18:09 04/05/2021

Không chỉ Ấn Độ, làn sóng Covid-19 còn đang đe doạ hàng loạt nước đang phát triển khác

An Huy

Đại dịch đang bùng mạnh ở nhiều nước đang phát triển khác, gây áp lực lên hệ thống y tế và buộc các quốc gia này phải cầu cứu...

Thái Lan đang đương đầu một đợt bùng dịch Covid-19 mới - Ảnh: France 24.
Thái Lan đang đương đầu một đợt bùng dịch Covid-19 mới - Ảnh: France 24.

Làn sóng Covid-19 mới không chỉ là câu chuyện của riêng ở Ấn Độ. Đại dịch cũng đang bùng phát mạnh ở nhiều nước đang phát triển khác trên thế giới, gây áp lực lên hệ thống y tế và buộc các quốc gia này phải lên tiếng cầu cứu.

 

Nếu xét về mức độ tăng của số ca nhiễm mới trong vòng 1 tháng qua so với tháng trước đó, Lào đang là nước dẫn đầu với mức tăng 22.000%, tiếp theo là Nepal và Thái Lan - hai nước với mức tăng hơn 1.000%. 

Các quốc gia từ Lào tới Thái Lan ở Đông Nam Á, cho tới những nước có biên giới với Ấn Độ như Bhutan và Nepal đều đang báo cáo số ca nhiễm mới tăng mạnh trong mấy tuần trở lại đây. Những biến chủng mới có mức độ lây lan nhanh hơn được xem là nguyên nhân chính, bên cạnh tâm lý chủ quan và sự thiếu hụt nguồn lực để kiểm soát virus.

Tại Lào, số ca nhiễm mới trong tuần trước tăng gấp hơn 200 lần so với cách đó một tháng, khiến Bộ trưởng Bộ Y tế nước này phải kêu gọi hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế và nhân lực cho công tác điều trị. Tại Nepal, số lượng bệnh nhân Covid điều trị trong các bệnh viện tăng mạnh và nguồn cung khí oxy y tế trở nên khan hiếm. Hệ thống y tế tại Thái Lan cũng đang đương đầu sức ép lớn, vì 98% số ca nhiễm mới đều do một biến chủng có mức độ lây lan nhanh. Một số đảo quốc ở Thái Bình Dương bắt đầu xuất hiện làn sóng Covid đầu tiên.

Hiện chưa có quốc gia nào chứng kiến làn sóng virus đáng sợ như những gì đang diễn ra ở Ấn Độ. Nhưng sự gia tăng mạnh mẽ số ca nhiễm mới ở các nước trên đang đặt ra nguy cơ về sự lây lan không thể kiểm soát. Làn sóng dịch bệnh này - bao gồm xảy ra lần đầu ở một số nơi về cơ bản tránh được Covid trong năm ngoái - một lần nữa cho thấy sự cấp bách phải cung cấp vaccine ngừa Covid cho những nước nghèo hơn để kiểm soát đại dịch trên phạm vi toàn cầu.

“Một điều rất quan trọng là cần phải nhận thấy rằng những gì xảy ra ở Ấn Độ có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào khác”, ông Hans Kluge, Giám đốc châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định trong một cuộc họp báo vào tuần trước. “Đây vẫn là một thách thức rất lớn”.

DỊCH BÙNG MẠNH Ở LÀO

Nếu xét về mức độ tăng của số ca nhiễm mới trong vòng một tháng qua so với tháng trước đó, Lào đang là nước dẫn đầu với mức tăng 22.000%, tiếp theo là Nepal và Thái Lan - hai nước với mức tăng hơn 1.000%. Một số quốc gia khác có mức tăng mạnh là Bhutan, Trinidad và Tobago, Suriname, Campuchia, và Fiji - đều là những nước có mức tăng phần trăm 3 con số về số ca nhiễm mới.

“Tất cả các quốc gia đều đang đối mặt rủi ro”, giáo sư về bệnh truyền nhiễm David Heymann thuộc trường y khoa London School of Hygiene & Tropical Medicine nhận định. “Căn bệnh này có vẻ sẽ trở thành dạng bệnh đặc hữu (endemic) và như thế sẽ tiếp tục là một rủi ro đối với tất cả các quốc gia trong tương lai gần”.

 

Từ khi đại dịch bắt đầu cho tới trước ngày 20/4, Lào mới có khoảng 60 ca nhiễm Covid. Nhưng từ ngày 20/4-3/5, Lào có thêm 908 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 966 ca. Hiện nước này chưa có ca tử vong nào vì Covid.

Bùng phát dịch ở Lào cho thấy thách thức mà những quốc gia nằm hoàn toàn trong nội địa phải đối mặt, bởi những nước này phải đối mặt với tình trạng người nhập cảnh trái phép. Hiện Lào đã phong toả thủ đô Vientiane và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía Việt Nam trong công tác chống dịch.

Số ca nhiễm tăng mạnh ở Nepal và Bhutan có nguyên nhân quan trọng là nguồn lây nhiễm từ công dân hồi hương. Biến chủng Covid-19 phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ hiện đã xuất hiện ở Nepal, trong khi nước này có nguồn lực hết sức eo hẹp để chống dịch. Quốc gia nằm trên dãy Himalaya này cho biết sẽ tạm dừng hầu hết các chuyến bay và chuyển các bệnh viện lớn thành cơ sở điều trị bệnh nhân mắc Covid.

