16:24 09/12/2010

Xóa nhà siêu mỏng, siêu méo: “Khó, nhưng Hà Nội sẽ làm được”

Mạnh Chung

Đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội chất vấn về xóa nhà siêu mỏng, siêu méo

Hà Nội sẽ kiên quyết xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo.
Hà Nội sẽ kiên quyết xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo.
Xóa nhà siêu mỏng, siêu méo, Đà Nẵng làm được, liệu Hà Nội có làm được không?

Nhắc lại câu trả lời câu hỏi nói trên của một lãnh đạo Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, khi vị này cho rằng Hà Nội khó có thể làm như Đà Nẵng, đại biểu Ngô Văn Ny đã thêm "nhiệt" vào không khí chất vấn vốn đã nóng vào sáng 9/12 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đối với việc thực hiện Nghị quyết 09 về giải phóng mặt bằng, quy hoạch tuyến phố hai bên đường mới mở.

Mở đầu phiên chất vấn, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Nguyễn Văn Hải cho hay, với Nghị quyết 09, thành phố đã mở được nhiều tuyến đường mới, nhiều nút giao thông, đồng thời với kết hợp xây cảnh quan hai bên ở các khu đô thị mới như đường Lê Văn Lương kéo dài, Nguyễn Phong Sắc kéo dài, Hoàng Đạo Thúy...

Mặc dù vậy, theo ông Hải, chủ trương mở những tuyến đường mới, xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn chưa được như mong muốn do còn nhiều khó khăn, tồn tại như ngân sách thành phố hạn hẹp, không kêu gọi được nhà đầu tư đủ lớn tham gia, hơn nữa thành phố cũng chưa nhận được sự đồng thuận của dân trong đền bù, giải tỏa, thiếu cơ sở pháp lý...

"Giải thích chưa thỏa đáng"


Không ít đại biểu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trong việc xóa nhà siêu mỏng, siêu méo để giải phóng mặt bằng, mở đường mới mà ông Hải đưa ra đều chưa thực sự thỏa đáng.

Đại biểu Vũ Đức Tân chứng minh, nhiều nơi người dân nhường chính quyền để có đất làm mặt bằng nhưng khi thỏa thuận để giải quyết đền bù thì các cấp chính quyền liên quan lại không giữ đúng cam kết, đặc biệt cùng một chỗ nhưng lại có các mức đền bù khác nhau, "như thế thử hỏi làm sao mà dân đồng thuận được", ông Tân bức xúc.

Thực trạng của nhà siêu mỏng, siêu méo làm xấu bộ mặt thành phố, nhưng vì sao mấy năm qua không giải quyết dứt điểm, nguyên nhân từ đâu? Đại biểu Nguyễn Hoài Nam đặt vấn đề. Theo ông, nếu khó khăn về pháp lý ở cấp thành phố thì sao không đề đạt lên cấp Chính phủ.

Ông Tân còn đưa ra dẫn chứng, dù đã phải mất rất nhiều tiền để đền bù cho con đường "đắt nhất hành tinh" - tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa, nhưng đến giờ vẫn còn nhà siêu mỏng, siêu méo trên tuyến đường này. Vì vậy, lỗi là trong cách làm hay do cơ chế?

Thừa nhận khắc phục vấn đề trên là rất khó, song ông Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, nguyên nhân không phải thiếu cơ sở pháp lý mà ngày từ năm 1993 đã có đầy đủ, ban hành đã nhiều lắm rồi nhưng Sở Quy hoạch kiến trúc lại không đưa được vào cuộc sống mà "cứ để ở trong ống".

"Vì thế, nguyên nhân còn là lỗi ở Sở. Giám đốc Sở có sai thì phải nhận", ông Hanh thẳng thắn nói.

Đưa ra rất nhiều câu hỏi về tồn tại, vướng mắc và cách giải quyết như thế nào đối với việc xóa nhà siêu mỏng, siêu méo để mở tuyến đường mới hoặc chỉnh trang lại đô thị trên địa bàn Hà Nội, nhưng nhiều chất vấn của đại biểu đã được Giám đốc Nguyễn Văn Hải khất trả lời sau để tìm hiểu thêm thông tin, sở cứ.

Khó, nhưng sẽ làm được!

Theo ông Phí Thái Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố, hiện trên địa bàn Hà Nội còn 87 nhà siêu mỏng tồn tại trước năm 2005, còn lại 86 trường hợp khác vi phạm.

Vấn đề đặt ra bây giờ là liệu Sở Quy hoạch kiến trúc, cũng như lãnh đạo thành phố có thực hiện và khắc phục triệt để được những tồn tại trên không và có dám quyết tâm làm không, hay sẽ như lời một phó giám đốc sở nói là Hà Nội không thể làm được?

Cả ông Nguyễn Văn Hải và ông Phí Thái Bình đều khẳng định Hà Nội sẽ làm được, dù là rất khó. Cụ thể, theo ông Bình, trước hết 86 trường hợp vi phạm trên, các quận huyện phải kiên quyết xử lý.

Ông Bình chia sẻ, cái khó của Hà Nội không giống như những thành phố khác hay Đà Nẵng là mật độ dân cư đông, giá đền bù lại rất cao trong khi Đà Nẵng mật độ dân thấp hơn, giá đền bù thấp hơn nên việc xóa nhà siêu mỏng, siêu méo để làm đường cũng dễ dàng hơn.

Có đại biểu lo ngại, khi Hà Nội quyết tâm xóa nhà siêu mỏng, siêu méo để làm đường liệu có rơi vào cảnh sẽ có những con đường "đắt nhất hành tinh" thứ hai, thứ ba không, khi mà giá thị trường bất động sản ngày càng tăng theo cấp số nhân.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Nguyễn Văn Hải, để xảy ra "con đường đắt nhất hành tinh Kim Liên - Ô Chợ Dừa" là do khi đó, ngân sách chỉ đủ tiền làm đường, thành phố cũng đã có huy động doanh nghiệp đầu tư lớn nhưng không tìm được. Hơn nữa, khi Sở cùng quận Đống Đa bảo vệ quy hoạch trong quá trình tổ chức thực hiện đã có những khiếm khuyết vì thế mới để xẩy ra tình trạng này.

"Tuy nhiên, sau này thành phố đã làm khá triệt để và ít tốn kém hơn như ở quận Long Biên", ông Hải cho hay.