11:52 21/02/2024

Vụ Việt Á: Phan Quốc Việt và số phận của các cuốn sổ tiết kiệm trị giá hàng trăm tỷ đồng

Đỗ Mến

Trong khi bị cáo Phan Quốc Việt xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì người thân bị cáo này cũng kháng cáo về các sổ tiết kiệm trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Bị cáo Việt tại tòa sơ thẩm.
Bị cáo Việt tại tòa sơ thẩm.

Ngày 21/2, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo của 12 bị cáo; các bên liên quan trong vụ đại án Việt Á.

Đặc biệt, ngoài phần kháng cáo về trách nhiệm hình sự của bị cáo Phan Quốc Việt - cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á thì số phận của các sổ tiết kiệm trị giá hàng trăm tỷ đồng cũng được các bên đề cập đến.

Theo đó, ngày 22/1/2024, bà Đàm Thị Tr. (mẹ bị cáo Việt) có đơn kháng cáo đề nghị hủy bỏ việc kê biên, phong tỏa 52 sổ/thẻ tiết kiệm đứng tên bà Tr. tại 4 ngân hàng.

Bà Hồ Thị Thanh Th. (vợ bị cáo Việt) cũng đề nghị hủy bỏ việc kê biên, phong tỏa 2 sổ/thẻ tiết kiệm đứng tên 2 con của bà và bị cáo Phan Quốc Việt với số tiền 20 tỷ đồng.

Quá trình xét xử sơ thẩm, khai nhận tại tòa, bị cáo Phan Quốc Việt xác nhận có 3 tài khoản ngân hàng, 55 sổ tiết kiệm đứng tên mình với tổng số tiền hơn 321 tỷ đồng bị phong tỏa. Ngoài ra, còn có 52 sổ tiết kiệm đứng tên mẹ bị cáo Việt (tổng số tiền 142 tỷ đồng) và 2 sổ tiết kiệm đứng tên con bị cáo (trị giá 20 tỷ đồng).

Bản án sơ thẩm xác định số tiền Công ty Việt Á hưởng lợi bất chính từ việc bán test xét nghiệm là 1.235 tỷ đồng. Tòa án buộc Công ty Việt Á nộp toàn bộ số tiền trên sau khi khấu trừ các khoản đã đưa hối lộ và những khoản liên quan để sung công quỹ.

Khoản tiền hưởng lợi bất chính này đến từ việc nâng khống giá thành vượt quá nhiều lần, do bị cáo Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á toàn quyền quyết định sử dụng.

Ngoài ra, tòa sơ thẩm cũng quyết định tiếp tục phong tỏa 52 sổ tiết kiệm đứng tên mẹ bị cáo Việt và 2 sổ tiết kiệm đứng tên con bị cáo Việt. Tòa án xác định số tiền trong các sổ tiết kiệm này có được từ việc bán test xét nghiệm, do đó phải nộp lại để sung công quỹ.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Phan Quốc Việt đã cấu kết với Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ các ngành Kinh tế Kỹ thuật - Bộ KH&CN để Hùng tác động các cá nhân, đơn vị liên quan quyết định cho Công ty Việt Á được phối hợp thực hiện Đề tài trái pháp luật.

Với mục đích được sản xuất, bán test xét nghiệm thu lời bất chính, Việt đã tiếp tục cấu kết với các bị cáo khác thực hiện nhiều hành vi sai phạm giúp Công ty Việt Á được kiểm định, được nghiệm thu giai đoạn 1 của Đề tài, lập hồ sơ gửi Bộ Y tế xin cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, lưu hành chính thức.

Để thuận lợi cho việc bán sản phẩm test xét nghiệm trên cả nước, Việt cấu kết với các bị cáo thuộc Bộ KH&CN để được đề nghị tặng Bằng khen, đánh bóng hình ảnh, thương hiệu cho test xét nghiệm; cấu kết với các bị cáo thuộc Bộ Y tế để được hiệp thương theo giá đã được nâng khống, chậm kiểm tra giá hiệp thương để tạo mặt bằng giá test xét nghiệm; giới thiệu với lãnh đạo các tỉnh, thành phố đưa máy móc, thiết bị về hỗ trợ phòng chống dịch và bán thương mại test xét nghiệm thu lời bất chính.

Để được các bị cáo khác can thiệp, giúp đỡ, Phan Quốc Việt đã thỏa thuận ăn chia, đưa tiền hối lộ, cảm ơn nhiều lần, với tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng.

Như vậy, Phan Quốc Việt phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số tiền đưa hối lộ là 106 tỷ đồng; hành vi của Phan Quốc Việt đã gây thiệt hại và được hưởng lợi số tiền 1.235 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho Nhà nước từ hành vi vi phạm đấu thầu là 431 tỷ đồng.

Theo cơ quan tố tụng, vụ án này là điển hình cho lợi ích nhóm, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, làm một bộ phận cán bộ bị suy thoái đạo đức.

Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh trong khi nhà nước đang phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh thì một bộ phận doanh nghiệp đã câu kết với cán bộ nhà nước thông đồng, thu lợi bất chính.