Siemens: Doanh nghiệp Đức sẽ còn phụ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều thập kỷ
Một nhận định cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan của doanh nghiệp phương Tây cũng như sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc với tư cách một thị trường cũng như một nhà cung ứng...
Sẽ phải mất “nhiều thập kỷ” để các nhà sản xuất của Đức giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc - theo lời Giám đốc tài chính (CFO) của hãng phần mềm Đức Siemens trong một nhận định cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan của doanh nghiệp phương Tây cũng như sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc với tư cách một thị trường cũng như một nhà cung ứng.
“Các chuỗi cung ứng toàn cầu đã được bồi đắp trong hơn 50 năm qua. Ai ngây thơ tới mức độ nào mà tin rằng có thể thay đổi tất cả chỉ trong 6-12 tháng? Việc đó sẽ phải mất nhiều thập kỷ”, CFO Ralf Thomas nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo Financail Times.
Nhận định này được ông Thomas được đưa ra sau một báo cáo của Viện Kinh tế Đức cho thấy các doanh nghiệp lớn của nước này từ năm 2022 đến nay hầu như không đạt được tiến bộ nào về “giảm rủi ro” (de-risking) liên quan đến Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu các mặt hàng quan trọng từ Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức, với lượng hàng hóa trị giá 254 tỷ euro được giao dịch giữa hai nước trong năm 2023 - theo số liệu thống kê của Đức. Mối quan hệ thương mại này - trải rộng từ các tập đoàn lớn nhất của Đức bao gồm hãng xe Volkswagen và hãng hoá chất BASF cho đến các công ty vừa và nhỏ - từ lâu đã được xem là một trụ cột cho sức mạnh kinh tế Đức và là mô hình về toàn cầu hóa.
Nhưng mối quan hệ đó giờ đây đang bị nhiều nhà đầu tư và chính trị gia coi là gánh nặng. Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) năm ngoái cảnh báo sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc là lý do tại sao “mô hình kinh doanh của Đức đang gặp nguy hiểm”. Tháng 7/2023, Ngoại trưởng Annalena Baerbock đã lên tiếng kêu gọi các công ty Đức giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Về phần mình, Siemens trước đây đã lên tiếng biện minh cho hoạt động của mình tại Trung Quốc và tuyên bố ý định mở rộng thị phần tại nước này. Tuyên bố mới nhất của CFO Thomas được đưa ra đúng vào thời điểm Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Trung Quốc vào ngày Chủ nhật, dẫn đầu một đoàn lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao gồm CEO của Siemens và CEO tương lai của BASF.
“Sẽ là một sự hiểu lầm nghiêm trọng nếu nghĩ rằng Đức đang có ý muốn giảm quan hệ thương mại với Trung Quốc. Chúng tôi muốn mở rộng hơn nữa thương mại với Trung Quốc, đồng thời có tính đến sự cần thiết giảm rủi ro và đa dạng hóa”, một quan chức chính phủ Đức nói.
“Chúng tôi sẽ phải giải quyết những vấn đề lớn về phụ thuộc. Chúng tôi không muốn khép mình lại, nhưng chúng tôi muốn có các mối quan hệ đối tác cân bằng”, vị này phát biểu.
Một báo cáo của Viện Kiel công bố trong tuần này ước tính rằng trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc cho các ngành công nghiệp trong nước, bao gồm các công ty như hãng xe điện như BYD, lớn gấp từ 3-9 lần so với mức trợ cấp của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Trao đổi với Financial Times, ông Thomas cho biết Siemesn đã xác định rằng “không thể không hiện diện” ở Trung Quốc. Ông nói thêm rằng sự nổi lên của các đối thủ địa phương có mức độ cạnh tranh cao cũng là một trở ngại, đồng thời “nếu bạn có thể chịu được sức nóng của căn bếp Trung Quốc, bạn cũng có thể thành công ở những nơi khác”.
Một bài xã luận đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc vào tuần trước về chuyến thăm của phái đoàn Đức thừa nhận rằng mối quan hệ giữa hai nước “đang phải đối mặt với một số thách thức, chẳng hạn như tiếp cận thị trường và cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, những khó khăn này không phải là cái cớ để làm trệch hướng hợp tác song phương khỏi quỹ đạo tích cực”, bài báo viết.