13:56 17/06/2022

Vụ đại án Đông Á Bank: “Truy” trách nhiệm của nhân viên ngân hàng, công chứng viên

Đỗ Mến

Từ ngày 16-17/6, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử 10 bị cáo trong vụ án thất thoát hơn 184 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (viết tắt là DAB). Trong số đó có một số cán bộ tín dụng phải hầu tòa với vai trò đồng phạm với ông Trần Phương Bình – cựu Tổng giám đốc DAB.

Đại diện Viện kiểm sát luận tội với các bị cáo.
Đại diện Viện kiểm sát luận tội với các bị cáo.

“LÀM THEO MỆNH LỆNH CẤP TRÊN”

Theo cáo trạng, từ năm 2007-2014, DAB đã giải ngân cho CTCP Đầu tư và du lịch An Phát, Công ty TNHH Star Hair, CTCP Đầu tư xây dựng và thương mại Tràng An vay số tiền lớn, hiện nay còn dư nợ hơn 184 tỷ đồng không có khả năng thu hồi.

Vào thời điểm đó, NHNN có Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 về việc Ban hành Quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng; Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính Phủ về giao dịch đảm bảo.

Tuy nhiên, DAB chi nhánh Hà Nội đã không đảm bảo thủ tục về thế chấp, đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định của pháp luật. DAB và Công ty An Phát thực hiện việc công chứng hợp đồng và đăng ký giao dịch đảm bảo, nhưng lại giải ngân trước khi thực hiện các thủ tục này.

Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất của Công ty An Phát nhưng không có Nghị quyết của ĐHĐCĐ, dẫn đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng thế chấp trái quy định pháp luật và không có giá trị thực hiện.

Cáo trạng xác định, các cán bộ của DAB chi nhánh Hà Nội và Ban Tổng Giám đốc gồm: Trần Phương Binh và Nguyễn Thị Kim Xuyến đã vi phạm về điều kiện cấp tín dụng, cho Công ty An Phát vay không có tài sản đảm bảo.

Bên cạnh đó, số tiền giải ngân của các hợp đồng này không được sử dụng đúng mục đích, phần lớn được dùng để trả gốc và trả lãi cho chính các khoản vay của Công ty An Phát tại DAB.

Bị cáo Nguyễn Minh Hoàng – cán bộ tín dụng DAB chi nhánh Hà Nội khai nhận bị cáo nhận 2 hồ sơ vay vốn của Công ty An Phát. Khi đó, bị cáo làm ở vị trí nhân viên tập sự, non kinh nghiệm, bị cáo làm theo bổn phận của mình. Cấp trên yêu cầu như nào bị cáo làm thế đó. Bị cáo cảm nhận cả chi nhánh có chịu sức ép từ bà Nguyễn Thị Kim Xuyến – Phó tổng giám đốc DAB.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Thị Phương – cán bộ tín dụng khai nhận, từ giữa năm 2008, bị cáo được giao hồ sơ vay vốn của Công ty An Phát với số tiền giải ngân 120 tỷ đồng.

Lời khai của bị cáo Phương thể hiện, bị cáo nhận hồ sơ từ bị cáo Phan Thúy Mai – cựu giám đốc Công ty An Phát nhưng thực tế, hồ sơ đều qua phòng giám đốc, trưởng phòng. Bị cáo thừa nhận, hợp đồng được ký vào tháng 2/2009 nhưng hợp đồng tài sản được ký công chứng sau (ngày 20/3/2009).

“Chưa nói đến giá trị hợp đồng có đúng hay không mà trình tự thủ tục đã không đúng rồi?”, chủ tọa nói. Bị cáo Phương đáp, tại thời điểm giải ngân chưa ký hợp đồng thế chấp nhưng bị cáo có văn bản phê duyệt của ông Trần Phương Bình là “cho giải ngân trước, hoàn thiện sau”. Bị cáo không biết là trái pháp luật. Bị cáo làm theo mệnh lệnh của cấp trên.

“Bị cáo không được hưởng lợi gì khi đề xuất cho Công ty An Phát vay. Bị cáo nhận thấy rất có lỗi, do chưa có hiểu biết nghiệp vụ”, bị cáo Phương khai.

Cũng tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Anh khai nhận làm việc tại DAB từ năm 2002, là trưởng phòng tín dụng kinh doanh DAB chi nhánh Hà Nội. Với nhiệm vụ được giao, bị cáo có nhiệm vụ thẩm định lại các tờ trình do cán bộ tín dụng cung cấp rồi trình lên các cấp cao hơn theo phân quyền để cấp trên phê duyệt.

Bị cáo suy nghĩ, hồ sơ của công ty đủ điều kiện cho vay nhưng bị cáo thừa nhận không kiểm tra hết, không phát hiện công chứng giao dịch đảm bảo không đúng quy định. Bị cáo cũng thừa nhận không phát hiện việc Công ty An Phát sử dụng 14,5 tỷ đồng/53 tỷ đồng vay vốn để trả nợ cho cá nhân bị cáo Phan Thúy Mai.

