10:54 17/06/2008

“Xây dựng rất cần tư vấn động đất”

Phan Anh

TS. Lê Huy Minh, Phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, bày tỏ lo lắng về tình trạng thiếu tư vấn động đất tại nhiều công trình xây dựng

Động đất ở Tứ Xuyên cách Hà Nội gần 1.500 km nhưng những nhà cao tầng vẫn bị rung động.
Động đất ở Tứ Xuyên cách Hà Nội gần 1.500 km nhưng những nhà cao tầng vẫn bị rung động.
TS. Lê Huy Minh, Phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, bày tỏ lo lắng về tình trạng thiếu tư vấn động đất tại nhiều công trình xây dựng.

Gầy đây, ở các nước trong khu vực đã xảy ra nhiều trận động đất và dư chấn, đặc biệt là trận động đất mạnh gần 8 độ Richter ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) khiến nhiều vùng đất tại Hà Nội bị ảnh hưởng. Liệu Việt Nam có xảy ra động đất với cường độ lớn như thế không, thưa ông?

Các trận động đất có cường độ lớn trong quá khứ xảy ra ở Việt Nam là trận động đất ở Bắc Giang năm 1961, Sơn La năm 1983, ở Điện Biên năm 2001 và tại Đô Lương (Nghệ An) năm 2005 mạnh 4,6-4,8 độ Richter.

Cuối tháng 5 vừa qua, tại Đô Lương cũng đã xảy ra 1 trận động đất nhưng cường độ nhỏ. Tuy nhiên, trận động đất ở Tuần Giáo (Điện Biên) năm 1983 với cường độ mạnh 6,8 độ Richter là trận động đất lớn nhất ở Việt Nam ghi nhận được.

Trận động đất vừa xảy ra hồi tháng 5/2008 tại Tứ Xuyên (Trung Quốc có cường độ 7,8 độ Richte), gây ảnh hưởng nặng nề về người và của, cách Việt Nam cả nghìn cây số nhưng chấn động của nó lan tới cả Việt Nam và Thái Lan.

Tuy nhiên, hiện tượng đó không phải Hà Nội có động đất và cũng không phải là dư chấn mà là chấn động từ Tứ Xuyên lan truyền tới với cấp độ thấp.

Thiệt hại khi có động đất là nghiêm trọng, nhưng có thể dự báo trước khi động đất xảy ra không, thưa ông?

Nói chung cả ở Việt Nam hay trên thế giới, chỉ khi có động đất xảy ra dù lớn hay nhỏ, các công nghệ thiết bị mới phát hiện ra và con người mới cảm nhận được.

Hiện nay, thế giới vẫn chưa dự báo được động đất nên không thể khẳng định có xảy ra động đất ở Việt Nam trong thời gian tới hay không. Tuy nhiên, điều kiện kiến tạo địa chất ở Việt Nam có nhiều vấn đề phức tạp mà cụ thể đới đứt gẫy sông Hồng là đới đứt gẫy lớn, chạy dài từ Vân Nam (Trung Quốc) sang Việt Nam, kéo ra vịnh Bắc Bộ.

Vì thế, Việt Nam không xem thường và cũng không thể nói trước điều gì.

Không thể dự báo trước nhưng theo ông, Việt Nam có đủ thiết bị và công nghệ để nhận biết và cảnh báo khi hiện tượng này xảy ra không?

Hiện tại, Viện Vật lý địa cầu có hệ thống gồm 24 trạm địa chấn, phân bố không đều trên toàn lãnh thổ. Có hai loại trạm: trạm địa chấn đo xa gồm 9 trạm ở khu vực đồng bằng sông Hồng và 15 trạm còn lại phân bố chủ yếu ở khu vực Tây Bắc là nơi hay xảy ra động đất nhất ở Việt Nam.

Từ Vinh trở vào chỉ có trạm Vinh, Huế, Đà Lạt và Nha Trang.

Số liệu của các trạm động đất đo xa được truyền tức thời về trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần tại Viện Vật lý địa cầu. Hiện nay, Viện đang tiến hành các bước đầu tiên để thực hiện “Dự án tăng cường mạng trạm địa chấn phục vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần”; xây dựng 2 trạm địa chấn hiện đại với việc truyền tín hiệu qua vệ tinh tại Sơn La và Đà Lạt với sự giúp đỡ của Trung tâm Phòng tránh giảm nhẹ thiên tai châu Á (ADPC).

Cùng với đó, Viện đang tiến hành lựa chọn vị trí đặt, khảo sát điều kiện nền đất, thiết kế xây dựng trạm chuẩn bị xin đầu tư mua thiết bị và lắp đặt khoảng 10 trạm đầu tiên vào năm 2009.

Với hệ thống trạm động đất như hiện nay có thể xác định chấn tâm động đất tương đối chính xác khi động đất xảy ra ở khu vực miền Bắc, còn động đất xảy ra ở ngoài khơi hoặc phía Nam lãnh thổ nước ta thì độ chính xác của việc định vị chân tâm động đất kém hơn.

Trận động đất ở Tứ Xuyên đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người mà đặc biệt là các công trình xây dựng. Có giải pháp nào để hạn chế những thiệt hại khi có động đất xảy ra không và Việt Nam cần phải làm gì, nhất là trong phát triển xây dựng hạ tầng, thưa ông?

Động đất ở Tứ Xuyên cách Hà Nội gần 1.500 km nhưng những nhà cao tầng vẫn bị rung động. Nếu giả sử xảy ra một trận động đất lớn như ở Tuần Giáo thì Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng lớn vì nền đất ở Hà Nội yếu do lớp trầm tích dầy. Do đó, khi xây dựng công trình lớn, các chủ đầu tư cần phải yêu cầu tư vấn về động đất của Viện Vật lý địa cầu.

Trận động đất ở Trung Quốc vừa qua cũng như các trận động đất đã xảy ra ở Việt Nam cho thấy việc tuân thủ Qui phạm kháng chấn trong xây dựng hiện nay ở Việt Nam là rất quan trọng. Thực tế khi xây dựng các công trình thuỷ điện lớn như Thủy điện Hoà Bình, Thủy điện Sơn La, Thủy điện Yaly... cũng như một số công trình xây dựng quan trọng khác đều có tư vấn về động đất của Viện Vật lý địa cầu.

Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay ở Hà Nội cũng như ở các thành phố khác, có lẽ không phải tất cả các công trình xây dựng lớn đều có tư vấn về động đất.

Điều này là rất nguy hiểm vì năm 2001 tại Điện Biên chỉ bị ảnh hưởng của động đất mạnh 5,2 độ Richter bên biên giới Lào, nhưng nhà cửa dưới lòng chảo Điện Biên đã bị tàn phá đổ gần hết. Đây là vấn đề cần phải được quan tâm của các cơ quan Nhà nước, mà đặc biệt là các cơ quan quản lý việc xây dựng hiện nay.