23:09 19/09/2019

Vụ Địa ốc Alibaba: Hàng trăm khách hàng đi... đòi tiền

B.H

Hàng trăm khách hàng đã đổ về công ty Địa ốc Alibaba đòi trả tiền sau khi Nguyễn Thái Lĩnh bị cơ quan điều tra bắt giữ

Nguyễn Thái Luyện và các anh em mình đã lập công ty rao bán nhiều dự án không có thật để lừa đảo khách hàng.
Nguyễn Thái Luyện và các anh em mình đã lập công ty rao bán nhiều dự án không có thật để lừa đảo khách hàng.

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba ban đầu có trụ sở chính tại đường Điện Biên Phủ (Phường 15, quận Bình Thạnh, Tp.HCM), sau này dời về đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức).

Công ty gia đình

Công ty Địa ốc Alibaba có 3 cổ đông gồm Nguyễn Thái Lĩnh - Giám đốc kiêm đại diện pháp luật, góp 10% vốn; bà Võ Thị Thanh Mai, góp 10% vốn điều lệ và Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch Hội đồng quản trị. Khi vừa thành lập, công ty có vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Đến tháng 12/2016, công ty này tăng vốn lên 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm 2017, Nguyễn Thái Luyện tuyên bố công ty đã tăng vốn điều lệ lên 1.600 tỷ đồng.

Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh là hai anh em. Luyện sinh năm 1985 quê gốc ở Gia Lai vốn xuất thân là một môi giới bất động sản ở Tp. HCM. Khi ra mở công ty riêng là Alibaba, Luyện đã rủ người em ruột là Nguyễn Thái Lĩnh về làm cùng. Không những vậy, Nguyễn Thái Lực - một người em của Luyện cũng gia nhập công ty với vai trò thu mua đất nông nghiệp, rồi lập dự án ma bán cho khách hàng. 

Địa ốc Alibaba cũng là doanh nghiệp có mô hình hoạt động gần giống các công ty đa cấp. Các nhân viên tham gia công ty theo hình thức góp vốn. Nhân viên công ty tích cực quảng bá hình ảnh, bán hàng dự án với nhiều cam kết "trên trời" để huy động vốn. Vì quyền lợi nên khi xảy ra sự cố pháp lý, các nhân viên này vẫn "sống chết" bảo vệ chủ tịch và các đội ngũ lãnh đạo của công ty vì có quyền lợi trong đó.

Theo kết quả điều tra ban đầu của Bộ Công an cho thấy, Giám đốc Nguyễn Thái Lĩnh và đồng phạm đã thành lập Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba và các công ty thành viên, tự vẽ các dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… nhưng đã huy động tiền của hàng nghìn khách hàng để chiếm đoạt.

Quá trình xác minh cho thấy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Công ty Alibaba rao bán nền của 29 dự án. Trong đó, tại huyện Long Thành có 27 dự án, bao gồm 21 dự án ở xã Long Phước; 3 dự án ở xã Phước Thái; 3 dự án ở 3 xã Bàu Cạn, Tân Hiệp, An Phước. Hai dự án còn lại nằm ở xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch và xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc.

Các dự án ở xã Long Phước có tên là dự án Alibaba 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16; Long Phước Golden Point; Long Phước Golden Point II; khu dân cư quốc tế Lilama; Alibaba Long Thành Capital; Long Phước Residence. Ba dự án ở xã Phước Thái là Alibaba Central Park, Alibaba Central Park II, Alibaba Central Park III. Hai dự án nằm ở huyện Nhơn Trạch và huyện Xuân Lộc là Ali Aqua Nhơn Trạch và Ali Mega Xuân Lộc.

Khách hàng đòi tiền, Alibaba nói "Bộ Công an giữ tiền an toàn hơn"

Phó tổng giám đốc phụ trách đối ngoại của Alibaba, Huỳnh Thị Ngọc Như trong buổi livestream trên mạng xã hội ngày 19/9 tại trụ sở công ty đối thoại với khách hàng đã khẳng định sự kiện khởi tố vụ án tại công ty và bắt giữ Nguyễn Thái Lĩnh ngày 18/9 diễn ra quá bất ngờ và công ty đã phối hợp với cơ quan chức năng cung cấp giấy tờ, tài sản có liên quan.

"Cơ quan chức năng hiện tại đã giữ hết tài sản của chúng tôi đang có, từ con người. CEO Nguyễn Thái Luyện là tài sản vô giá của công ty. Thêm nữa là tiền, sổ sách…Bộ Công an đã phong toả hết, khách hàng yên tâm vì Bộ giữ còn an toàn hơn cả công ty chúng tôi giữ nó. Anh Lĩnh, anh Luyện làm việc với cơ quan chức năng hợp tác điều tra để đưa ra kết luận sớm nhất. Sau khi có kết quả, anh Luyện quay trở lại thì chúng ta vẫn cứ làm việc bình thường!", bà Như trấn an khách hàng.

Bà Như cho biết đã giải trình với cơ quan về dòng tiền vào, ra công ty, về tài sản 600ha đất. Tiền huy động của khách hàng được Alibaba mua bất động sản chứ không đầu tư gì khác.

Khung cảnh trong buổi phát trực tiếp của Alibaba cho thấy có đông đảo khách hàng đến "đòi tiền". Một khách hàng công ty phản ánh đã kiến nghị nhiều lần nhưng công ty không phản hồi. Vị khách hàng này bức xúc đề nghị Alibaba trả tiền. Trả lời khách hàng này, bà Như cho biết tài khoản của công ty đã bị phong toả do đó không có tiền trả cho khách hàng.

Một khách hàng lớn tuổi mua 10 lô đất của Alibaba cho biết, toàn bộ tài sản gom góp cả đời đã đổ vào đây. Ông cho biết, các bạn nghỉ hưu của mình đầu tư rất nhiều vào Alibaba. Song từ tháng 8 đến giờ chưa được thanh toán. "Tôi rất sợ các bạn nhân viên, môi giới công ty trốn mất. Khi đó không biết phải làm sao. Bộ Công an phong toả tài sản nhưng công ty cũng phải trả tiền cho khách hàng", ông nói.