Vụ ông Lê Thanh Thản lừa dối khách hàng: Vì sao phải trả hồ sơ điều tra bổ sung ?
Đối với 520 căn hộ cao tầng và thấp tầng đến nay không được cấp sổ, ông Thản nói rằng công ty sẽ cố gắng đề nghị cấp sổ đỏ cho dân. ''Đấy là mong muốn duy nhất của chủ đầu tư" - ông Thản nói.
Ngày 10/8, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử ông Lê Thanh Thản (Tổng giám đốc Công ty Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh (còn gọi là "đại gia điếu cày”) về tội Lừa dối khách hàng.
Các bị cáo khác gồm: Đỗ Văn Hưng (SN 1968) cựu Chủ tịch phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội; 2 cựu Phó chủ tịch phường này là Nguyễn Duy Uyển (SN 1964) và Bùi Văn Bằng (SN 1969) và Nguyễn Văn Năm (SN 1965)- cựu Chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông;
Vương Đăng Quân (SN 1958)- cựu Phó chánh Thanh tra và cựu cán bộ Thanh tra quận Hà Đông, Mai Quang Bài (SN 1960, cựu cán bộ Thanh tra xây dựng quận Hà Đông) hầu tòa về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Khai báo tại tòa, ông Thản thừa nhận là người chịu trách nhiệm tại Công ty Bemes. Về thông tin dự án CT6 Kiến Hưng, ông Thản nhiều lần nói không nhớ được về số tầng, số căn hộ. Theo ông Thản, 3 tòa nhà trong dự án gồm CT6A, CT6B, CT6C xây dựng đúng quy hoạch chỉ là sai công năng. Một tòa nhà theo đúng thiết kế làm khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng nhưng đã được sử dụng làm căn hộ để ở.
Ông Thản khai Công ty Bemes nhiều lần có văn bản đề nghị UBND chấp thuận thay đổi. UBND Hà Nội có cho thay đổi quy hoạch nhưng những việc tiếp theo công ty không làm tiếp. ''Công trình xong rồi nên không tiếp tục theo đuổi vì nghĩ xong rồi'' - ông Thản nói.
Đối với 520 căn hộ cao tầng và thấp tầng đến nay không được cấp sổ, ông Thản nói rằng công ty sẽ cố gắng đề nghị cấp sổ đỏ cho dân. ''Đấy là mong muốn duy nhất của chủ đầu tư" - ông Thản nói.
Về phía cư dân, chị Đinh Thị N. (cư dân tòa CT6C) cho biết, chủ đầu tư có ghi trong trong hợp đồng là khi bàn giao nhà xong, chủ đầu tư sẽ hỗ trợ làm thủ tục cấp sổ đỏ.
Tuy nhiên, khi người dân đi đề nghị cấp sổ, thì phía Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lại trả lời rằng, do tòa nhà xây dựng sai phạm nên không được cấp sổ.
"Tôi thấy bị cáo đã gây ra cho chúng tôi rất nhiều khó khăn. Mua nhà hơn 10 năm mà không được xác nhận quyền sở hữu tài sản, chúng tôi không thể đăng ký hộ khẩu, làm khai sinh cho con cái", chị N trình bày.
Theo chị N., từ năm 2011 đến nay, họ không thể mua căn hộ khác để đảm bảo cuộc sống. Cư dân còn bỏ công sức ra để đi đòi quyền lợi trong suốt 10 năm qua mà không có kết quả, đó chính là thiệt hại. Chị N. đề nghị tòa xem xét giải quyết vấn đề dân sự ngay trong phiên tòa này, không tách ra vụ việc khác để cư dân không phải đi khiếu kiện thêm một lần nữa.
Trường hợp các yêu cầu của bị hại không được bị cáo giải quyết, chị N. mong tòa sơ thẩm xem xét tình tiết tăng nặng đối với bị cáo. Chị N. mong muốn được bồi thường theo giá trị căn hộ mà thị trường khu vực đó quy định hiện tại, tức khoảng hơn 25 triệu đồng/m2. Ngoài ra, bị hại còn đề nghị bồi thường chi phí làm nội thất và tổn thất tinh thần.
Trong khi đó, có cư dân đề nghị bị cáo bồi thường ở mức giá khác cao hơn, ở mức 34 triệu đồng/m vì tòa CT6C ở vị trí thuộc quận Hà Đông, đẹp hơn các tòa khác, nên phải bồi thường mức giá cao hơn.
Sau khi nghe lời khai ông Thản và một số bị hại, chủ tọa phiên tòa công bố tạm nghỉ để hội ý. Sau đó, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vì thấy có một số nội dung không thể làm rõ tại tòa.
Tòa cũng thông báo cho các bị hại, người liên quan... chưa có lời khai, chưa trình báo thì liên hệ cơ quan điều tra Công an Hà Nội để gửi đơn, nộp tài liệu chứng cứ để được đưa vào tham gia tố tụng.
Trong thời gian điều tra bổ sung, các bị hại đã được đưa vào tham gia tố tụng thì liên hệ với cơ quan điều tra, ông Thản và Công ty Bemes để giải quyết.
Với quyết định của tòa án, một số bị hại đã phản ứng, họ mong muốn được giải quyết quyền lợi sớm.
Theo cáo trạng, tháng 10/2010, ông Thản đã chỉ đạo tổ chức thi công xây dựng dự án CT6 Kiến Hưng vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng rồi quảng cáo, đưa thông tin gian dối về tính pháp lý để bán căn hộ.
Theo kết luận giám định, công trình trên vi phạm các lĩnh vực thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm vụ, bán căn hộ không đủ điều kiện về giao dịch nhà ở.
Dự án trên có 1.620 căn hộ nhưng chỉ có 934 căn hộ (bao gồm 916 căn cao tầng tòa CT6A và CT6B từ tầng 5 đến tầng 31 và 18 căn thấp tầng) được cấp sổ đỏ. Còn lại 520 căn hộ tòa CT6C không được cấp sổ đỏ tòa.
Cơ quan điều tra làm việc với 488/520 khách hàng, xác định số tiền khách hàng bị thiệt hại là hơn 481 tỷ đồng. Đây cũng là số tiền ông Thản bị cáo buộc thu lời bất chính.
Trong số 520 khách hàng thì có 6 khách hàng mong muốn được trả lại hơn 7 tỷ đồng. Phần lớn khách hàng còn lại có đơn đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ đỏ.
Quá trình điều tra, ông Thản có đơn đề nghị được khắc phục hậu quả vụ án theo 3 phương án, trong đó có phương án thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C để di dời sang dự án Khu đô thị Thanh Hà – Cienco5. Hoặc thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C để mua lại nhà hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ nhà CT6C.
Quá trình điều tra, ông Thản lựa chọn phương án 3 song đến nay, Công ty Bemes không thỏa thuận được với khách hàng.
Vì vậy, ông Thản đã đề nghị Ngân hàng BIDV – chi nhánh Nam Hà Nội bảo lãnh số tiền 530 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Ngân hàng xác nhận bảo lãnh số tiền trên theo các sổ tiết kiệm thuộc sở hữu của vợ ông Thản.