WHO đang theo dõi chặt chẽ 10 biến chủng Covid
WHO đang theo dõi nghiêm ngặt 10 biến chủng Covid-19 mà cơ quan này cho là “đáng quan tâm” hoặc “đáng lo ngại” trên phạm vi toàn cầu...
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang theo dõi nghiêm ngặt 10 biến chủng Covid-19 mà cơ quan này cho là “đáng quan tâm” hoặc “đáng lo ngại” trên phạm vi toàn cầu. Trong số này có 2 biến chủng phát hiện đầu tiên ở Mỹ và một biến chủng đột biến kép đang gây sóng gió ở Ấn Độ.
Theo hãng tin CNBC, WHO xem 10 biến chủng nói trên là nguy cơ đối với sức khoẻ cộng đồng trên toàn cầu.
Các biến chủng Covid-19 mới xuất hiện hàng ngày do virus liên tục biến đổi, nhưng chỉ có một số biến chủng được WHO đưa vào danh sách theo dõi, với tư cách những biến chủng “đáng quan tâm” hoặc “đáng lo ngại”. Các biến chủng thuộc diện “đáng lo ngại” là những loại đột biến, có khả năng lây lan nhanh hơn, dễ gây tử vong hơn, và có tính kháng lại cao hơn các loại vaccine và phương pháp điều trị hiện có.
WHO đã phân loại 3 biến chủng sau là biến chủng “đáng lo ngại”: biến chủng B.1.1.7 phát hiện đầu tiên ở Anh và hiện là biến chủng phổ biến nhất ở Mỹ; biến chủng B.1.351 phát hiện đầu tiên ở Nam Phi; và biến chủng P.1 phát hiện đầu tiên ở Brazil.
Biến chủng đột biến kép B.1617 phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ được WHO phân loại là “đáng quan tâm”. Chuyên gia kỹ thuật số 1 của WHO về Covid-19, bà Maria Van Kerkhove, cho biết cần nghiên cứu thêm để thực sự hiểu rõ về biến chủng này.
“Sự thật là có các số biến chủng virus mới đã và đang được phát hiện trên khắp thế giới, tất cả đều cần được đánh giá kỹ lưỡng”, bà Van Kerkhove nói.
Khi nghiên cứu về một biến chủng, các nhà khoa học xem xét biến chủng đó lưu hành tại một quốc gia ở mức độ như thế nào, liệu những đột biến của biến chủng đó có làm thay đổi mạnh mẽ mức độ nguy hiểm hay khả năng lây nhiễm của bệnh, và các yếu tố khác. Dựa trên các phân tích này, WHO sẽ quyết định có phân loại biến chủng đó là nguy cơ mới đối với sức khoẻ cộng đồng hay không.
“Các thông tin đang xuất hiện rất nhanh”, bà Van Kerkhove nói. “Có những biến chủng mới được nhận diện và báo cáo hàng ngày, nhưng không phải tất cả đều quan trọng”.
Những biến chủng khác được phân loại “đáng quan tâm” bao gồm B.1525 phát hiện đầu tiên ở Anh và Nigeria; B.1427/B/1429 phát hiện đầu tiên ở Mỹ; P.2 phát hiện đầu tiên ở Brazil; P.3 phát hiện đầu tiên ở Nhật Bản và Philippines; S477N phát hiện đầu tiên ở Mỹ; và B.1.616 phát hiện đầu tiên ở Pháp.
Bà Van Kerkhove nói rằng việc phân loại các biến chủng được quyết định ít nhất một phần bởi năng lực giải mã trình tự gen, mà năng lực này tuỳ thuộc vào từng quốc gia. “Đến nay, các quốc gia còn chênh lệch nhiều về năng lực này”, bà nói.
Cũng theo bà Van Kerkhove, WHO cũng đang dựa vào các nhà dịch tễ học tại các quốc gia, xem họ như “tai mắt” của WHO để hiểu rõ hơn về tình hình ở thực địa và nhận diện những biến chủng nguy hiểm mới.
Cơ quan Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ hiện cũng có một danh sách 4 biến chủng Covid-19 đáng quan tâm và 5 biến chủng đáng lo ngại tương tự như danh sách của WHO. Tuy nhiên, CDC Mỹ chủ yếu tập trung vào những biến chủng gây bùng phát dịch ở Mỹ.