Xu thế dòng tiền: Cơ hội nào cho VN-Index kiểm định vùng 1300 điểm?
Thị trường đã có tuần “khởi động” khá thuận lợi khi VN-Index tăng 0,8% so với trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE cũng tăng khoảng 28%. Diễn biến tích cực tuần qua cũng đưa chỉ số quay lại vùng đỉnh tháng 12 năm ngoái, thử thách ngưỡng 1280 điểm. Nếu vượt thành công mức này, thị trường có cơ hội kiểm định lại đỉnh cao 1300 điểm...
![Diễn biến chỉ số VN-Index và đường trung bình 200 ngày (MA200).](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/09/xu-the-dong-tien.png)
Thị trường đã có tuần “khởi động” khá thuận lợi khi VN-Index tăng 0,8% so với trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE cũng tăng khoảng 28%. Diễn biến tích cực tuần qua cũng đưa chỉ số quay lại vùng đỉnh tháng 12 năm ngoái, thử thách ngưỡng 1280 điểm. Nếu vượt thành công mức này, thị trường có cơ hội kiểm định lại đỉnh cao 1300 điểm.
Các chuyên gia cũng đánh giá rất cao khả năng VN-Index tiến về vùng đỉnh cũ nói trên, nhưng lại thận trọng trong ngắn hạn. Diễn biến chậm đà tăng về cuối tuần và thị trường trở nên phân hóa cho thấy đang có tâm lý chốt lời, nhất là khi nhịp tăng 3 tuần liên tiếp trước đó đã đem về lợi nhuận khá tốt ở nhiều cổ phiếu và kết quả kinh doanh quý 4/2024 phần nào được phản ánh đủ. Quan điểm khá đồng thuận là thị trường có thể chững lại, rung lắc và tiếp tục phân hóa trong ngắn hạn.
Dù vậy kết quả kinh doanh vẫn là yếu tố hỗ trợ thị trường khi mức định giá chung đã thấp đi nhờ tăng trưởng lợi nhuậ doanh nghiệp khả quan. Những yếu tố rủi ro ngoại biên vẫn còn, nhất là các xung đột về thuế quan mà Việt Nam vẫn có khả năng nằm trong vùng ảnh hưởng.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thị trường đã có tuần đầu tiên của năm Ất Tỵ khá thuận lợi khi những xáo trộn trên thế giới trong 2 tuần Việt Nam nghỉ Tết chỉ có thể gây tác động trong một phiên duy nhất. Tuy vậy VN-Index đang gặp khó khăn trong vùng đỉnh cũ tháng 12 năm ngoái. Với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, liệu thị trường có cơ hội để vượt qua ngưỡng kháng cự ngắn hạn này và quay lại mốc 1300 điểm?
![Xu thế dòng tiền: Cơ hội nào cho VN-Index kiểm định vùng 1300 điểm? - Ảnh 1](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2021/05/03/Le-Đuc-Khanh-VPS.jpg)
Các nhà đầu tư cũng nên chuẩn bị cho kịch bản các chỉ số “rung lắc” +/- 3 – 5 điểm và VN-Index cần thêm thời gian để quay lại mốc 1300 điểm.
Ông Lê Đức Khánh
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Về bối cảnh, đà lan tỏa của dòng tiền hiện tại đã tốt hơn giai đoạn tạo đỉnh trước đó, khi sự vận động ở các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ là tích cực chứ không chỉ tập trung vào các cổ phiếu trụ, nghĩa là nhà đầu tư có nhiều lựa chọn để tham gia thị trường hơn từ đó tạo sự đồng thuận cho chỉ số đi lên tốt hơn.
Tôi đánh giá cơ hội vượt được cản tháng 12 năm ngoái quanh ngưỡng 1280 điểm là có thể. Dù vậy, vẫn còn nhiều biến số từ bên ngoài chưa thể kết luận như vấn đề căng thẳng thương mại nên thị trường có thể đi lên kèm rung lắc hoặc có những phiên rũ bỏ để tạo thêm đà trước khi tiến về mốc 1300 điểm.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Tôi đánh giá điểm tích cực là VN-Index đã hoàn toàn lấy lại được số điểm đã mất trong phiên sụt giảm mạnh đầu năm mới và có thời điểm trong phiên chớm vượt qua vùng kháng cự gần. Diễn biến này, kết hợp với việc dòng tiền thúc đẩy trong nhóm cổ phiếu trụ, cho thấy xu hướng ngắn hạn đang dần nghiêng về chiều tăng và chỉ số đang có cơ hội tiến lên thử thách vùng kháng cự kế tiếp tại 129x.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Diễn biến thuận lợi đã xuất hiện ngay ở tuần đầu tiên năm mới Ất Tỵ 2025 khi chúng ta chứng kiến 4/5 phiên tăng điểm liên tiếp. VN-Index đã tăng chạm mốc kháng cự mạnh 1280 điểm trước khi thoái lui vào phiên Thứ 6 đánh dấu tuần giao dịch tốt cho 1 năm mà thị trường được dự báo xu hướng đi lên là chủ đạo.
