17:02 28/10/2020

Vốn FDI giảm và tín hiệu tích cực từ góc nhìn chuyên gia

KIỀU LINH

Giới chuyên gia cho rằng, sự giảm sút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam 10 tháng qua cần được đặt trong bối cảnh dòng vốn đầu tư thế giới đều suy giảm

Vốn FDI giảm và tín hiệu tích cực từ góc nhìn chuyên gia - Ảnh minh hoạ.
Vốn FDI giảm và tín hiệu tích cực từ góc nhìn chuyên gia - Ảnh minh hoạ.

Việc dòng vốn FDI vào Việt Nam suy giảm còn thể hiện một số ý nghĩa như Việt Nam bắt đầu nghiêm túc hơn trong quá trình hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài.

VÌ SAO VỐN FDI VÀO VIỆT NAM SUY GIẢM?

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/10/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,48 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019. 

Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) bình luận: Dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới có xu hướng giảm trước đại dịch do liên quan tới sức ép cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Dòng vốn FDI toàn cầu năm 2019 đạt 1.540 tỷ USD, giảm gần 500 tỷ USD. Năm 2020, giá trị vốn FDI dự kiến giảm 40% so với năm 2019. Khi đại dịch diễn ra tình hình bất ổn ngày càng gia tăng, các nhà đầu tư nước ngoài tạm dừng hoạt động đầu tư ra các nước thứ ba. 

Do đó, việc FDI vào Việt Nam giảm nằm trong xu hướng chung của thế giới.

Vốn FDI giảm và tín hiệu tích cực từ góc nhìn chuyên gia - Ảnh 1Vốn FDI vào Việt Nam hai tháng cuối năm cũng sẽ hạn chế vì Covid đang có xu hướng quay trở lại. Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, kinh tế bất định, các quốc gia sẽ tập trung vào kinh tế nước họ và cân nhắc tính toán đầu tư ra nước ngoài.
ÔNG NGUYỄN VĂN TOÀN - PHÓ CHỦ TỊCH VAFIE

Mặc dù vậy, theo ông Toàn, trong cơ cấu FDI vào Việt Nam cần chú ý đến giá trị và tỷ lệ góp vốn mua cổ phần giảm mạnh so với hai năm 2018 - 2019. Bên cạnh nguyên nhân khách quan theo xu thế chung của thế giới thì tiến trình cổ phần hoá của nhà nước chậm cũng làm ảnh hưởng đến sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Số liệu báo cáo của Bộ Tài chính ghi nhận, 9 tháng qua chỉ có 7 doanh nghiệp được cổ phần hoá. 

“Nhà đầu tư nước ngoài họ rất quan tâm đến tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn vì công ty nhà nước sở hữu nguồn tài nguyên lớn như đất đai, vị trí địa lý, ngành nghề… Do đó, việc cổ phần hoá, thoái vốn chậm trễ làm ảnh hưởng đến dòng vốn mua bán sáp nhập và khiến tổng giá trị FDI vào Việt Nam sụt giảm”, ông Toàn nói.

Cũng theo ông Toàn, vốn FDI giảm do Việc Nam còn nhiều hạn chế nội tại như chất lượng nguồn nhân lực dù được cải thiện nhưng vẫn nằm trong top dưới ASEAN. Hệ thống logistics còn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và giá thành khá cao so với khu vực... Môi trường pháp lý đã được cải thiện, song việc thực thi còn nhiều bất cập... Thậm chí, còn tình trạng “trên rải thảm dưới rải đinh” còn gây quan ngại cho các nhà đầu tư…

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các nhà đầu tư muốn chính sách phải ổn định. Chi phí không chính thức không chỉ gây quan ngại với nhà đầu tư nước ngoài mà còn cả nhà đầu tư trong nước. 

ĐÓN FDI KHÔNG CHỈ TÍNH BẰNG THÁNG

Ở góc nhìn tích cực hơn, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách Kinh tế Vĩ mô - Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (Ciem) cho rằng, việc vốn FDI suy giảm thể hiện một số ý nghĩa tích cực như Việt Nam bắt đầu nghiêm túc hơn trong quá trình hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài, không thu hút đầu tư bằng mọi giá, kể cả những dự án kém chất lượng nhằm giữ được không gian cần thiết cho những nhà đầu tư nước ngoài làm ăn chân chính nhất. 

Việc chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài chậm tại một số thời điểm nhưng một khi có được dự án quan trọng thì đó là những dự án có thể đóng góp được cho Việt Nam về sau. 

“Cá nhân tôi cho rằng thu hút nhà đầu tư chất lượng không chỉ tính đơn giản bằng tháng, góc nhìn của Việt Nam phải tính ở góc độ dài hơi hơn, không phải chỉ thu hút năm nay mà cả những năm sau nữa. Quan trọng chúng ta không vội vã trong quá trình hợp tác này mà hợp tác với tâm thế chắc chắn và chủ động, đảm bảo mỗi nhà đầu tư mới chúng ta hợp tác đều là nhà đầu tư quan trọng”, ông Dương nhấn mạnh.

Vốn FDI giảm và tín hiệu tích cực từ góc nhìn chuyên gia - Ảnh 2Tôi đánh giá cao Quyết định 850 của Thủ tướng không phải chỉ vì tính thời điểm, thành lập tổ công tác đặc biệt về hợp tác đầu tư nước ngoài mà đánh giá cao vì cách dùng từ trong quyết định này là “hợp tác đầu tư nước ngoài”. Tôi vẫn tin Việt Nam có nhiều lợi thế nhất định thu hút , hợp tác với đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới hậu Covid 19.
ÔNG NGUYỄN ANH DƯƠNG - CIEM

Tuy nhiên, cũng theo ông Dương, nhà đầu tư nước ngoài họ cũng có thể đến nơi khác nếu như Việt Nam không giải quyết được những vấn đề điểm yếu của mình về hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, khả năng kết nối và tư duy kết nối của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. 

"Đây là những yếu tố Việt Nam phải cải thiện rất nhiều nếu Việt Nam không cải thiện được những vấn đề này có lẽ lợi thế chúng ta có được là không đủ. Vì vậy cái mà tôi mong muốn là cơ quan Việt Nam, cả kể cộng đồng doanh nghiệp phải giữ tâm thế chủ động hơn, chúng ta muốn nhà đầu tư nước ngoài đến đây thì phải giữ tâm thế của người học hỏi và sẵn sàng hợp tác với họ. Đó là cơ sở để chúng ta thu hút nhà đầu tư chất lượng có thể đóng góp vào sự phát triển của chính cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và kinh tế Việt Nam", ông Dương nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, muốn thu hút, hấp thụ được làn sóng FDI vào Việt Nam, Việt Nam phải đầu tư mạnh hơn về đất đai, kết cấu hạ tầng. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận tiện, chi phí logistics rẻ thì mới dễ chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế để thu hút nhà đầu tư.