Trả lời HĐXX, bị cáo Ngọc Anh thừa nhận, tại thời điểm đó, bị cáo là người làm trái ngành trái nghề, với khách hàng Công ty An Phát được cấp trên chỉ đạo xuống yêu cầu tạo điều kiện cho vay sớm, vay nhanh. Với những gì doanh nghiệp cung cấp, bị cáo hiểu đang làm đúng quy trình ngân hàng nhưng sau khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo nhận thấy nếu được làm lại, bị cáo phải có sự cẩn trọng hơn, hiểu biết pháp luật hơn để làm hoàn thiện hơn.

VIỆN KIỂM SÁT ĐỀ NGHỊ MỨC ÁN

Sau khi xét hỏi, đại diện Viện kiểm sát luận tội và đề nghị mức án. Theo Viện kiểm sát, các bị cáo Trần Phương Bình (cựu giám đốc DAB) và Nguyễn Thị Kim Xuyến (cựu phó tổng giám đốc DAB) là người chịu trách nhiệm chính đã phê duyệt trái pháp luật các khoản tín dụng để DAB chi nhánh giải ngân sai quy định cho Công ty An Phát. Hậu quả là DAB bị thiệt hại hơn 184 tỷ đồng.

Do đó, Viện kiểm sát đề nghị tòa án tuyên bị cáo Trần Phương Bình mức án từ 14-15 năm tù, Nguyễn Thị Kim Xuyến 14-15 năm tù về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động ngân hàng. Cùng tội danh trên, 8 bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 2 năm tù treo đến 9 năm tù.

Về dân sự, Viện kiểm sát đề nghị tuyên Công ty An Phát phải bồi thường cho DAB 108 tỷ đồng. Các bị cáo phải liên đới bồi thường 76 tỷ đồng. Đồng thời, VKS cũng đề nghị Hội đồng xét xử tuyên trả lại 123 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty An Phát.

Đối với các cán bộ tín dụng, do họ không được hưởng lợi ích vật chất nên Viện kiểm sát đề nghị miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho họ.

TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG CHỨNG VIÊN ĐẾN ĐÂU?

Trong vụ án này, bị cáo Phan Thúy Mai, cựu Giám đốc công ty An Phát bị cáo buộc sử dụng các tài liệu giả chữ ký của các cổ đông để thế chấp tài sản công ty. Bị cáo lợi dụng mối quan hệ thân thiết với Trần Phương Bình và Nguyễn Thị Kim Xuyến, vận động để Bình, Xuyến chỉ đạo Chi nhánh DAB Hà Nội giải ngân nhanh, sai quy định.

Hồ sơ lưu giữ tại DAB chi nhánh Hà Nội và Phòng công chứng số 2 Vĩnh Phúc cho thấy, không có tài liệu thể hiện ý chí thống nhất của ĐHĐCĐ hay HĐQT Công ty An Phát đồng ý đổi tài sản đảm bảo từ tài sản cá nhân bị cáo Mai sang tài sản Công ty An Phát (gồm 18 quyền sử dụng đất và 42.955m2 đất). Tuy nhiên, lại có biên bản họp HĐQT ngày 1/2/2008, nội dung đồng ý thế chấp toàn bộ quyền sử dụng đất, tài sản trên đất và các tài sản khác của Công ty An Phát để vay DAB tối đa 500 tỷ đồng.

Kết quả giám định cũng xác định, trong biên bản họp HĐQT ngày 1/2/2008 có chữ ký giả mạo cổ đông Nguyễn Kỳ Anh. Các cổ đông khác khai nhận không tham gia cuộc họp này.

Ngoài ra, bị cáo Phan Thúy Mai còn sử dụng hành vi gian dối để chuyển nhượng 2 nền đất biệt thự thuộc dự án Công ty An Phát rồi mang thế chấp, vay tiền của DAB. Hợp đồng thế chấp do Văn phòng Công chứng Nguyễn Tú – TP Hà Nội thực hiện.

Cơ quan điều tra cho rằng, đối với ông Hoàng Minh Khoa - Công chứng viên Phòng Công chứng số 2 tỉnh Vĩnh Phúc ký công chứng các hợp đồng thế chấp tài sản của Công ty An Phát mà không có tài liệu thể hiện việc cổ đông đồng ý là không đúng quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

Tương tự, ông Khúc Mạnh Cường -  Công chứng viên Phòng Công chứng Nguyễn Tú ký công chứng các hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo nhưng không có Điều lệ của Công ty An Phát, không có Biên bản họp ĐHĐCĐ về việc đồng ý thế chấp tài sản là trái quy định pháp luật.

Tuy nhiên, do các ông này không bàn bạc, thỏa thuận, không được hưởng lợi nên không xử lý hình sự. Cơ quan điều tra có văn bản kiến nghị Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc và Sở Tư pháp TP Hà Nội có hình thức xử lý với hai ông này.