10:23 07/07/2021

Vốn hóa Didi "bay hơi" 15 tỷ USD sau đòn giáng của Bắc Kinh

Đức Anh

Trong phiên giao dịch ngày 6/7, giá chứng chỉ lưu ký tại Mỹ của Didi đã sụt 20% xuống còn 12,49 USD, thấp hơn mức giá IPO hồi cuối tháng sau, khiến vốn hóa “bốc hơi” 15 tỷ USD...

Didi vừa niêm yết tại Mỹ tuần trước - Ảnh: Yahoo Finance
Didi vừa niêm yết tại Mỹ tuần trước - Ảnh: Yahoo Finance

Giá cổ phiếu Didi Global Inc., đứng sau ứng dụng gọi xe hàng đầu Trung Quốc Didi Chuxing, lao dốc trên sàn chứng khoán New York sau khi nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu gỡ Didi khỏi các cửa hàng ứng dụng, đồng thời siết chặt giám sát với những doanh nghiệp Trung Quốc đang niêm yết ở nước ngoài. 

Mới đây, Quốc vụ viện Trung Quốc đã phát đi cảnh báo với các doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc, trong đó khẳng định sẽ siết chặt giám sát việc sử dụng dữ liệu cũng như các cổ phiếu niêm yết ở nước ngoài. Thông báo này được đưa ra sau khi cơ quan quản lý internet Trung Quốc mở cuộc điều tra về việc sử dụng dữ liệu người dùng của Didi vào tuần trước và yêu cầu các cửa hàng ứng dụng gỡ bỏ ứng dụng này. 

MẤT 15 TỶ USD VỐN HÓA MỘT PHIÊN

Trong phiên giao dịch ngày 6/7, giá chứng chỉ lưu ký tại Mỹ của Didi đã sụt 20% xuống còn 12,49 USD, thấp hơn mức giá IPO hồi cuối tháng sau, khiến vốn hóa “bốc hơi” 15 tỷ USD. 

Didi, có trụ sở tại Bắc Kinh, hiện chiếm gần như toàn bộ thị trường gọi xe ở Trung Quốc. Tuần trước, công ty này huy động được 4,4 tỷ USD trong đợt IPO lớn thứ hai tại Mỹ của một công ty trung Quốc, sau thương vụ của Alibaba năm 2014. 

Cảnh báo của Quốc vụ viện Trung Quốc đánh dấu bước leo thang trong chiến dịch của Bắc Kinh nhằm đưa các hãng công nghệ hàng đầu đất nước cùng lượng dữ liệu giá trị mà họ đang nắm giữ vào tầm kiểm soát. Cuối tuần qua, Trung Quốc cũng có động thái nhằm vào 2 công ty khác mới niêm yết tại New York, - Full Truck Alliance và Kanzhun.

Theo luật sư Xia Hailong của hãng luật Shenlun tại Thượng Hải, cảnh báo trên nhằm vào các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, nhưng cũng đặt ra quy định đặc biệt đối với việc giám sát dữ liệu xuyên biên giới. 

“Điều này báo hiệu rằng giám sát dữ liệu đã trở thành  một trong những lĩnh vực quản lý quan trọng nhất ở Trung Quốc”, luật sư Xia Hailong  nhận xét. “Vì không có cơ chế giám sát xuyên biên giới đối với hoạt động chứng khoán, nên việc đánh giá mức độ bảo mật dữ liệu có thể là một công cụ hữu hiệu để các cơ quan quản lý Trung Quốc kiểm soát doanh nghiệp niêm yết ở nước ngoài”. 

Cuộc điều tra nhằm vào Didi khiến các nhà đầu tư cũng như các lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành không khỏi choáng váng. Giới đầu tư lo ngại rằng các cuộc điều tra nhằm vào vấn đề an ninh dữ liệu mới nhất sẽ mở ra một “mặt trận” mới trong chiến dịch siết chặt giám sát với các hãng internet lớn nhất Trung Quốc. Chiến dịch này khởi đầu với việc đình chỉ IPO 35 tỷ USD của Ant Group, tiếp đến là các cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Alibaba và Meituan. 

