10:54 22/10/2009

WTO ảnh hưởng tích cực đến phụ nữ nông thôn

Vũ Quỳnh

Các nhà máy, doanh nghiệp được thành lập trên địa bàn nông thôn đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ

Doanh nghiệp thuộc các ngành dệt may, da giày có nhu cầu lớn về lao động nữ.
Doanh nghiệp thuộc các ngành dệt may, da giày có nhu cầu lớn về lao động nữ.
Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã giúp phụ nữ nông thôn có thêm cơ hội tiếp cận với việc làm, tăng thu nhập và giúp nhiều vùng nông thôn giảm nghèo.

Đó là một kết luận trong báo cáo "Tác động kinh tế xã hội của việc gia nhập WTO đến phụ nữ nông thôn Việt Nam" do Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Liên hiệp quốc tại Việt Nam thực hiện.

Báo cáo được tiến hành bằng các cuộc phỏng vấn định tính với 250 phụ nữ tại hai tỉnh Hải Dương và Đồng Tháp.

Lý do tiến hành khảo sát tại hai tỉnh nói trên, theo bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lao động nữ và giới (RCFLG) thuộc Viện Khoa học lao động và xã hội, nhằm đại diện cho các tỉnh nông thôn phía Bắc và phía Nam, đồng thời có thể so sánh nhờ những điểm tương đồng về dân số và những chỉ số kinh tế.

Bên cạnh đó, hai tỉnh này cũng đã trải nghiệm những thay đổi kinh tế xã hội do hậu quả hội nhập kinh tế với đầu tư nhanh, tái cơ cấu kinh tế, mức độ di cư đáng kể và quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Hai tỉnh đều là tỉnh có cơ cấu nông nghiệp lớn với khoảng 2/3 dân số làm nông, lâm, ngư nghiệp. Tỷ số dân sống ở vùng đô thị rất thấp (16% ở Hải Dương  và 17% ở Đồng Tháp). Đây cũng là hai tỉnh tương đối nghèo với thu nhập bình quân đầu người trung bình là 690.000 đồng/tháng.

Theo báo cáo, sau hai năm vào WTO, các doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn hai tỉnh phần lớn thuộc các ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến thủy sản, chế biến lương thực phẩm, là ngành sử dụng nhiều lao động nữ (80-90%), đem lại nhiều cơ hội việc làm cho lao động nữ.
 
Kết quả khảo sát cũng  cho thấy, phụ nữ trẻ, dưới 20 tuổi, chủ yếu làm việc trong doanh nghiệp điện tử. Phụ nữ nhóm tuổi 20-29 xu hướng làm việc nhiều trong các doanh nghiệp dệt, may, sản xuất đồ da. Còn các doanh nghiệp chế biến thủy sản, chế biến lương thực, thực phẩm thì tuyển lao động nữ đến tuổi 35. Nhóm  phụ nữ trên 35 tuổi chỉ được tuyển dụng vào một số nghề kém “hấp dẫn” hơn như vệ sinh công nghiệp, phục vụ nấu ăn, quét dọn trong khu công nghiệp.

Ngoài ra, việc làm mới trong các khu công nghiệp cũng thu hút dòng lao động nữ di cư khá lớn từ các địa phương lân cận.