11:00 08/04/2025

Xác lập chỗ đứng trong chuỗi giá trị hàng hóa công nghệ cao

Ngô Huyền

Những tháng đầu năm 2025, hàng loạt doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đã cam kết đầu tư hàng trăm triệu USD vào Việt Nam, nhiều nhà máy sản xuất công nghệ cao cũng chính thức khởi công hoặc đi vào hoạt động. Việt Nam được đánh giá đang tận dụng tốt cơ hội này để vươn lên trở thành một công xưởng công nghệ của thế giới… 

Việt Nam đang khẳng định vị thế quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất công nghệ toàn cầu, trở thành mắt xích chủ chốt trong nền kinh tế số thế giới.
Việt Nam đang khẳng định vị thế quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất công nghệ toàn cầu, trở thành mắt xích chủ chốt trong nền kinh tế số thế giới.

Mặc dù Việt Nam vẫn đang ở công đoạn cuối của chuỗi giá trị, nhưng mặt tích cực là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chủ yếu vẫn chảy vào lĩnh vực sản xuất, trở thành “bàn đạp” giúp Việt Nam cải thiện kinh tế, nâng cao đời sống người dân và củng cố vị thế trên trường quốc tế.

Thực tế cho thấy không chỉ các quốc gia đang phát triển mà ngay cả những nền kinh tế lớn mạnh cũng cần nguồn vốn FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Mỗi quốc gia có chiến lược riêng để thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng điểm chung là đều nỗ lực quảng bá hình ảnh với những chính sách thân thiện, tạo môi trường hấp dẫn cho doanh nghiệp quốc tế.

ĐƯỢC GÌ TỪ CÁC DỰ ÁN FDI NHÀ MÁY CÔNG NGHỆ? 

Ấn Độ tận dụng lợi thế dân số đông, nhân lực giá rẻ và nền kinh tế đổi mới để thu hút đầu tư. Thái Lan định vị mình là trung tâm sản xuất ô tô và điện tử mạnh mẽ. Philippines thu hút FDI nhờ lực lượng lao động thành thạo tiếng Anh. Ngay cả Trung Quốc - nền kinh tế hàng đầu thế giới - cũng không ngừng chào mời các dự án công nghệ nước ngoài bằng lợi thế lao động chất lượng cao, chi phí cạnh tranh và hạ tầng hiện đại. Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc đua thu hút dòng vốn quan trọng này. 

Có nhiều lý do giải thích vì sao không phải ngẫu nhiên các quốc gia trên thế giới đều nỗ lực thu hút vốn FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, kể cả trong mảng sản xuất. 

Đối với Việt Nam, có thể thấy rõ trong hàng chục năm qua, sự tham gia của các tập đoàn công nghệ lớn đã góp phần giúp Việt Nam nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, mang lại cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp trong nước và thúc đẩy chuyển giao công nghệ cùng những đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước thông qua thuế, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ. 

Đó là chưa kể, các sản phẩm công nghệ sau khi được sản xuất tại Việt Nam sẽ xuất khẩu ra thị trường quốc tế, góp phần gia tăng kim ngạch thương mại và khẳng định vị thế kinh tế của Việt Nam trên bản đồ toàn cầu. Khi các nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy Việt Nam có đủ năng lực để sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm công nghệ cao, họ sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, tạo ra hiệu ứng dây chuyền mạnh mẽ hơn. 

Samsung liên tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam. 
Samsung liên tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam. 

Một ví dụ điển hình là câu chuyện hợp tác giữa “đế chế” điện tử Samsung (Hàn Quốc) với Việt Nam. Năm 2008, kể từ thời điểm Samsung nhận được giấy chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động đầu tiên, hàng loạt địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Từ những vùng đất hoang sơ bắt đầu mọc lên những nhà máy sản xuất hiện đại, những con đường trải nhựa thênh thang, hệ thống giao thông được cải thiện, kéo theo sự phát triển của cả một hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ tại các địa phương này. 

Từ dự án nhà máy đầu tiên trị giá gần 700 triệu USD tại Bắc Ninh, Samsung đã liên tục mở rộng quy mô đầu tư hàng loạt nhà máy trị giá cả tỷ USD tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam. Tính đến đầu năm 2025, Tập đoàn Samsung đã đầu tư tổng cộng khoảng 23,2 tỷ USD, trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và Việt Nam cũng trở thành cứ điểm sản xuất di động lớn nhất của tập đoàn Hàn Quốc này.

Thành công của một tập đoàn lớn như Samsung tại Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghệ cao của Việt Nam, đồng thời càng củng cố niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường kinh doanh tại đây. Hệ quả tất yếu là hàng chục nhà sản xuất vệ tinh trong chuỗi cung ứng của Samsung, cùng những “ông lớn” công nghệ như LG, Foxconn, Intel, lần lượt rót vốn, mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Sự hiện diện của những tập đoàn này tiếp tục tạo ra hàng trăm nghìn việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước và giúp Việt Nam khẳng định vị thế quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất công nghệ toàn cầu, trở thành mắt xích chủ chốt trong nền kinh tế số thế giới.

Những năm gần đây, dòng vốn FDI vào Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh mẽ, duy trì mức tăng hai chữ số mỗi năm. Các chuyên gia nhận định rằng, xu hướng đầu tư đang dịch chuyển rõ rệt vào các lĩnh vực sản xuất và công nghệ có giá trị cao. Nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế là điểm đến an toàn, ổn định và bền vững, sẵn sàng đảm nhiệm vai trò là trung tâm sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như sản xuất chip, chất bán dẫn.

“MỌC” LÊN NHIỀU TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU 

Năm 2023, Hana Micron Vina (Hàn Quốc) xây dựng nhà máy sản xuất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc, đặt tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang). Cùng năm, Tập đoàn Amkor đầu tư 1,6 tỷ USD vào Khu công nghiệp Yên Phong 2 (Bắc Ninh) để xây dựng nhà máy lắp ráp và thử nghiệm thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới của tập đoàn. Dự án này đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2023, đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam nhận thức ngày càng rõ rằng sản xuất có thể đặt nền móng cho nền kinh tế, nhưng tri thức và đổi mới sáng tạo mới là tương lai. Ông Bình Trần, Đối tác điều hành tại Ascend Vietnam Ventures, cho rằng “Muốn trở thành quốc gia giàu mạnh, Việt Nam phải bước vào nền kinh tế tri thức và xác định thứ mà Việt Nam làm tốt hơn bất kỳ ai”... 

Bước chuyển mình đó thể hiện rõ qua những cột mốc hợp tác quan trọng gần đây. Mới nhất, thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA đánh dấu một bước tiến lớn, mở ra cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu châu Á. Trước đó, Samsung cũng đã đặt niềm tin khi xây dựng trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội, đưa Việt Nam lên bản đồ nghiên cứu công nghệ cao của thế giới.

Đã có những thay đổi trong tư duy và hành động để Việt Nam sẽ không chỉ dừng lại ở vai trò “công xưởng của thế giới” mà cần thu hút các dự án nghiên cứu R&D từ các tập đoàn công nghệ lớn để tiếp cận tri thức công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhận thức rõ điều này, các lãnh đạo Việt Nam trong mỗi lần thiết lập quan hệ hợp tác luôn thẳng thắn đề xuất các đối tác nước ngoài hỗ trợ nhân lực Việt Nam tiếp cận và nghiên cứu những công nghệ mới...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 14-2025 phát hành ngày 7/4/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1308

Xác lập chỗ đứng trong chuỗi giá trị hàng hóa công nghệ cao - Ảnh 1