Xả kinh hoàng, thanh khoản kỷ lục gần 36 ngàn tỷ
Lực bán hạ giá chiều nay tiếp tục dâng cao, chặn đứng tất cả nỗ lực bắt đáy phục hồi. Thị trường nhích lên một chút trong nửa đầu phiên chiều, sau đó lại cắm đầu lao dốc. VN-Index đóng cửa thấp nhất phiên, bốc hơi 21,11 điểm tương đương -1,66%, mức giảm trong ngày mạnh kỷ lục kể từ phiên 23/11/2023. Số mã giảm giá trong chỉ số nhiều gấp gần 5 lần số tăng...
Lực bán hạ giá chiều nay tiếp tục dâng cao, chặn đứng tất cả nỗ lực bắt đáy phục hồi. Thị trường nhích lên một chút trong nửa đầu phiên chiều, sau đó lại cắm đầu lao dốc. VN-Index đóng cửa thấp nhất phiên, bốc hơi 21,11 điểm tương đương -1,66%, mức giảm trong ngày mạnh kỷ lục kể từ phiên 23/11/2023. Số mã giảm giá trong chỉ số nhiều gấp gần 5 lần số tăng.
Phiên giảm cực mạnh hôm nay đã đánh gãy hoàn toàn nền dao động đi ngang của VN-Index trong suốt 6 phiên trở lại đây. Tất cả các cổ phiếu/nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường vượt đỉnh 2 tuần nay đều quay đầu giảm. VN30-Index giảm tới 2,06%, xác nhận áp lực từ cổ phiếu ngân hàng.
Rổ blue-chips chỉ còn duy nhất BCM tăng 0,43%, còn lại 29 mã giảm, với 5 mã giảm trên 3% và toàn là ngân hàng: BID giảm 4,13%, TCB giảm 3,76%, CTG giảm 3,63%, TPB giảm 3,38%, MBB giảm 3,28%. Toàn bộ nhóm ngân hàng cũng chỉ còn NAB tăng 2,42% và số giảm trên 3% ngoài các blue-chips trên còn có LPB, MSB.
Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index, ngoài ngân hàng rơi cực mạnh, cũng có VHM giảm 1,5%, GAS giảm 1,12%, HPG giảm 2,26%, VNM giảm 2,78%.
Thanh khoản hai sàn tính riêng phiên chiều thì giảm khoảng 11% so với buổi sáng, nhưng vẫn đạt 15.985 tỷ đồng. Giá trị giao dịch giảm một phần vì giá cổ phiếu đã hạ thấp hơn đáng kể so với buổi sáng. Độ rộng của VN-Index chỉ còn 89 mã tăng/408 mã giảm, với 160 mã giảm hơn 1%. Thanh khoản của nhóm giảm sâu nhất này chiếm tới gần 74% tổng giá trị khớp sàn HoSE, xác nhận lực bán tháo cực mạnh.
Quy mô giao dịch quá lớn hôm nay là một điểm đáng chú ý. Tính riêng khớp lệnh hai sàn đã lên tới xấp xỉ 34 ngàn tỷ đồng, cao nhất kể từ tháng 8/2023. Tính chung cả 3 sàn, giao dịch tới gần 36 ngàn tỷ gồm cả thỏa thuận. Một mặt thanh khoản kỷ lục này cho thấy có lượng tiền rất lớn chờ đợi ở vùng giá sâu, một mặt cho thấy nhu cầu thoát ra cũng cực cao. Dĩ nhiên với kết quả là độ rộng cực hẹp và biên độ giảm rất sâu thì bên bán phải là những người chủ động tháo chạy.
Không chỉ nhà đầu tư trong nước, khối ngoại chiều nay cũng bán tháo dữ dội: Tổng giá trị bán riêng buổi chiều trên HoSE lên tới 1.431,2 tỷ đồng và mức bán ròng là 456,8 tỷ đồng. Phiên sáng khối này đã bán ròng 208,9 tỷ đồng. Như vậy hôm nay khối ngoại xác lập mức bán ròng lớn nhất 9 phiên trở lại đây.
Loạt cổ phiếu bị xả rất lớn là VNM -126,5 tỷ, VPB -106,1 tỷ, KBC -80,2 tỷ, VND -67,8 tỷ, SSI -64,9 tỷ, CTG -52,1 tỷ, SAB -40,2 tỷ, MWG -37,8 tỷ. Phía mua có KDH +71 tỷ, DGW +63,8 tỷ, DGC +36,3 tỷ, DRC +31,6 tỷ.
Trong bối cảnh thị trường rực lửa, nhóm đi ngược dòng lại đáng chú ý hơn. 89 cổ phiếu vẫn xanh hôm nay có nhiều mã mà nhà đầu tư không bị cuốn vào cơn lũ bán tháo. Thanh khoản nhiều cổ phiếu không hề nhỏ, cho thấy có lực đỡ mạnh mẽ. Tiêu biểu có thể kể tới DRC tăng 5,7% thanh khoản 137,2 tỷ đồng; PAN tăng 3,99% với 139,1 tỷ; DGW tăng 3,97% với 436,4 tỷ; DCM tăng 3,16% với 398,5 tỷ; AGR tăng 2,94% với 114,2 tỷ; HDG tăng 2,82% với 173,5 tỷ; IJC tăng 2,67% với 125,7 tỷ; FCN tăng 1,32% với 131,1 tỷ; DBC tăng 1,03% với 445,6 tỷ.
Phiên lao dốc mạnh hôm nay cùng với thanh khoản kỷ lục cho thấy thị trường đang có hiện tượng rút vốn đồng loạt vì cổ phiếu đã trải qua nhịp tăng rất dài. Liên tiếp nhiều tuần thanh khoản rất lớn chứng tỏ thị trường đang thu hút chú ý, nhà đầu tư giải ngân qu mô lớn. Tuy nhiên khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ hưng phấn cao độ thì các nhà đầu tư lớn lại có cơ hội bán ra khối lượng nhiều.