Vốn đầu tư vào các doanh nghiệp FinTech Việt Nam sẽ tăng rất nhanh?
60% doanh nghiệp FinTech được khảo sát mong đợi sẽ có 1 triệu USD cho vòng gọi vốn tiếp theo
"Hiện Việt Nam có 78 công ty FinTech (tài chính công nghệ) trong đó nhiều công ty đang nhận các khoản đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước. Đến cuối năm nay, nếu số lượng FinTech Việt Nam nhận được vốn đầu tư có tăng lên gấp 5 lần cũng không có gì phải ngạc nhiên".
Nhìn nhận trên được ông Jan Bellens, Phó chủ tịch Toàn cầu Dịch vụ Ngân hàng và Thị trường Vốn EY, đưa ra tại hội thảo công bố "Khảo sát toàn cảnh về FinTech khu vực ASEAN 2018 - FinTech Việt Nam đang ở đâu?", sáng 12/4.
Theo ông Jan Bellens, số lượng các công ty FinTech Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh bởi xu hướng phát triển của lĩnh vực này. Ngoài ra, do Việt Nam có dân số đông, người trẻ am hiểu và yêu thích sử dụng các dịch vụ, sản phẩm công nghệ, mức độ tiếp cận mạng Internet và điện thoại thông minh khá lớn, xu hướng tiêu dùng cũng tăng mạnh.
Trong khi đó, các dịch vụ tài chính công nghệ chưa thực sự phát triển mạnh mẽ. Người trẻ tiếp cận với các dịch vụ tài chính như cho vay, tiết kiệm, mua sắm… còn bị hạn chế, và còn tới 90% khoản thanh toán được thực hiện bằng tiền mặt.
Chính những điều trên sẽ thúc đẩy các công ty FinTech Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, đồng thời nguồn đầu tư của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào các công ty FinTech tại Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng bùng nổ.
"Ngay như MoMo (FinTech đang dẫn đầu thị trường nội địa), các nhà đầu tư nước ngoài cũng mong muốn và có thể mua "đứt" luôn", ông Jan Bellens cho biết.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc, lãnh đạo Bộ phận Dịch vụ Tài chính và Tư vấn Công nghệ của EY Việt Nam, Phó chủ tịch Câu lạc bộ VietFinTech, cho biết, các công ty FinTech Việt Nam hiện quy mô còn nhỏ, các chính sách, quy định dành cho những công ty này còn hạn chế.
Mặt khác, theo bà Dương, nhiều ngân hàng hiện nay vẫn còn dè dặt trong quyết định hợp tác với các công ty FinTech mà không không nhận ra rằng với số người chưa từng mở tài khoản ngân hàng còn nhiều và số người sử dụng điện thoại smartphone ngày một tăng, thì FinTech chính là cầu nối giúp mang các dịch vụ ngân hàng tới nhiều người dân hơn.
"Việc hỗ trợ về mặt chính sách từ các cơ quan chức năng sẽ là yếu tố hình thành nên một hệ sinh thái FinTech, khuyến khích sự sáng tạo và cạnh tranh lành mạnh", vị đại diện đến từ EY Việt Nam nhìn nhận.
Trong báo khảo sát của mình, EY cho biết, các FinTech ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, mặc dù có khát vọng tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về tài chính. Cụ thể, các FinTech đang trong giai đoạn đầu phát triển sẽ cần nhiều vốn hơn cho các giai đoạn tăng trưởng sau này và 60% doanh nghiệp được khảo sát mong đợi sẽ có 1 triệu USD cho vòng gọi vốn tiếp theo.
Bên cạnh đó, 68% trong số doanh nghiệp được khảo sát có ít hơn một năm để lập kế hoạch và gây quỹ cho tăng trưởng. 45% trong số đó tự gây quỹ. Hầu hết (76%) FinTech đồng ý rằng có đủ các kênh huy động vốn, 52% vẫn gặp khó khăn trong vấn đề tự huy động vốn.
Theo báo cáo, các ngân hàng trên toàn cầu có mong muốn mạnh mẽ để số hóa một cách hoàn thiện hơn. Mặc dù hiện tại chỉ có 19% ngân hàng cho rằng tổ chức của họ là đơn vị dẫn đầu và hoàn thiện về công nghệ, nhưng có đến 62% tự tin rằng họ sẽ đạt được điều này vào năm 2020.
Báo cáo cũng cho biết 59% số ngân hàng được khảo sát dự đoán ngân sách đầu tư vào công nghệ sẽ tăng hơn 10% vào năm 2018. Các ngân hàng bắt đầu đầu tư hoặc tăng đầu tư vào công nghệ mới, 44% có kế hoạch mua công nghệ từ bên thứ ba, trong khi chỉ có 17% dự định mua lại một công ty khác (FinTech) để sử dụng công nghệ của công ty đó.