11:48 06/09/2018

Xử lý tài sản bất minh: Ra toà khả thi hơn cả

Nguyễn Lê

Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do tòa án xem xét, quyết định

Nhiều đại biểu đồng tình với phương án mới về xử lý tài sản bất minh.
Nhiều đại biểu đồng tình với phương án mới về xử lý tài sản bất minh.

Vẫn khẳng định là rất khó, song nhiều ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 6/9 đã yên tâm hơn với phương án xử lý tài sản bất minh khi sửa Luật Phòng chống tham nhũng.

Như VnEconomy đã đưa tin, sau nhiều vòng thảo luận, phương án tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc cần được xem xét giải quyết tại toà án đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn.

Theo đó, phương án 1 tại điều 57 quy định, trong trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải chuyển kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan đến tòa án có thẩm quyền để yêu cầu xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý đối với tài sản, thu nhập này.

Do còn ý kiến khác nhau, dự thảo vẫn để thêm phương án 2 là thu thuế thu nhập cá nhân, phương án đã vấp phải khá nhiều phản ứng từ các phiên thảo luận trước.

Đầu phiên thảo luận sáng các đại biểu Đinh Duy Vượt, Phạm Thị Thu Trang, Trần Văn Lâm, Trần Thị Quốc Khánh...đều thể hiên sự đồng tình với phương án 1.

Theo đại biểu Đinh Duy Vượt thì phương án thu thuế không khả thi và dễ bị lợi dụng.

Hai phương án xử phạt hành chính và thu thuế đều không thuyết phục, phương án mới này sẽ được số đông ủng hộ, qua xem xét của toà đảm bảo minh bạch công khai chặt chẽ hơn, cho đến nay thì phương án 1 là thuyết phục hơn cả, đại biểu Lâm bình luận.

Khằng định phương án mới rất hay, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nhận xét giải quyết qua toà án sẽ đảm bảo đươc niềm tin của nhân dân vào công lý.

Cũng đồng tình với phương án mới, song đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) lại băn khoăn về cụm từ "không phù hợp với thực tế" trong phần giải thích từ ngữ: giải trình không hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm là việc giải trình không có căn cứ pháp luật về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và cũng không phù hợp với thực tế hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm đó.

"Các cụ nói giàu vì bạn sang vì vợ, trong trường hợp được bạn giúp mua nhà mua xe có phải bí mật đời tư không, một người thân với ai không thân với ai là quyền riêng tư được Hiến pháp bảo vệ, thế thì xử lý thế nào?", ông Phương băn khoăn.

Nhắc lại câu hỏi vậy tài sản hình thành từ tiền vay của cá nhân có phải công khai không, nếu không công khai thì tài sản đó giải thích thế nào?, đại biểu Phương cho rằng đó là chuyện riêng tư nếu đem đến toà thì Hiến pháp cũng đã có quy định bảo vệ quyền riêng tư rồi.

Từ lập luận này, đại biểu Phương cho rằng cần quy định rõ phạm vi đời tư không được  khai thác thì phương án ra toà mới khả thi.

Có quan điểm khác, đại biểu Phan Văn Hoà (Đồng Tháp) vẫn ủng hộ phương án thu thuế vì nếu ra toà hoặc là trả lại toàn bộ nếu người có tài sản giải thích được nguồn gốc, hoặc là tịch thu toàn bộ. Mà nếu rõ nguồn gốc thì là thất thu thuế. Hơn nữa hiện nay toà án đã rất quá tải, nếu đưa qua toà loại việc này nữa thì sẽ khó khăn.

Tuy nhiên, ngay sau đó, đại biểu Mai Sỹ Diến cho rằng có thể có băn khoăn về áp lực của toà nhưng đó là mong muốn của cử tri và đại biểu dân cử.

Phương án nào cũng có ưu điểm và hạn chế nhất định nhưng tôi đồng tình cao với phương án 1, thể hiện thái độ mạnh mẽ của nhà nước, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) thể hiện quan điểm.

Vị này cũng nhấn mạnh, tài sản hợp pháp hay không hợp pháp thì phải qua quá trình tố tụng và do toà phán quyết.

Điều 57. Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc

Phương án 1:

1. Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do Tòa án xem xét, quyết định.

2. Trong trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải chuyển Kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý đối với tài sản, thu nhập này.

3. Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và ra một trong các quyết định sau đây:

a) Bác yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai giải trình được hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm;

b) Thu hồi tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.

4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục Tòa án xem xét, quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và việc thi hành quyết định của Tòa án.

(Nguồn: Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng)