10:47 05/08/2016

VNPT hết “ngồi nhầm chỗ, hưởng nhầm lương”

Thủy Diệu

VNPT muốn được sử dụng một phần số tiền thu được từ việc cổ phần hóa MobiFone

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với VNPT, ngày 8/4.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với VNPT, ngày 8/4.
“Nhờ tái cơ cấu, hoạt động sản xuất kinh doanh của VNPT chuyển biến rõ rệt, cơ bản khắc phục tình trạng ngồi nhầm chỗ, hưởng nhầm lương”, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) nói tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và VNPT, hôm 8/4.

Về kết quả tái cơ cấu VNPT, ông Trần Mạnh Hùng nói, nhờ tái cơ cấu, hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn này có “chuyển biến rõ rệt”.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu VNPT đạt 61.347 tỷ đồng, bằng 47% kế hoạch. Tổng lợi nhuận thực hiện đạt 2.196 tỷ đồng, tăng 23,5% so cùng kỳ năm 2015. Thuê bao di động phát triển mới đạt hơn 6,4 triệu thuê bao, tăng 47,5% so cùng kỳ. Tổng số thuê bao Internet đạt 250.000 thuê bao, tăng 61,2% so cùng kỳ năm 2015.

Ông Hùng cho biết, VNPT đã cơ bản hoàn thành tái cấu trúc toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, bộ máy quản lý của công ty mẹ đã được tổ chức lại từ 15 đầu mối với hơn 500 lao động, giảm xuống còn 11 đầu mối với 300 lao động.

Muốn sở hữu 20% cổ phần MobiFone

Tại buổi làm việc, Chủ tịch VNPT đã đề xuất với Thủ tướng cho phép VNPT được sở hữu 20% vốn điều lệ của MobiFone, đồng thời được sử dụng một phần số tiền thu được từ việc bán cổ phần MobiFone khi Bộ Thông tin và Truyền thông cổ phần hóa MobiFone, nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho VNPT trong các hoạt động của hệ thống vệ tinh VINASAT và bổ sung vốn điều lệ của tập đoàn này trong quá trình tái cơ cấu.

Lý do, theo ông Hùng, là VNPT đã thực hiện việc điều chuyển các đơn vị (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, MobiFone, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bưu điện Trung ương…) về các bộ, ngành và các UBND tỉnh thành, nhưng chưa được thực hiện cơ chế bù đắp.

Cũng tại buổi làm việc giữa Thủ tướng và VNPT, liên quan đến việc cổ phần hóa MobiFone, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu nói, đây là thời điểm thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa MobiFone, và cũng không nên “hoãn” để chờ việc thanh tra MobiFone, mà nên tiến hành song song để không bị chậm tiến độ. Sau đó, khi tiến hành cổ phần hóa xong, sẽ tính toán cấp lại cho VNPT bao nhiêu vốn, để bù đắp cho việc điều chuyển các đơn vị nói trên.

Trước đề xuất trên, Thủ tướng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, đề xuất phương án cổ phần hóa MobiFone theo quy định, trình Thủ tướng xem xét.

Đo hiệu quả bằng lợi nhuận

Trong quá trình tái cơ cấu, VNPT đã thực hiện thoái vốn toàn bộ được 15 danh mục; giá trị vốn đầu tư trên sổ sách đã thoái xấp xỉ 31% tổng giá trị vốn đầu tư trên sổ sách phải thoái vốn (602 tỷ đồng/2.002 tỷ đồng). Tổng giá trị thu về hơn 1.000 tỷ đồng.

Tổ chức hoạt động của VNPT đã được chuyển sang mô hình ba lớp “dịch vụ - hạ tầng - kinh doanh. Đã triển khai áp dụng đồng bộ các công cụ quản trị hiện đại như hệ thống thẻ điểm cân bằng BSC, trả lương theo 3Ps, phần mềm quản lý điều hành…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, VNPT đã quyết liệt thực hiện tái cơ cấu một cách toàn diện và đạt kết quả tốt. Đặc biệt, trong quá trình tái cơ cấu, VNPT đã không những bảo toàn được vốn Nhà nước, mà còn có bước phát triển.

“Tái cơ cấu mà làm mất vốn Nhà nước thì không ổn”, ông nói.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, mặc dù sau tái cơ cấu, VNPT đã đạt được tốc độ tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận… cao hơn so với thời kỳ trước, nhưng so với mặt bằng chung (trong lĩnh vực viễn thông) vẫn còn thấp, vì thế, ông yêu cầu VNPT cần có các giải pháp cụ thể để hoạt động hiệu quả hơn.

Thủ tướng cũng chỉ đạo VNPT cần tối đa hóa giá trị, mang lại lợi nhuận cao nhất. Chính phủ sẽ chỉ căn cứ vào tiêu chí này để đánh giá hiệu quả hoạt động điều hành của VNPT.