TƯƠNG LAI BẤP BÊNH CỦA CÁC DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ TRUNG QUỐC

Kể từ khi triển khai vào tháng 11/2020, chiến dịch này đã “thổi bay” khoảng 42 tỷ USD vốn hóa của các công ty trong Nasdaq Golden Dragon China Index (theo dõi chứng chỉ lưu ký tại Mỹ của Trung Quốc). Động thái tiếp sau đó là khoản phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD dành cho Alibaba với cáo buộc công ty này lợi dụng vị thế thống trị thị trường, làm dấy lên quan ngại về tương lai của lĩnh vực này. 

Trong khi đó, giá cổ phiếu của Tập đoàn Weibo tăng mạnh sau khi Reuters đưa tin cho biết chủ tịch công ty này và một nhà đầu tư nước ngoài đang đàm phán để đưa Weibo trở thành công ty tư nhân. Weibo sau đó phủ nhận việc này, nhờ đó cổ phiếu này đã tăng dần. Tuy nhiên, thời điểm thông tin này được đưa ra làm dấy lên nhiều đồn đoán rằng một số công ty Trung Quốc đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho việc niêm yết tại Mỹ. Weibo đóng cửa phiên 6/7 tăng 6,3% trên sàn chứng khoán New York.

Theo nguồn tin của Bloomberg, 3 tuần trước khi Didi IPO ở Mỹ, các nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu công ty này hoãn niêm yết do quan ngại về an ninh quốc gia liên quan tới lượng dữ liệu người dùng khổng lồ trong tay Didi. Trước đó, cơ quan giám sát chống độc quyền của Trung Quốc cũng yêu cầu Didi chấm dứt việc tăng giá tùy tiện và đối xử không công bằng với đối tác lái xe. 

Hiện tại, dù khoảng 500 triệu người dùng hiện tại của Didi vẫn có thể gọi xe qua ứng dụng này, cuộc điều tra liên quan tới vấn đề an ninh mạng nhằm vào công ty này càng khiến tương lai của các doanh nghiệp internet Trung Quốc thêm bấp bênh.

Cổ phiếu của Tencent, cổ đông lớn nhất của Didi, đã sụt 2,7% từ đầu tuần trên sàn chứng khoán Hồng Kông. Trong khi đó, giá cổ phiếu Full Truck và Kanzhun cũng lần lượt giảm tới 6,7% và 16%. Giống như Didi, cả Full Truck và Kanzhun đều bị yêu cầu ngừng nhận đăng ký người dùng mới. Trong khi đó, giá cổ phiếu Uber, cổ đông lớn thứ hai của Didi, giảm 1,8%. 

Tuy nhiên, các sàn chứng khoán ở Mỹ vẫn là lựa chọn ưa thích của các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, bất chấp nỗ lực đưa các công ty về niêm yết tại quê nhà, trong đó có sàn chứng khoán Hồng Kông. Trong tháng trước, các công ty Trung Quốc đã huy động được 7,9 tỷ USD qua các IPO tại Mỹ, con số lớn nhất kể từ IPO của Alibaba năm 2014, theo dữ liệu của Bloomberg.

Số lượng công ty có trụ sở tại Trung Quốc nộp hồ sơ IPO tại New York đã tăng quý thứ ba liên tiếp bất chấp việc giá cổ phiếu chịu ảnh hưởng lớn do các công ty này hoạt động chủ yếu tại Trung Quốc và trong bối cảnh cuộc điều tra chống độc quyền quy mô lớn trong nước. Từ đầu năm, chỉ số Golden Dragon China Index đã giảm khoảng 11%, trong khi chỉ số Nasdaq tăng 15%.