08:40 22/04/2024

Vốn FDI vào Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh

An Huy

Đáng chú ý, xu hướng giảm vốn FDI vào Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nước này ra sức thu hút nhà đầu tư nước ngoài...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc trong quý 1 năm nay giảm hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp nỗ lực trong việc thu hút doanh nghiệp nước ngoài.

Số liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố vào hôm thứ Sáu cho thấy lượng vốn FDI mà nước này thu hút được trong 3 tháng đầu năm đạt gần 302 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 42 tỷ USD.

Nếu so với quý 4/2023, lượng vốn này tăng 41%, nhưng tốc độ tăng trưởng có chiều hướng giảm. Lượng FDI đạt 113 tỷ nhân dân tệ trong tháng 1, sau đó giảm còn 102 tỷ nhân dân tệ trong tháng 2 và tiếp tục giảm còn 90 tỷ nhân dân tệ trong tháng 3.

Đây cũng là quý 1 mà Trung Quốc thu hút được ít vốn FDI nhất kể từ năm 2020 - thời điểm nước này còn đương đầu với làn sóng lây nhiễm Covid-19 đầu tiên.

Đáng chú ý, xu hướng giảm vốn FDI vào Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nước này ra sức thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh hồi tháng 3, Thủ tướng Lý Cường cam kết cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy cải cách trong những lĩnh vực chủ chốt để tạo ra một “Trung Quốc cởi mở hơn” và tăng cường hợp tác với thế giới.

Bài phát biểu này của người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc được tiếp nối bằng một loạt biện pháp mà Bắc Kinh công bố trong tháng 3 nhằm chặn đà giảm sút của dòng vốn FDI, bao gồm mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp nước ngoài và nới lỏng một số quy định.

Hôm thứ Sáu vừa rồi, Trung Quốc công bố thêm nhiều biện pháp nhằm khuyến khích đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ của nước này. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài phát hành trái phiếu nhân dân tệ tại Trung Quốc, đồng thời khuyến khích các công ty công nghệ bao gồm doanh nghiệp nước ngoài huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.

Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc sẽ khuyến khích vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ thông qua một chương trình xúc tiến đầu tư vào nước này có tên QFLP, đồng thời sẽ đẩy mạnh phê chuẩn cấp phép trong khuôn khổ QFII và RQFII - các chương trình cho phép vốn đầu tư nước ngoài rót vào cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ nới lỏng hạn chế đối với hoạt động đầu tư chiến lược của nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty niêm yết của Trung Quốc.

Các biện pháp trên được công bố trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực cải thiện niềm tin của nhà đầu tư quốc tế giữa lúc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc và căng thẳng địa chính trị tăng cao.

Dòng vốn FDI vào Trung Quốc đã tăng liên tục trong những năm Covid-19 trước khi giảm 8% trong năm 2023. Mối lo về triển vọng phục hồi kinh tế gian nan và căng thẳng địa chính trị gia tăng Mỹ-Trung được cho là sẽ tiếp tục phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư.

Tuần trước, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo sự suy yếu của thị trường bất động sản Trung Quốc và đà phục hồi ngày càng giảm của nền kinh tế nước này có thể sẽ kéo tụt triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực.

Một lý do khác khiến doanh nghiệp nước ngoài ngại rót vốn vào Trung Quốc ở thời điểm này là dù Chính phủ nước này một mặt đề cao sự cởi mở, nhưng mặt khác cũng nhấn mạnh vấn đề an ninh quốc gia, bao gồm tăng cường hoạt động phản gián.

Nói về sự suy giảm của dòng vốn FDI vào Trung Quốc, một số quan chức Trung Quốc không cho rằng đây là một vấn đề nghiêm trọng. Bà Ji Xiaofeng - một quan chức Bộ Thương mại nước này - hôm thứ Sáu nói rằng đó là do cơ sở so sánh cao của cùng kỳ năm ngoái.

“Xu hướng giảm vốn FDI vào Trung Quốc về cơ bản phù hợp với xu hướng toàn cầu”, ông Xu Zhibin, quan chức thứ hai của cơ quan quản lý ngoại hối Trung Quốc, phát biểu tại Diễn đàn Bác Ngao châu Á hồi tháng 3.

Một điểm sáng trong bức tranh FDI của Trung Quốc là dòng vốn đầu tư từ Đức tăng 48% trong quý 1. Tuần trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 3 ngày.