18:34 16/11/2021

Xây dựng mô hình tăng trưởng mới để tránh tụt hậu

Chu Khôi

Những năm gần đây, yếu tố tài nguyên không còn đóng góp nhiều cho tăng trưởng, trong khi lợi nhuận tính trên vốn đầu tư ngày càng giảm thấp. Đổi mới mô hình tăng trưởng, lẽ ra khoa học công nghệ phải là nhân tố chính, thế nhưng thực tế công nghệ vẫn đóng góp rất thấp vào tăng trưởng...

Rất nhiều “cái dằm” trong phát triển kinh tế hiện nay đã được các chuyên gia chỉ ra tại Tọa đàm "Bàn về mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế Nông nghiệp thuộc Học viện Nông nghiệp, tổ chức ngày 16/11/2021.

BA BẤT CẬP CỦA NỀN KINH TẾ VIỆT NAM

Đề tài “Nghiên cứu đề xuất luận cứ khoa học thực tiễn cho đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo” do Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì thực hiện năm 2018-2020.

Từ kết quả của nghiên cứu này, cuốn sách về đổi mới mô hình tăng trưởng đang được hoàn tất và dự kiến sẽ xuất bản vào tháng 12/2021. Sách này do nhóm chuyên gia: TS. Đặng Kim Sơn, Giáo sư Trần Văn Thọ, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, PGS.TS Phạm Thế Anh, TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan… thực hiện.

TS. Đặng Kim Sơn cho biết, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế đã được đề ra tại Đại hộị Đảng XI (năm 2011). Thế nhưng đến Đại hội XIII (năm 2021) nhận định: “Chưa tạo được chuyển biến căn bản về mô hình tăng trưởng”.

"Nhiều người nói rằng, nền kinh tế của Việt Nam đang ở đỉnh cao của những thành tựu. Tuy nhiên thực tế, đỉnh cao kinh tế của Việt Nam là vào đầu thế kỷ 19, thời nhà Nguyễn. Khi đó, nền kinh tế nước ta ở khu vực Đông Nam Á, chỉ đứng sau Indonesia, và vượt xa Thái Lan, Philipine, Malaysia, Singapore…  Thời kỳ đó, GDP của Việt Nam ngang với Nhật Bản, và cao hơn Triều Tiên – Hàn Quốc. Đến năm 1960, GDP của các nước gần như bằng nhau. Từ đó đến nay, Việt Nam bị các nước trong khu vực vượt lên và bỏ chúng ta càng ngày càng xa”, TS. Đặng Kim Sơn nêu thực tế.

TS. Đặng Kim Sơn chỉ ra những điểm yếu, những “cái dằm” trong phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua.

 
Nhìn vào mô hình tăng trưởng tại Việt Nam trong 10 năm qua cho thấy năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 40% vào GDP; trong khi vốn đóng góp 53% và yếu tố lao động chỉ đóng góp 7% vào GDP. Phân tích kỹ hơn, “đổi mới công nghệ” chỉ đóng góp 28,44% vào năng suất nhân tố tổng hợp (TFP).

Thứ nhất là, sự kém hiệu quả của các nguồn lực. Đối với vấn đề lao động, hiện lao động phi chính thức chiếm tới 72% lao động phi nông nghiệp, năng suất lao động tại Việt Nam chỉ bằng 62% so với năng suất lao động tại các nước thu nhập trung bình thấp. Nguyên nhân do lao động kỹ năng cao vẫn chiếm tỷ trọng thấp. Tuy lực lượng lao động nhiều, nhưng chúng ta không sử dụng hết gây lãng phí rất lớn nguồn lực lao động.

“Những năm gần đây, yếu tố đất đai và tài nguyên không đóng góp nhiều vào mô hình tăng trưởng nữa, trong khi hiệu quả của nguồn vốn ngày càng thấp đi thể hiện ở việc lượng vốn đổ vào sản xuất kinh doanh ngày càng nhiều, nhưng lợi nhuận tính trên vốn đầu tư thì ngày càng giảm sút”, TS. Đặng Kim Sơn thông tin.

Trong bối cảnh đó, lẽ ra lao động và khoa học công nghệ phải là nhân tố chính trong đổi mới tăng trưởng. Thế nhưng lao động tại Việt Nam phần lớn nằm trong phi chính thức và dưới dạng di cư rất nhiều. Khoa học cộng nghệ chiếm tỷ trọng nhỏ cho hỗ trợ tăng trưởng và hiệu quả chưa cao.

Xây dựng mô hình tăng trưởng mới để tránh tụt hậu  - Ảnh 1

Thứ hai, kinh tế của Việt Nam phân bố không đồng đều giữa các địa phương, chủ yếu tập trung vào 2 siêu đô thị là Hà Nội và TP. HCM. Thủ đô Hà Nội chiếm tới 13% và TP. HCM chiếm 17% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội.