Giám đốc chiến lược về sức khoẻ cộng đồng tại Đại học Washington, Mỹ, ông Ali Mokdad, nói rằng tình hình hiện nay là “rất nghiêm trọng”. “Các biến chủng mới đòi hỏi vaccine mới và mũi tiêm nhắc lại cho những người đã tiêm phòng. Biến chủng mới sẽ làm chậm lại quá trình đưa đại dịch về tầm kiểm soát”, ông Mokdad nói, đồng thời cho rằng khó khăn kinh tế ở những quốc gia nghèo hơn sẽ khiến cuộc chiến chống Covid càng khó khăn hơn.

PHNOM PENH THÀNH “VÙNG ĐỎ”

Trước khi dịch bùng trở lại, Thái Lan đã khởi động nỗ lực hồi sinh ngành du lịch. Nhưng hiện tại, nước này phải tái áp quy định cách ly bắt buộc hai tuần đối với tất cả du khách. Chính phủ Thái Lan dự báo doanh thu ngành du lịch năm nay chỉ đạt 170 tỷ Baht, tương đương 5,5 tỷ USD, từ mức dự báo 260 tỷ Baht đưa ra hồi đầu năm. Với hệ thống y tế công cộng đối mặt sức ép lớn, nhà chức trách Thái Lan đang thiết lập các bệnh viện dã chiến để điều trị số lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 tăng mạnh. Khoảng 98% số ca nhiễm mới ở Thái Lan hiện nay thuộc biến chủng phát hiện đầu tiên ở Anh.

Tại Campuchia, đã có hơn 10.000 ca nhiễm trong cộng đồng được ghi nhận trong đợt bùng dịch này. Thủ đô Phhom Penh của Campuchia đã trở thành một “vùng đỏ” với rủi ro lây nhiễm rất lớn.

Tại Sri Lanka, quốc gia nằm ở phía Nam của Ấn Độ, nhà chức trách đã phong toả nhiều khu vực, cấm tổ chức tiệc cưới và các cuộc tụ tập, đóng cửa các quán bar và câu lạc bộ, sau khi số ca nhiễm mới tăng vọt sau lễ hội đón năm mới cổ truyền vào tháng trước. Chính phủ Sri Lanka cho biết hiện tình hình đã được kiểm soát.

 

"Sự gia tăng gần đây của số ca nhiễm ở khu vực Thái Bình Dương cho thấy tầm quan trọng của việc vừa phải kiểm soát chặt biên giới, vừa phải cung cấp vaccine cho các quốc gia này”, chuyên gia Jonathan Pryke thuộc Lowy Institute phát biểu.

Ở vùng Caribbean, đảo quốc Trinidad và Tobago vừa công bố phong toả một phần sau khi số ca nhiễm mới lập kỷ lục, áp lệnh đóng cửa nhà hàng, trung tâm thương mại và rạp chiếu phim cho tới cuối tháng 5. Nếu so với tháng trước, số ca nhiễm Covid-19 mới ở Trinidad và Tobago trong vòng 1 tháng trở lại đây đã tăng gấp khoảng 700%.

Ở Suriname, đất nước thuộc khu vực Nam Mỹ, số ca nhiễm mới trong tháng 4 cũng tăng hơn 600% so với tháng 3.

Sau một thời gian gần như vắng bóng Covid nhờ kiểm soát biên giới chặt chẽ, một số đảo quốc ở Thái Bình Dương giờ đây chứng kiến làn sóng Covid đầu tiên. Các thành phố ở Fiji, một đất nước hấp dẫn du khách, đã phải phong toả sau khi người dân bị lây nhiễm Covid từ lực lượng quân đội.

CẦN SỰ HỖ TRỢ TỪ CÁC NƯỚC GIÀU

“Sự gia tăng gần đây của số ca nhiễm ở khu vực Thái Bình Dương cho thấy tầm quan trọng của việc vừa phải kiểm soát chặt biên giới, vừa phải cung cấp vaccine cho các quốc gia này”, chuyên gia Jonathan Pryke thuộc Lowy Institute phát biểu. “Ấn Độ là một lời cảnh báo nghiêm khắc đối với khu vực này của thế giới về việc đại dịch có thể vượt khỏi tầm kiểm soát nhanh như thế nào”.

Giáo sư Heymann thì nói rằng giờ là lúc các nước giàu - đã hồi phục nhờ nhanh chóng đạt được một tỷ lệ lớn người dân tiêm chủng ngừa Covid - đóng góp vào sự phân phối bình đẳng hơn trên toàn cầu về vaccine, trang thiết bị xét nghiệm, và thuốc men để điều trị bệnh nhân Covid.

Học giả Jennifer Nuzzo thuộc Trung tâm Johns Hopkins về an ninh y tế nhận định rằng thế giới chưa có được một sự phản ứng phối hợp toàn cầu để chống Covid-19, và đó là một vấn đề đáng lo ngại. Việc thế giới trở lại sự bình thường như trước năm 2020 “phụ thuộc nhiều vào việc hỗ trợ các quốc gia kiểm soát virus một cách tốt nhất có thể”, bà Nuzzo nói. “Tôi thực sự hy vọng các quốc gia tự nhìn lại mình và xác định có thể làm gì để giúp nước bạn”.