08:58 22/04/2010

Vốn cho xuất khẩu lao động: Ngân hàng và lao động đều khó?

Vũ Quỳnh

Trong khi lao động kêu mức vốn được vay không đủ chi phí thì phía ngân hàng cho rằng rủi ro cho vay xuất khẩu lao động là rất lớn

Nhiều ý kiến cho rằng, mức vốn lao động được vay hiện nay quá thấp.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức vốn lao động được vay hiện nay quá thấp.
Thiếu vốn là một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của nhiều lao động không thể thực hiện.

Hơn một năm trở lại đây, thị trường xuất khẩu lao động trở nên ảm đạm, nhiều doanh nghiệp kêu trời vì nguồn lao động khan hiếm.Ngoài nguyên nhân thu nhập thấp, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thiếu vốn đã khiến cho không ít lao động ở các vùng quê nghèo đành phải từ bỏ ước mơ xoá đói giảm nghèo qua kênh xuất khẩu lao động.

Mức vay không đủ chi phí

Thực tế cho thấy, hiện có rất nhiều kênh để lao động có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay xuất khẩu lao động. Ngoài chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, rất nhiều ngân hàng cũng đã triển khai chương trình chương trình cho vay này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, nguồn vốn để cho vay hiện còn hạn chế, mức cho vay còn thấp, thủ tục vẫn quá phức tạp.

Theo ông Nguyễn Quốc Sự, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực (LOD), hiện mức vốn cho vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) khoảng 20 triệu đồng/người (không cần tài sản thế chấp), chỉ đủ cho người lao động chi phí đi làm việc tại một số thị trường có mức thu nhập thấp như Trung Đông, Malaysia. Với thị trường có yêu cầu cao hơn như Hàn Quốc, Đông Âu, Nhật Bản, Australia... thì tiền vay chỉ đáp ứng được một phần nhỏ chi phí.

Còn ông Lê Thanh, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Nhân lực và Thương mại (Vinaconex Mex) cho rằng, với khoản vốn vay 20 triệu đồng, lao động không thể tiếp cận bất cứ thị trường nào.

Theo lý giải của ông Thanh thì ngoài chi phí xuất cảnh, người lao động còn phải lo thêm nhiều khoản khác như học nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng, khám sức khoẻ... Vì thế, các ngân hàng không nên ấn định một mức vay cứng nhắc là 20, hay 30 triệu đồng mà nên linh động bằng cách cho vay 80% hay 100% chi phí.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Bùi Hồng Lĩnh đề xuất, các ngân hàng cần linh hoạt trong chính sách cho vay. Tốt nhất nên phân chia mức vay theo 2 loại thị trường: chi phí đi thấp, thu nhập thấp và chi phí cao, nhưng thu nhập cao để định lượng mức cho vay hợp lý, tạo điều kiện tối đa cho người lao động và doanh nghiệp.

Tỷ lệ nợ xấu cao

Tại hội nghị ký kết thoả thuận hợp tác về cho vay xuất khẩu lao động giữa Agribank Việt Nam và Hiệp hội xuất khẩu lao động vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Đới Thị Hồng,  Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và thương mại hàng không (Airseco) cho rằng, hiện nhiều ngân hàng đã triển khai chương trình cho vay xuất khẩu lao động nhưng thủ tục vẫn rất rườm rà, phức tạp khiến người lao động và doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn.

Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, đại diện một số ngân hàng lại cho rằng, có rất nhiều lý do khiến phía ngân hàng phải đưa ra một số thủ tục nhằm ràng buộc trách nhiệm giữa bên vay và bên cho vay.

Theo ông Kiều Trọng Tuyến, Phó tổng giám đốc Agribank, hiện chưa có quy chế quản lý thu nhập của người lao động đã được vay vốn nên có hiện tượng chây ỳ khiến cho việc thu hồi khi nợ đến hạn vô cùng khó khăn.

Ông Tuyến cho biết, những năm đầu cho vay, tỷ lệ nợ xấu không đáng kể nhưng vài năm gần đây tăng cao. Cụ thể năm 2009, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này vào khoảng 15 tỷ đồng, chiếm 10,4% so với tổng dư nợ cho vay xuất khẩu lao động, trong khi nợ xấu cho vay thông thường không bao giờ vượt quá mức 3%.

Tỷ lệ nợ xấu tăng cao được ông Phan Đức Tiến, Phó giám đốc chi nhánh Agribank Nghệ An nhìn nhận ở nhiều nguyên nhân. Ngoài một số nguyên nhân khách quan như khủng hoảng kinh tế, thiếu việc làm, lao động phải về nước trước hạn thì thì số vốn do lao động thiếu ý thức trả nợ cũng chiếm đến 20% tỷ lệ nợ xấu.

Để hạn chế thực trạng này, ông Tiến cho rằng, ngân hàng nên triển khai ký hợp đồng cam kết trách nhiệm với doanh nghiệp xuất khẩu lao động, khi lao động gặp rủi ro, doanh nghiệp phải chịu gốc, ngân hàng chịu lãi.

Ngoài ra, khi xem xét cấp phép cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên đánh giá cả năng lực về tài chính, xem xét doanh nghiệp đó có đủ năng lực bồi hoàn cho người lao động khi gặp rủi ro hay không.

Đồng quan điểm trên, bà Ngô Thị Xuyến, giám đốc chi nhánh Agribank tỉnh Bắc Giang cho rằng, doanh nghiệp cần công khai các khoản phí doanh nghiệp được thu. Đặc biệt, doanh nghiệp về địa phương tuyển nguồn, không được phép thổi phồng về mức lương, tránh tình trạng người lao động chấp nhận vay vốn với mức cao để đi được thị trường tốt nhưng thực tế mức thu nhập lại không đủ cho lao động trả nợ.