11:16 09/10/2007

Vốn ngoại “ngắm nghía” bất động sản nội

Kiều Oanh

Thị trường bất động sản cao cấp tại Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tốc độ tăng của vốn đầu tư nước ngoài

Tại Việt Nam - nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ thứ 2 ở châu Á, hiện đã có 3 quỹ bất động sản hiện diện.
Tại Việt Nam - nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ thứ 2 ở châu Á, hiện đã có 3 quỹ bất động sản hiện diện.
Mới đây, tThời báo Tài chính (Financial Times) của Anh đã đăng bài viết của tác giả Jim Pickard về triển vọng của thị trường bất động sản Việt Nam. VnEconomy xin giới thiệu tới độc giả bản lược dịch bài viết này. Tựa đề do Tòa soạn đặt. 

Có lẽ sẽ hợp logic nếu dòng tiền từ thị trường chứng khoán London hướng về phía châu Á. Thị trường bất động sản tại một số nước châu Á đang được kỳ vọng là sẽ tăng trưởng mạnh mẽ như nền kinh tế của các nước này, và điều này trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ưa mạo hiểm.

Nhiều công ty bất động sản ở London hiện đã bắt tay vào việc thâm nhập nhiều thị trường châu Á, bao gồm Hồng Kông, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Macao. Các chuyên gia tin tưởng rằng, xu hướng này sẽ tăng tốc trong vòng 2 năm tới đây.

Còn tại Việt Nam - nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ thứ 2 ở châu Á, hiện đã có 3 quỹ bất động sản hoạt động.

Quỹ thứ nhất là Vinaland. Quỹ này chỉ đầu tư duy nhất vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Quỹ thứ hai là JSM Indonchina. Vào tháng 7 vừa qua, quỹ này đã niêm yết trên sàn AIM (Alternative Investment Market) của London sau khi huy động được 108 triệu Bảng để đầu tư vào bất động sản ở Việt Nam và Campuchia.

Quỹ thứ ba là Aseana Properties. Quỹ này đã niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán London (LSE) vào tháng 4 vừa qua, huy động được 162 triệu USD. Quỹ này là một bộ phận tách ra của Ireka Corporation Berhad, một công ty xây dựng của Malaysia được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Kuala Lumpur.

Aseana nằm dưới sự quản lý của Ireka Development Management, một công ty con của Ireka. Theo nguyên tắc của các quỹ được quản lý bởi người ngoài, quỹ này có ban giám đốc độc lập, trong đó có Lynton Jones, nguyên Giám đốc điều hành tại châu Âu của Nasdaq và Mohammed Azlan bin Hashim, cựu Chủ tịch của sở Giao dịch Chứng khoán Malaysia.

Trong những tháng tới đây, Aseana dự định mở rộng hoạt động đầu tư sang Việt Nam. Tại thị trường này, quỹ đã vạch ra kế hoạch đầu tư 100 triệu USD vào 7 dự án khác nhau, trong đó quỹ nắm cổ phần đa số.

Việt Nam có dân số trẻ. Hơn một nửa trong số 84 triệu người Việt Nam hiện đang ở độ tuổi dưới 25. GDP của Việt Nam tăng 8% trong năm 2006.

Sức hấp dẫn lớn nhất của Việt Nam đối với các nhà đầu tư bất động sản là thị trường bất động sản cao cấp tại đây chưa phát triển tương xứng với tốc độ tăng của lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ước tính cho thấy, lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong năm nay sẽ đạt 12 tỷ USD.

Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới đầu năm nay và đang đẩy mạnh việc mở cửa nền kinh tế để đón các dòng vốn nước ngoài. Việt Nam cũng đã tiến hành cải cách nhiều quy định pháp luật có liên quan đến bất động sản. Chẳng hạn, Nghị định 84 đã tạo ra khung pháp lý cho việc phân bổ lại dân cư.

“Việt Nam đang thiếu nhiều sản phẩm bất động sản, từ nhà ở cho tới văn phòng và khách sạn”, Li Voon Hon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Ireka Development Management nói.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều công ty nước ngoài thành lập văn phòng tại Việt Nam, nhu cầu đối với văn phòng cho thuê sẽ tăng mạnh mẽ. Hoạt động đấu thầu cạnh tranh để được cấp đất ở Việt Nam giữa các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã đẩy giá đất tại đây tăng cao.

Theo tính toán của Aseana, giá đất ở Việt Nam đã tăng 30% trong năm vừa qua. Tuy nhiên, theo ông Li Voon Hon, “sự phát triển của lĩnh vực bất động sản Việt Nam hiện vẫn ở mức rất thấp, và cơ hội tăng trưởng ở đây là cực kỳ lớn”.

Tại một thị trường còn tranh tối tranh sáng như Việt Nam, rất khó để có thể đưa ra những con số chính xác về lợi nhuận đầu tư hay mức tăng trưởng giá thuê. Nhưng theo ước tính của ông Hon, lợi nhuận đầu tư vào văn phòng cho thuê ở Tp.HCM vào khoảng 15%.

Ông Hon cũng phủ nhận quan điểm về những khả năng không chắc chắn đối với quyền sử dụng đất ở Việt Nam. Ông nói: “Đó không phải là mối bận tâm của chúng tôi. Từ trước tới giờ, chúng tôi thấy luật pháp của Việt Nam được thực hiện rất nhất quán”.