Nhìn về mặt kỹ thuật, VN-Index có thể sẽ giao động quanh mốc 1270 – 1275 thêm một số phiên đứng dưới vùng điểm 1280 – 1300 điểm. Tôi cho rằng mốc 1300 điểm có thể sẽ đạt được trong 2 tuần cuối tháng 2, nhưng trong tuần tới việc điều chỉnh tích luỹ có thể sẽ diễn ra một số phiên đầu tuần. Các nhà đầu tư cũng nên chuẩn bị cho kịch bản các chỉ số “rung lắc” +/- 3 – 5 điểm và VN-Index cần thêm thời gian để quay lại mốc 1300 điểm.
![Xu thế dòng tiền: Cơ hội nào cho VN-Index kiểm định vùng 1300 điểm? - Ảnh 2](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/06/d63a6092-ad1a-41fd-bbda-0f14ef527893.png)
[Interactive]: Toàn cảnh kinh tế Việt Nam tháng 1/2025
![Xu thế dòng tiền: Cơ hội nào cho VN-Index kiểm định vùng 1300 điểm? - Ảnh 3](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/06/screenshot-2025-02-06-101629.png)
Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tháng 1/2025 cao kỷ lục
Ông Lê Minh Nguyên - Giám đốc Cao cấp Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
VN-Index hiện đang gặp khó khăn trong việc vượt qua vùng đỉnh cũ từ tháng 12 năm ngoái. Đây là một ngưỡng kháng cự quan trọng mà thị trường cần phải vượt qua để có thể tiếp tục xu hướng tăng. Sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu ngân hàng là một yếu tố tích cực, vì đây là nhóm cổ phiếu có trọng lượng lớn và có khả năng tác động mạnh đến chỉ số chung.
Tôi cho rằng để thị trường có cơ hội vượt qua ngưỡng kháng cự ngắn hạn này và quay lại mốc 1300 điểm, cần có sự đồng thuận từ nhiều nhóm cổ phiếu khác nhau, không chỉ riêng ngân hàng. Ngoài ra, các yếu tố vĩ mô như tình hình kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, và dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng thị trường.
Tóm lại, mặc dù thị trường đang gặp khó khăn ở vùng kháng cự, nhưng với sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và các yếu tố tích cực khác, vẫn có cơ hội để VN-Index vượt qua ngưỡng này và hướng tới mốc 1300 điểm trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần theo dõi sát sao các diễn biến thị trường và các yếu tố vĩ mô để có quyết định đầu tư phù hợp.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám Đốc kinh doanh, Chứng khoán Yuanta
Thị trường đang phản ứng tích cực trước nhiều những thông tin biến động trên thị trường quốc tế, ngoại trừ phiên giao dịch ngày 3/2 thì VN-Index tiếp tục đà tăng điểm vững chắc. Tuy nhiên không ngoại trừ khả năng chỉ số sẽ tiếp tục có nhịp điều chỉnh nhẹ vào tuần tới trước khi tiếp cận lại mốc 1300 điểm.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Đến hiện tại kết quả kinh doanh quý 4/2024 đã xuất hiện gần như toàn bộ. Thị trường cũng đã trải qua một nhịp tăng khá tích cực trong 15 phiên vừa qua. Nhóm ngành/cổ phiếu nào khiến anh chị ngạc nhiên về con số lợi nhuận? Liệu diễn biến giá cổ phiếu đã phản ánh hết các thông tin hỗ trợ này?