“Hai thành phố này ôm đồm quá nhiều chức năng: chính trị, công nghiệp, nghiên cứu khoa học, đào tạo, logistics, thương mại… Thậm chí Hà Nội cũng ôm luôn cả sản xuất nông nghiệp. Điều này, khiến 2 siêu thành phố quá tải về nhà cửa, giao thông, quá sức về đóng góp cho ngân sách nhà nước…”, TS. Đặng Kim Sơn nói.

Xây dựng mô hình tăng trưởng mới để tránh tụt hậu  - Ảnh 2

Trong khi đó, hầu hết các địa phương khác bị tụt hậu, phụ thuộc vào 2 “đầu tàu” kinh tế, thiếu động lực liên kết, thu hút đầu tư vào những ngành không theo lợi thế, khó phát triển đô thị và tình trạng lao động di cư gây ra sự bất ổn.

Cả Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn như vậy mà không có tuyến đường sắt nào, cũng không có cảng biển nào cho container, nên toàn bộ hàng hóa muốn xuất khẩu thì phải vận chuyển đến TP. HCM. Hay như, Tây Nguyên cũng không có các tuyến đường sắt nối ra các cảng biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ. 

Thứ ba, về các thành phần kinh tế, TS. Đặng Kim Sơn cho rằng, phát triển kinh tế chậm phát huy nội lực. Trong 10 năm đầu đổi mới, tuy kinh tế tư nhân được phép phát triển, nhưng lại bị chèn ép bởi kinh tế nhà nước.

Trong 10 năm trở lại đây, khi phần lớn các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, kinh tế tư nhân không còn bị chèn ép bởi kinh tế nhà nước, nhưng lại bị chèn ép bởi kinh tế FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài).

Mặc dù khối kinh tế FDI chiếm tới 72% giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nhưng đóng góp cho kinh tế rất ít, bởi chỉ sử dụng 26% nguyên liệu đầu vào trong nước. Mặc dù khối doanh nghiệp tư nhân đã rất nỗ lực, nhưng phát triển rất chật vật, có tới 48% số doanh nghiệp tư nhân thua lỗ.

Xây dựng mô hình tăng trưởng mới để tránh tụt hậu  - Ảnh 3

CẦN ĐỔI MỚI THỂ CHẾ VÀ HUY ĐỘNG TỔNG LỰC

Nhóm chuyên gia cho rằng, xây dựng mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam nên lựa chọn mô hình trung gian giữa huy động nguồn tài nguyên đất, nước và mô hình đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ.

“Đổi mới mô hình tăng trưởng cần tập trung vào tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. GDP không phải là tất cả, nhưng đó là điểm khởi đầu. Cần huy động tổng hợp nguồn lực đất, nước, vốn, khoa học công nghệ, cùng những nguồn lực mới như số hóa, con người để tạo ra tăng trưởng kinh tế nhanh”, TS. Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.

 
“Chúng ta phải đổi mới thể chế kinh tế, không chỉ là nhà nước pháp quyền, mà còn là bố trí lại quan hệ sản xuất, các kết nối sinh thái của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế”.

TS. Đặng Kim Sơn

Đề xuất mô hình tăng trưởng mới để tạo sự thay đổi đột phá cho phát triển kinh tế, nhóm chuyên gia khuyến nghị “4 mũi giáp công”.

Mũi thứ nhất là khoa học công nghệ. Cần phải xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để liên kết 3 chân kiềng: các trường đại học và viện nghiên cứu là nơi tạo ra khoa học công nghệ; doanh nghiệp là nơi sử dụng khoa học công nghệ; và hệ thống dịch vụ chuyển giao công nghệ.

Mũi thứ hai là môi trường vĩ mô phải sẵn sàng cho đổi mới sáng tạo.

Cần cơ cấu các ngành kinh tế theo lợi thế vùng; cơ cấu lại thị trường tài nguyên lành mạnh, đồng thời hoàn thiện hạ tầng giao thông vận tải ở mọi vùng miền.

Mũi thứ ba là cơ cấu lại doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế. Đã dến lúc phải chăm bẵm thế nào để doanh nghiệp tư nhân trở thành thành phần chủ lực của kinh tế đất nước. 

Mũi thứ tư, là cơ cấu lại đô thị. Hai siêu đô thị chính là Hà nội và TP. HCM đã quá tải, vì vậy cần nhanh chóng xây dựng các đô thị vệ tinh của 2 thành phố này, đồng thời phát triển các đô thị mới ở những vùng nông thôn.