08:47 13/07/2007

VNPT bắt tay với Vinaconex: “Hợp tác sẽ không tạo độc quyền!”

Từ Nguyên

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng (Vinaconex) vừa ký thỏa thuận hợp tác chiến lược

Hoạt động của VNPT đã được Chính phủ chỉ đạo là tập trung vào bưu chính viễn thông nhưng không hạn chế về đầu tư tài chính vào các lĩnh vực khác.
Hoạt động của VNPT đã được Chính phủ chỉ đạo là tập trung vào bưu chính viễn thông nhưng không hạn chế về đầu tư tài chính vào các lĩnh vực khác.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng (Vinaconex) vừa ký thỏa thuận hợp tác chiến lược.

Đây là lần đầu tiên một tập đoàn viễn thông và một doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh bất động sản hàng đầu Việt Nam trở thành đối tác chiến lược của nhau.

Theo bản thỏa thuận ký ngày 12/7, VNPT cam kết dành cho Vinaconex các dịch vụ tư vấn, thiết kế, xây dựng hạ tầng bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ thế giới tại các tòa nhà, trung tâm thương mại, khu đô thị mới, khu công nghiệp, các thành phố thông minh…do Vinaconex làm chủ đầu tư.

Đồng thời, hai bên cũng cam kết xúc tiến các hoạt động hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, góp vốn vào các dự án của nhau và các doanh nghiệp thành viên đang trong quá trình hoặc sẽ cổ phần hóa với tư cách là cổ đông chiến lược.

Tại lễ ký, VnEconomy đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Bá Thước, Phó tổng giám đốc VNPT.

Thưa ông, thông thường các tập đoàn kinh tế sẽ chọn ngân hàng làm đối tác chiến lược để qua đó dễ dàng tiếp cận thị trường tài chính và mở rộng đối tượng khách hàng. Vậy tại sao VNPT lựa chọn Vinaconex làm đối tác chiến lược. Phải chăng VNPT có ý định lấn sân sang lĩnh vực xây dựng?

Đúng là việc hợp tác với các ngân hàng thương mại sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng. Trên thực tế, VNPT cũng đã có những hợp tác chiến lược với một số ngân hàng thương mại trong nước như BIDV, Icombank, Bảo Việt... Tuy nhiên mỗi một đối tác VNPT chọn lựa đều dựa trên những tiêu chí và mục đích khác nhau.

Hoạt động của VNPT đã được Chính phủ chỉ đạo là tập trung vào bưu chính viễn thông nhưng không hạn chế về đầu tư tài chính vào các lĩnh vực khác nhằm hướng tới xây dựng VNPT trở thành một tập đoàn đa sở hữu, đa ngành nghề.

Vì vậy, hợp tác với Vinaconex cũng không nằm ngoài mục đích là tăng sức mạnh cho VNPT cũng như đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng của cả hai bên.

Được biết, Thủ tướng vừa cho phép VNPT nghiên cứu xúc tiến thành lập ngân hàng bưu điện. Vậy, sự hợp tác này có mở ra cơ hội cho Vinaconex trở thành cổ đông của ngân hàng bưu điện hay không?

Cách đây 5 ngày, Thủ tướng đã ra thông báo cho phép VNPT xây dựng ngân hàng cổ phần bưu điện trên cơ sở tái cơ cấu Công ty Dịch vụ tiết kiệm bưu điện.

Trong Chỉ thị của Thủ tướng, một mặt yêu cầu VNPT có những phương án để khai thác tối đa những nguồn lực mà công ty tiết kiệm bưu điện đã có, nhưng đồng thời Thủ tướng cũng cho phép VNPT có thể hợp tác với các đối tác khác khi ngân hàng bưu điện đi vào hoạt động.

Ngoài ra, theo quy định, khi thành lập ngân hàng thì trong 100 cổ đông phải có ít nhất 3 cổ đông sáng lập. Vì vậy, chúng tôi sẽ xem xét những đối tác nào có đủ điều kiện. Nếu Vinaconex có nhu cầu thì chúng tôi sẵn sàng mời Vinaconex tham gia với tư cách là cổ đông sáng lập.

Trong thỏa thuận hợp tác giữa VNPT với Vinaconex có đề cập đến việc Vinaconex sẽ ưu tiên đặc biệt đối với VNPT trong việc cung cấp hạ tầng viễn thông trong các công trình do Vinaconex xây dựng. Liệu thỏa thuận này có dẫn đến sự độc quyền không, thưa ông?

Thỏa thuận giữa VNPT với Vinaconex chỉ đề cập đến việc VNPT sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông tại các dự án do Vinaconex làm chủ đầu tư.

Còn vấn đề sử dụng dịch vụ viễn thông tại các khu vực đó sẽ do khách hàng tự quyết định. Trong trường hợp khách hàng của Vinaconex muốn sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp viễn thông khác thì VNPT sẵn sàng cho thuê lại cơ sở hạ tầng do mình đầu tư.

Vì vậy, theo tôi không thể nói việc hợp tác VNPT với Vinaconex sẽ tạo ra độc quyền trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông tại các khu vực có cơ sở hạ tầng của VNPT.Điều này cũng đồng nghĩa với việc cơ hội vẫn mở ra đối với các doanh nghiệp viễn thông khác.

Việc VNPT cung cấp cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông tại các khu vực do Vinaconex xây dựng chắc chắn sẽ làm cho giá cả tại các công trình đó tăng lên. Nhưng trên thực tế không phải khách hàng nào cũng có nhu cầu sử dụng những dịch vụ này. Vậy VNPT sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Đúng là trên thực tế vẫn còn có những trường hợp như vậy.

Tuy nhiên, những công trình hiện đại, có quy mô lớn trong tương lai thì bao giờ nhà đầu tư cũng phải xây dựng sẵn hạ tầng cơ sở. Nếu chưa sử dụng đến thì nhà đầu tư phải tính đến một hệ số dự phòng. Khi khách hàng có nhu cầu sử dụng thì nhà đầu tư sẽ kích hoạt dịch vụ.

Hiện nay, phần lớn các công trình xây dựng lớn phục vụ dân cư đều có hạ tầng về điện lưới, nước, viễn thông…nhưng việc sử dụng là do nhu cầu của khách hàng. Vì vậy theo tôi, nhìn ở một góc độ tổng thể thì điều đó sẽ mang lại lợi ích cho khách hàng của cả hai bên.