11:13 04/11/2019

Vụ 39 người chết tại Anh: Bắt 8 đối tượng trong đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép

Hà Vũ

Công an Nghệ An đã tiến hành khởi tố vụ án và ngày hôm qua (3/11) đã bắt giữ 8 đối tượng liên quan đến đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An

Công an Nghệ An đã tiến hành khởi tố vụ án và ngày hôm qua (3/11) đã bắt giữ 8 đối tượng liên quan đến đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép, Giám đốc công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cho biết khi nói về vụ 39 người chết tại Anh.

Sáng 4/11 trước khi tham gia thảo luận về công tác phòng chống tội phạm tại Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu tranh luận với đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp về phát biểu trước đó của đại biểu Cường.

Ông Cường nói vụ 39 người chết trong container tại Anh, là vụ việc làm cả thế giới bàng hoàng. Đại biểu chia sẻ với gia đình các nạn nhân và thể hiện sự căm phẫn trước hành vi của bọn tội phạm buôn bán người.

Theo đại biểu Cường, trong vụ việc đau xót này, các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã kịp thời phối hợp với cơ quan liên quan của Anh để xử lý. Đặc biệt, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam một số đối tượng để điều tra đường dây đưa người đi nước ngoài lao động trái phép.

Tuy vậy, về nguyên nhân, đại biểu Cường đề nghị "cần đánh giá tình hình một cách nghiêm túc, rút ra bài học để tránh những thảm hoạ tương tự".

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ việc, theo đại biểu Cường là hành vi tội phạm của bọn buôn bán người gây ra, nhưng ông Cường cho rằng có sự "hạn chế trong thực hiện vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước".

Trước hết, nó nói lên rằng công tác quản lý nhà nước trong một số vụ việc chưa theo kịp thực tiễn. Mỗi năm chúng ta đưa hơn 100.000 người đi lao động ở nước ngoài theo con đường chính thức, nhưng con số thực tế lớn hơn nhiều, điều này có nghĩa là số người đi lao động chui rất nhiều, ông Cường nói.

Trong khi đó, theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp thì tội phạm mua bán người rất phức tạp, câu kết với nhiều chủ thể, hoạt động đa quốc gia, chúng dụ dỗ, lôi kéo các gia đình khó khăn, có nhu cầu đi lao động nước ngoài, đưa họ vào những rủi ro, nguy hiểm không thể lường trước.

Hiện trạng này đã diễn ra từ lâu nhưng "công tác thông tin, tuyên truyền về pháp luật còn rất hạn chế. Trách nhiệm này trước hết về chính quyền địa phương. Việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu chưa chặt chẽ. Công tác đấu tranh chống loại tội phạm buôn bán người, đưa người đi lao động "chui" còn chưa hiệu quả".

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo chính quyền địa phương làm tốt các công tác nêu trên, tổ chức thực hiện hiệu quả việc đưa người đi lao động ở nước ngoài đúng pháp luật.

"Phòng ngừa phải là chính, đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đồng thời đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm mua bán người", đại biểu Cường phát biểu.

Tranh luận với đại biểu Cường, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu thể hiện sự đau lòng và cho đây là thảm họa nhân đạo chấn động Quốc tế thời gian vừa qua. "Tôi chia buồn sâu sắc với các gia đình bị nạn, vụ việc xảy ra tại Anh, nên kết luận về tội danh gì thì do Anh kết luận", ông Cầu nói.

Tuy nhiên, vị tướng công an nhấn mạnh, theo luật pháp Việt Nam hành vi này không phải buôn người mà tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép, theo điều 349 Bộ luật Hình sự.

Hiện Bộ công an đã chỉ đạo công an Nghệ An đã tiến hành khởi tố vụ án và ngày hôm qua chúng tôi đã bắt giữ 8 đối tượng liên quan đến đường dây này, ông Cầu thông tin.