Vụ Đại học Tôn Đức Thắng: Nhận hàng nghìn tỷ là “không chính xác”
Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, nhiều thông tin phản hồi của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chưa chính xác, và khẳng định hiệu trưởng nhà trường "không lạm quyền"
Ngay sau khi nhận thông tin của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc trường tố Cơ quan này đòi tiền là "hoàn toàn không đúng sự thật", hơn nữa hiệu trưởng của Đại học Tôn Đức Thắng nhiều lần chống lệnh, lạm quyền, đại diện nhà trường đã có phản hồi lại.
Nhận hàng nghìn tỷ đồng là "không chính xác"
Theo đại diện Đại học Tôn Đức Thắng, nhà trường chưa bao giờ phủ nhận sự hỗ trợ của Đảng, nhà nước, các bộ/ngành, địa phương và vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong sự phát triển của trường. Tuy nhiên, có nhiều thông tin Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao đổi với báo chí chiều ngày hôm qua cần phải đính chính lại.
Cụ thể, với cơ sở Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích 2.800 m2 do nhà trường mua lại của Công ty Dệt may Gia Định vào cuối năm 1999 (thời điểm này trường còn là Trường Đại học dân lập công nghệ Tôn Đức Thắng) bằng vốn vay; cơ sở Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích 90.725m2 (là đất trống, không có bất cứ tài sản gì trên đất) đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao cho trường theo Quyết định số 1479/QĐ-UBND ngày 2/4/2008.
Đại diện Đại học Tôn Đức Thắng lưu ý, thời điểm được giao khu đất này nhà trường vẫn đang trực thuộc Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày 11/6/2008, trường mới chính thức đổi tên thành Trường Đại học Tôn Đức Thắng và chuyển về trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Việc xây dựng cơ sở trên đất của các cơ sở này từ nguồn vốn tự tích lũy và vốn vay ưu đãi. Thời điểm đó không có bất cứ tài sản nào trên đất "theo nguyên giá là 81 tỷ". Do đó, trường cho rằng thông tin Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra là không đúng.
Về phần tài chính, trước đây lãnh đạo trường đã thông tin là tài trợ bằng tiền của nhà nước và công đoàn từ khi thành lập đến nay cho trường có 5 khoản. Tổng tài trợ là 295,5 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng đầu tư xây dựng cơ bản của nhà trường trên mặt đất.
"Số liệu tài chính này không tính đến giá trị đất. Thông tin số tiền, tài sản mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã hỗ trợ Trường Đại học Tôn Đức Thắng hàng nghìn tỉ đồng là không chính xác. Khối tài sản đã gia tăng hiện nay 2.200 tỷ đồng là tài sản đầu tư trên đất, không bao gồm giá trị đất, các trường công", đại diện Đại học Tôn Đức Thắng thông tin.
Khẳng định "không chống lệnh"
Liên quan đến phản hồi của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng lãnh đạo nhà trường chống lệnh cơ quan cấp trên, đại diện trường cho rằng, việc này là "không đúng sự thật".
Theo đó, về kiểm toán, không phải trường có văn bản không đồng ý mà là xin đề nghị dời thời gian kiểm tra. Khi có dự thảo kết luận kiểm tra, nhà trường phản hồi "một cách minh bạch, đúng pháp luật và có căn cứ" đối với những kết luận kiểm tra chưa chính xác.
Đối với những kết luận kiểm tra chính xác, nhà trường nghiêm túc tiếp thu và hoàn thiện. "Chẳng lẽ, mọi kết luận của đoàn kiểm tra, nhà trường buộc phải tuân thủ cho dù kết luận đó không phản ánh đúng thực tế hoặc không đúng với quy định của Đảng, nhà nước", đại diện Đại học Tôn Đức Thắng cho biết.
Về lịch làm việc giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với nhà trường, đại diện trường khẳng định, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có mời trường 3 lần. Trong đó, lần đầu tiên, nhà trường đã cử Phó hiệu trưởng và Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính ra làm việc trực tiếp với Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để xin hoãn họp vì đang có quá nhiều sự kiện lớn diễn ra tại trường, nhà trường chưa thể sắp xếp ngay sau Tết Nguyên đán.
Việc dời đã được Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý. Thư mời lần 2 trùng lịch họp hội đồng trường. Ngay sau đó, nhà trường đã cử lãnh đạo trường ra dự họp theo yêu cầu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Do vậy, trường cho rằng, thông tin của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là không đúng sự thật, sai lệch bản chất. Theo Quy chế Hội đồng trường, Hội đồng trường họp thường kỳ 6 tháng/lần và họp bất thường khi có đề nghị bằng văn bản của trên 30% tổng số thành viên Hội đồng trường, hoặc có đề nghị của hiệu trưởng hoặc của chủ tịch hội đồng.
Trường cũng cho biết, đã gửi thư mời chủ tịch Hội đồng trường nhưng không có phản hồi, đến đúng ngày họp mới nhận được văn bản của đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo là chủ tịch đi nước ngoài.
Theo Quy chế hiện hành thì nhiệm kỳ của Hội đồng trường theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng. "Trong khi thời gian nhiệm kỳ của hiệu trưởng sắp hết mà chủ tịch Hội đồng trường vẫn không lo cho nhiệm kỳ mới thì đến tháng 7/2019 trường sẽ không có Hội đồng trường và không có hiệu trưởng thì ai sẽ điều hành, quản lý trườn. Do vậy, việc triệu tập họp của hiệu trưởng là thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu đối với tập thể hơn 1.300 con người" đại diện Đại học Tôn Đức Thắng giải thích.