12:04 29/06/2021

Vụ vải Lục Ngạn dự kiến kết thúc sớm bất chấp Covid-19

Lưu Hà

Trong bối cảnh dịch Covid -19 căng thẳng, vụ vải thiều tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) được xem là thắng lợi khi dự tính kết thúc thu hoạch sớm hơn năm trước khoảng 10 ngày...

Theo UBND huyện Lục Ngạn, thời điểm này, trung bình mỗi ngày toàn huyện thu hoạch hơn 6 nghìn tấn vải thiều tươi và xu hướng giảm dần trong những ngày tới. Chủ yếu là vải chính vụ của 6 xã trên đèo, như: Sơn Hải, Hộ Đáp, Kim Sơn, Phong Vân và một số xã vùng thấp. Đến nay sản lượng vải đã tiêu thụ 122 nghìn tấn, tăng hơn 1 nghìn tấn so với dự báo ban đầu.

Trong đó, lượng vải xuất khẩu hơn 36,57 nghìn tấn. Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 32,2 nghìn tấn; thị trường Campuchia, Lào, Malaysia, đạt hơn 4,24 nghìn tấn, cao nhất từ trước tới nay; còn lại là thị trường khác. Lượng vải tiêu thụ trong nước đạt 85,15 nghìn tấn. Trong đó vải đưa vào sấy khô đạt hơn 44,21 nghìn tấn. Vải thiều sấy khô xuất khẩu đạt 10,628 nghìn tấn, cao gấp hơn 2 lần năm 2020.

Sau khi có thông báo của Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn về việc có thêm 10 xã, gồm: Hồng Giang, Biên Sơn, Tân Quang, Giáp Sơn, Phì Điền, Tân Hoa, Biển Động, Đồng Cốc, Phú Nhuận và Kim Sơn áp dụng biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc tiêu thụ vải vẫn diễn ra bình thường bởi các xã này cơ bản lượng vải đã được thu hoạch, số ít còn lại được sấy khô. Huyện đang lập kế hoạch hỗ trợ người dân vùng cao thu hoạch nốt số vải thiều còn lại. Dự kiến năm nay, huyện Lục Ngạn kết thúc thu hoạch vải sớm hơn năm trước khoảng 10 ngày.

Huyện Lục Ngạn đang lập kế hoạch hỗ trợ người dân vùng cao thu hoạch nốt số vải thiều còn lại.
Huyện Lục Ngạn đang lập kế hoạch hỗ trợ người dân vùng cao thu hoạch nốt số vải thiều còn lại.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn, chưa bao giờ Bắc Giang nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể trong tiêu thụ vải thiều như năm nay. Đặc biệt, các hãng hàng không cũng ưu ái cho vải thiều Bắc Giang, ngoài hỗ trợ giá cước còn dành khoang riêng đưa vải thiều vào thị trường phía Nam. Sự hỗ trợ đó đã kết nối được nhiều doanh nghiệp, cơ quan thu mua và tiêu thụ vải thiều với số lượng lớn.

Nhờ sự chung tay hỗ trợ của cả nước cùng với tổ chức hội nghị trực tuyến 30 điểm cầu trong nước và quốc tế, vải thiều Bắc Giang không ngừng mở rộng thị trường. Trong nước, vải thiều đã vươn đến các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ, miền Trung… mà những vụ trước hiếm có.

Với xuất khẩu, ngoài thị trường truyền thống (Trung Quốc), năm nay vải thiều đã chinh phục thành công nhiều thị trường khó tính và các thị trường mới như: Nhật Bản, Pháp, Cộng hòa Czech, Australia, Mỹ, Đức, Hà Lan, Campuchia, Lào... Trong số này, có những thị trường đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm.

Nhờ tập trung cao thực hiện bảo đảm phòng chống dịch, 12 xã của huyện Lục Ngạn áp dụng biện pháp khoanh vùng, việc tiêu thụ vải rất linh hoạt. Các hợp đồng liên kết sản xuất vải thiều chế biến, xuất khẩu vẫn được thực hiện. Lái xe có chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 còn hiệu lực được vận chuyển đến nơi giao hàng bình thường. Ở các thôn không có người nhiễm, thương nhân đến tận vườn thu mua để bán vải tươi nhưng phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi, huyện đang thực hiện linh hoạt các hình thức tiêu thụ vải. Ngoài vải thiều sấy khô, đối với các thôn không bị cách ly, giãn cách, sau khi toàn bộ người dân trong thôn được test nhanh và âm tính với SARS-CoV-2, vải được bán ra ngoài thông qua thương nhân đến thu mua tại vườn.

Các thương nhân có đủ điều kiện bảo đảm phòng chống dịch và năng lực vận chuyển mới được thu mua. UBND huyện cho phép mỗi thôn có từ 2 - 3 thương nhân được vào mua, phải đặt số lượng vải từ hôm trước, sau đó thông báo cho UBND xã sở tại, xã sẽ thông tin đến các thôn, hộ trồng vải để chủ động. Hiện ở Lục Ngạn có gần 90 thương nhân đủ điều kiện đến thu mua vải cho bà con ở các xã bị cách ly, bảo đảm việc tiêu thụ diễn ra thuận lợi nhất.

Bên cạnh trái vải thiều tươi, vải thiều sấy khô cũng rất được thị trường ưa chuộng.
Bên cạnh trái vải thiều tươi, vải thiều sấy khô cũng rất được thị trường ưa chuộng.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm nay hầu hết các thương nhân Trung Quốc không sang Bắc Giang để trực tiếp thu mua vải. Tuy nhiên, do làm ăn với nhau đã lâu nên nhiều bạn hàng Việt Nam tại Lục Ngạn đã được thương nhân Trung Quốc chuyển tiền, đặt mua vải thiều Lục Ngạn với sản lượng hơn 30.000 tấn. Nhiệm vụ của các thương nhân Việt Nam là thu mua, đóng gói và vận chuyển rồi giao hàng cho bạn tại cửa khẩu ở Lào Cai, Lạng Sơn. Vì thế, việc vận chuyển, thông quan sang Trung Quốc rất thuận lợi.

Ngoài ra, việc tiêu thụ vải thiều Bắc Giang còn nhận được sự vào cuộc rộng khắp của hệ thống siêu thị, cửa hàng, các tỉnh, thành phố trong cả nước và được đẩy mạnh qua giao dịch thương mại điện tử. Đến nay có 7 sàn thương mại bán vải thiều Bắc Giang như: Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost), Lazada và Alibaba.com.

Theo đại diện Sở Công Thương Bắc Giang, trước đây việc “đưa vải lên sàn” chủ yếu ở bước thăm dò, tuy nhiên với 7 trang thương mại điện tử trong nước, quốc tế, hàng nghìn tấn vải thiều đã được giao dịch và tiêu thụ thành công. Từ kết quả này, thương mại điện tử sẽ được đẩy mạnh, người tiêu dùng tiếp cận nhanh, nhiều hơn. Dự kiến, vụ vải thiều Bắc Giang sẽ kết thúc vào đầu tháng 7.

 
Năm 2021, tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đạt hơn 200.000 tấn, tăng 20.000 tấn so với dự kiến ban đầu. Tính đến ngày 26/6, lượng vải đã tiêu thụ đạt 191.900 tấn, bằng 93% tổng sản lượng. Vải thiều được tiêu thụ hiện nay là vải chính vụ, tập trung chủ yếu tại Lục Ngạn. Trong khi đó, vải thiều tại các huyện Tân Yên, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế đã tiêu thụ xong. Các huyện Lục Ngạn, Sơn Động đang thu hoạch nốt phần còn lại.