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Không quá bất ngờ khi nhiều cổ phiếu nhóm cảng biển, hoá chất, ngân hàng có diễn biến tốt trong giai đoạn vừa qua bởi khi thị trường đã vào xu hướng tăng thường nhóm cổ phiếu tiềm năng với kết quả kinh doanh khả quan, nhóm cổ phiếu ngành nghề cơ bản sẽ thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Diễn biến giá cổ phiếu sẽ phụ thuộc vào xu hướng lợi nhuận và khả năng sinh lời của doanh nghiệp ở giai đoạn tiếp theo trong năm. Rõ ràng động lực cho tăng trưởng hoặc cầu mua lên của các nhóm ngành năm nay vẫn đến mới mức tăng trưởng kinh tế, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công, kết quả kinh doanh khả quan của nhóm ngành cơ bản vượt trội hơn so với các nhóm ngành khác, số liệu kinh tế vĩ mô, tình hình xuất nhập khẩu nội địa…
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Theo tôi thật ra số liệu đợt này không có quá nhiều sự bất ngờ, có chăng là một chút bất ngờ về ngành cảng biển. Trong bối cảnh Tổng thống Trump chuẩn bị nhậm chức, thì các hoạt động kinh tế (trong đó có tăng cường nhập/ xuất hàng) đã được đẩy mạnh trong các tháng cuối năm 2024, góp phần đẩy mạnh kết quả kinh doanh của nhóm này vào quý 4/2024, đi kèm với việc siêu cảng Cần giờ đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đã làm cho các cổ phiếu của nhóm ngành này có bước tăng nhảy vọt tuần đầu trước và sau tết (VSC: 7.5%, HAH 8.65%, PHP: 17.8%, MVN: 14.3%, SGP: 26%...).
Trái ngược với diễn biến của nhóm ngành bất động sản. Theo số liệu tổng hợp từ Fiingroup, lợi nhuận ngành bất động sản ghi nhận mức tăng đột biến 101.3% YoY, nhưng lợi nhuận của nganh chủ yếu tập trung tại VinHomes và giá cổ phiếu của nhóm ngành/ mã cổ phiếu này không có sự phản ứng với kết quả lợi nhuận kinh doanh.
Nhìn chung, theo tôi, kết quả kinh doanh đã phản ánh tương đối vào giá cổ phiếu trong tuần đầu tiên sau tết. Tuy nhiên, vẫn cần phải chờ có báo cáo kiểm toán để có thể nhận định chính xác được chất lượng lợi nhuận của từng doanh nghiệp – và do đó, nhiều khả năng thị trường sẽ sớm có sự phân hóa vào tuần tiếp theo.
![Xu thế dòng tiền: Cơ hội nào cho VN-Index kiểm định vùng 1300 điểm? - Ảnh 4](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2024/04/14/4ad31a92-c329-444f-85b0-39f4f78b1371.png)
Tôi đánh giá cơ hội vượt được cản tháng 12 năm ngoái quanh ngưỡng 1280 điểm là có thể. Dù vậy, vẫn còn nhiều biến số từ bên ngoài chưa thể kết luận như vấn đề căng thẳng thương mại nên thị trường có thể đi lên kèm rung lắc hoặc có những phiên rũ bỏ để tạo thêm đà trước khi tiến về mốc 1300 điểm.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Kết quả kinh doanh quý 4/2024 đã được công bố gần như đầy đủ, mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường. Trong đó, một số nhóm ngành và cổ phiếu đã gây bất ngờ với mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội là:
Ngân hàng: Nhóm này ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh nhờ tăng trưởng tín dụng (16%) và cải thiện biên lãi ròng (NIM). Các ngân hàng lớn như VCB, CTG đạt mức tăng lợi nhuận 20-25% so với cùng kỳ.
Công nghệ: FPT, CMG tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh nhờ hợp đồng outsourcing và chuyển đổi số.
Ngoài ra còn có các nhóm cổ phiếu Dệt may, Cao su, Cảng biển, Vận tải biển hưởng lợi nhờ các yếu tố vĩ mô, giá hàng hóa, giá cước tăng mạnh.
Theo tôi diễn biến giá cổ phiếu thời gian qua đã phản ánh phần lớn thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn dư địa tăng giá cho các cổ phiếu có định giá hấp dẫn (P/E thấp hơn trung bình ngành) và tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng vững, tận dụng đợt điều chỉnh để tích lũy.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám Đốc kinh doanh, Chứng khoán Yuanta
Với việc kết quả kinh doanh đã xuất hiện và với kì vọng tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong 2025 thì bản thân tôi tin tưởng rằng giá cổ phiếu sẽ còn nhiều dư địa để tăng trưởng năm nay tới. Đặc biệt với một ngành đặc thù như đầu tư công và xây dựng, trải qua nhiều năm liên tiếp gặp khó khăn và các doanh nghiệp trên sàn chưa đạt được kết quả kinh doanh quá tốt. Tuy nhiên, tôi đánh giá đây sẽ là ngành triển vọng rất lớn trong năm 2025 khi nhà nước đẩy mạnh triển khai giải ngân vốn đầu tư công, cũng như luật kinh doanh bất động sản từ 7/2024 có hiệu lực sẽ thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng.
