu phần lại dịch chuyển tiêu cực hơn như kiều hối, FDI chuyển lợi nhuận về nước,… do chịu tác động trực diện của chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed, lãi suất USD quốc tế tăng cao.

Ngoài ra, tâm lý thị trường cũng trở nên thận trọng khiến nhu cầu mua ngoại tệ kỳ hạn nhằm bảo hiểm rủi ro và xu hướng găm giữ ngoại tệ đều gia tăng.

Nguồn: BVSC.
Nguồn: BVSC.

So với thời điểm tháng 10/2022, áp lực tỷ giá hiện nay đã vơi đi nhiều, do đó, các đơn vị phân tích cho rằng diễn biến tỷ giá trong 4 tháng còn lại của năm sẽ dịu đi. Thậm chí, việc giảm giá của đồng VND có thể hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong các tháng còn lại của năm, yếu tố gia tăng nguồn cung ngoại tệ cho thị trường. 

Nguồn: BVSC.
Nguồn: BVSC.

Giới phân tích cho rằng, cân đối cung-cầu ngoại tệ trong năm 2023 sẽ ở trạng thái khá cân bằng. Một số cấu phần tích cực hơn năm 2022 bao gồm kiều hối, cán cân thương mại dịch vụ, trong khi cấu phần tiêu cực hơn sẽ là cán cân thương mại hàng hóa do triển vọng xuất khẩu chưa có dấu hiệu cải thiện rõ nét.

Riêng giải ngân FDI có thể trong đi ngang so với năm 2022, dao động trong khoảng 22 tỷ USD.

Cán cân thương mại 8 tháng của 2023 xuất siêu đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm qua, chủ yếu do giá trị nhập khẩu giảm. Nhu cầu bên ngoài suy thoái vẫn là nỗi lo cho ngành sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới do kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Các chuyên gia không đánh giá cao yếu tố thặng dư nói trên bởi đó là hệ quả của suy giảm kinh tế. 

Tuy nhiên, mức giảm xuất khẩu hiện chững lại và mức tăng các tháng gần đây của hoạt động thương mại kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa khởi sắc dần trong thời gian tới. Một số nhóm ngành duy trì tăng trưởng xuất khẩu cao như gạo, nông sản.

Đến hết tháng 8 năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 18,15 tỷ USD (tăng 8,2% so với cùng kỳ). Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước nhờ FDI đăng ký mới và góp vốn mua cổ phần. FDI đăng ký mới và góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh về giá trị cho thấy niềm tin của nhà đầu tư về triển vọng tăng trưởng trong dài hạn của Việt Nam.

Vốn thực hiện đã tăng trở lại trong liên tiếp 3 tháng gần đây cho thấy các chính sách hỗ trợ khó khăn dần có tín hiệu tích cực giúp các doanh nghiệp FDI tăng hoạt động giải ngân. Dòng vốn giải ngân có thể tiếp tục phục hồi trong các tháng tới khi các dự án từ Lego, Aeon Mall sẽ sớm được đưa vào triển khai.

FDI giải ngân từ đầu năm đến hết tháng 8/2023 đạt 13,1 tỷ USD (tăng 1,3% so với cùng kỳ).