13:38 18/02/2025

Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM sẽ tiếp tục tăng cao

Thi Nguyễn

Trước dự báo tình trạng xâm nhập mặn sẽ tiếp tục gia tăng từ tháng 2 đến tháng 4/2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động ứng phó với đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM…

Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM được dự báo sắp bước vào cao điểm xâm nhập mặn - Ảnh minh họa.
Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM được dự báo sắp bước vào cao điểm xâm nhập mặn - Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 17/2/2025 về việc chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM.

Công điện của Thủ tướng gửi đến các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tuần qua, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM có xu thế tăng theo kỳ triều cường, ranh mặn tại các cửa sông Cửu Long từ 38-48 km, sông Vàm Cỏ từ 45-52 km, sông Cái Lớn từ 35-40 km (mức thấp hơn cùng kỳ năm 2024 từ 3-8 km; thấp hơn cùng kỳ năm 2016 và 2020 từ 25-44 km).

Tại TP.HCM, xâm nhập mặn thấp hơn cùng kỳ năm 2024 và trung bình nhiều năm. Dự báo, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 2 đến tháng 4 năm 2025, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, xấp xỉ và thấp hơn năm 2024, thấp hơn các năm 2016 và 2020.

Dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 2 đến tháng 4 năm 2025.
Dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 2 đến tháng 4 năm 2025.

“Thời kỳ cao điểm xâm nhập mặn, có khả năng xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, nhất là tại khu vực ven biển, xâm nhập mặn sâu vào các cửa sông có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt của Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh”, Công điện nêu rõ.

Do đó, để chủ động ứng phó, hạn chế tác động tiêu cực của những đợt xâm nhập mặn cao điểm trong thời gian tới tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ có liên quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Công điện số 128/CĐ-TTg ngày 8/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo theo dõi sát diễn biến, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình, dự báo thủy văn, nguồn nước, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM đến cơ quan truyền thông, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để thông tin chính xác, kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công lãnh đạo Bộ theo dõi, chỉ đạo các địa phương, đặc biệt vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, triển khai biện pháp ứng phó xâm nhập mặn, giảm ảnh hưởng đến nông nghiệp.

Về phía địa phương, Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là khu vực ven biển Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn để chủ động ứng phó theo chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đảm bảo nước sinh hoạt và sản xuất, không để thiếu nước.

Theo Công điện số 15/CĐ-TTg, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc công điện này và tiếp tục chỉ đạo triển khai công tác ứng phó xâm nhập mặn phù hợp với tình hình.

 

Giữa tháng 4 năm 2024, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã trải qua các đợt xâm nhập mặn với rủi ro lớn. Nhiều tỉnh trong khu vực như Long An, Tiền Giang, Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, xâm nhập mặn khẩn cấp. Sau công bố, các đơn vị liên quan triển khai ngay những biện pháp ứng phó để ngăn chặn và khắc phục nhanh hậu quả.