Với diễn biến giá cổ phiếu của ngành sau tết Ất Tỵ, giá cổ phiếu được đánh giá hấp dẫn để nhà đầu tư mua vào tích trữ.
Ông Lê Minh Nguyên - Giám đốc Cao cấp Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Các nhóm ngành/cổ phiếu gây ngạc nhiên về lợi nhuận là:
Nhóm ngân hàng: Kết quả kinh doanh quý 4/2024 của nhiều ngân hàng tiếp tục gây ấn tượng với mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ. Điều này được thúc đẩy bởi việc mở rộng tín dụng, cải thiện biên lãi ròng (NIM) và kiểm soát tốt chi phí. Một số ngân hàng lớn như Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG), và Techcombank (TCB) đã công bố lợi nhuận quý 4 vượt kỳ vọng của thị trường.
Nhóm bất động sản: Sau một thời gian dài gặp khó khăn do thắt chặt tín dụng và các quy định pháp lý, nhóm bất động sản đã có sự phục hồi đáng kể trong quý 4/2024. Các doanh nghiệp lớn như Vinhomes (VHM), Novaland (NVL), và Đất Xanh (DXG) đã ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng nhờ việc đẩy mạnh bán hàng và hoàn thiện các dự án trọng điểm.
Nhóm thép và vật liệu xây dựng: Nhóm này cũng gây bất ngờ với mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, nhờ sự phục hồi của ngành xây dựng và nhu cầu tiêu thụ trong nước. Các doanh nghiệp như Hòa Phát (HPG) và Tôn Hoa Sen (HSG) đã công bố kết quả kinh doanh quý 4 khả quan.
Nhóm năng lượng và dầu khí: Các doanh nghiệp trong ngành năng lượng, đặc biệt là dầu khí, cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng nhờ giá dầu thế giới duy trì ở mức cao và nhu cầu năng lượng phục hồi. PV Gas (GAS) và PV Power (POW) là hai cái tên nổi bật.
![Xu thế dòng tiền: Cơ hội nào cho VN-Index kiểm định vùng 1300 điểm? - Ảnh 5](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2021/11/07/794eedcd-5fdc-4b73-b320-b07e08a7eb40.png)
Tôi cho rằng để thị trường có cơ hội vượt qua ngưỡng kháng cự ngắn hạn này và quay lại mốc 1300 điểm, cần có sự đồng thuận từ nhiều nhóm cổ phiếu khác nhau, không chỉ riêng ngân hàng.
Ông Lê Minh Nguyên
Theo tôi hiện giá đã phản ánh một phần thông tin. Diễn biến giá cổ phiếu trong 15 phiên gần đây đã phần nào phản ánh kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường thường có xu hướng phản ứng trước thông tin (price-in) ngay cả khi kết quả chưa được công bố chính thức. Do đó, có thể một số cổ phiếu đã tăng mạnh trước đó và đang trong giai đoạn điều chỉnh hoặc tích lũy.
Diễn biến giá cổ phiếu không chỉ phụ thuộc vào kết quả kinh doanh mà còn chịu ảnh hưởng lớn từ yếu tố vĩ mô, chính sách tiền tệ, và dòng tiền đầu tư. Nếu dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường, các cổ phiếu có kết quả tốt vẫn có thể tiếp tục tăng giá.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Trong tuần trao đổi trước Tết anh chị cũng khá lo lắng về rủi ro thông tin trên thị trường quốc tế trong 2 tuần thị trường Việt Nam tạm dừng giao dịch. Xung đột thuế quan đã có những “phát súng” đầu tiên; việc FED khó cắt giảm lãi suất nhiều trong năm 2025 cũng đã khiến USD-Index biến động mạnh cuối tuần trước. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bán ròng rất mạnh và chứng khoán Mỹ đang có nguy cơ tạo đỉnh… Anh chị đánh giá những ảnh hưởng từ bên ngoài tới đây có gia tăng hay không? Liệu có thể tìm thấy những yếu tố hỗ trợ nào trong nước để có thể cân bằng với các rủi ro bên ngoài?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám Đốc kinh doanh, Chứng khoán Yuanta
Kinh tế thế giới chắc chắn sẽ còn nhiều thay đổi trong năm 2025 khi Tổng thống Trump chính thức đương nhiệm và hầu hết chúng ta đều đang dự đoán sẽ có nhiều quyết định ảnh hưởng lớn đến cán cân kinh tế thế giới hoặc lớn hơn sẽ trở thành cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, tôi vẫn tin tưởng rằng thị trường Việt Nam sẽ là một trong những điểm sáng hiếm hoi thu hút vốn đầu tư nhờ vào tình hình chính trị nội tại ổn định và chiến lược ngoại giao toàn diện đạt được những kết quả rất tích cực. Với yếu tố đó thì tôi cho rằng khi tỷ giá ngoại tệ được cân bằng và ổn định dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại và mạnh mẽ hơn.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Chúng ta có thể nhìn thấy ngay lập tức với tính cách của vị tổng thống mới của Hoa Kỳ - Donald Trump, các chính sách của Mỹ đối với thế giới có sự bất định nhất định, và mang tính đe dọa nhiều hơn là thực tiễn áp dụng. Do đó, ảnh hưởng khá lớn vào tâm lý giao dịch của các nhà đầu tư trên thị trường trong tuần đầu tiên sau Tết. Trong ngắn hạn sắp tới, tôi cho rằng chính sách lãi suất của FED vẫn là yếu tố chính cần phải tiếp tục theo dõi sát sao vì ngân hàng trung ương lớn của thế giới (EU, Anh…) đều liên tục hạ lãi suất điều hành trong bối cảnh FED đã có quyết định cắt giảm ít hơn dự kiến. Điều này cùng các chính sách đánh thuế của Tổng thống Trump, sẽ rất dễ gây nên rủi ro cho lạm phát của Mỹ, từ đó ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của FED.
Về trong nước, tôi nghĩ đầu tư công mạnh mẽ vẫn là động lực chính. Chứng khoán Phú Hưng có sự kì vọng lớn vào năm 2025 dựa trên quan sát thấy: 1) sự quyết liệt của Chính phủ, các dự án đầu tư công sẽ sớm đi vào vận hành, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP, giảm chi phí vận tải gián tiếp góp phần tăng thêm thu nhập cho nền kinh tế; 2) gián tiếp thúc đẩy kinh tế tư nhân và 3) niềm tin tiêu dùng gia tăng. Chính vì những điều trên chúng tôi kì vọng năm 2025 sẽ có cả cơ hội lẫn rủi ro đan xen.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Ảnh hưởng từ chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Trump, nguy cơ bùng phát của các hoạt động trả đũa thương mại có thể dẫn đến ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của không chỉ các doanh nghiệp Mỹ mà cả nhiều ngành nghề trong đó có cả Việt Nam. Các thị trường chứng khoán cũng có thể có những biến động lớn – tình hình kinh doanh, chiến lược hoạt động có thể thay đổi trong năm 2025 dự báo nhiều thách thức. Cho dù Mỹ cũng đứng top 5 trong số các nước nhập xuất khẩu lớn của Việt Nam thì một số các nhóm ngành như dệt may, thuỷ sản, đồ gỗ... có thể ảnh hưởng nếu câu chuyện thuế tiếp tục căng thẳng trong giai đoạn tới. Nếu chỉ xét ở những lĩnh vực đặc thù, mặt hàng có khả năng chịu thuế cao hơn thì chúng ta sẽ ít lý do phải lo lắng nhiều.
Theo tôi triển vọng tăng trưởng đến từ nội lực trong nước, câu chuyện nâng hạng thị trường, hoạt động tái cấu trúc, tinh giảm bộ máy các bộ ban ngành – năng lực, năng suất được cải thiện... là các cơ hội trong nước có thể cân bằng được những thách thức bên ngoài. Kinh tế cũng như thị trường chứng khoán sẽ dần ổn định và sẽ ghi nhận những mức tăng trưởng từ khá cho đến mức tích cực trong năm nay.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động mạnh, các rủi ro ngoại vi như xung đột thuế quan, chính sách tiền tệ của Fed và dòng vốn ngoại rút ròng cần được chú ý đánh giá khách quan. Dưới góc nhìn của tôi, tác động của những yếu tố rủi ro ngoại vi sẽ có sự phân hóa:
![Xu thế dòng tiền: Cơ hội nào cho VN-Index kiểm định vùng 1300 điểm? - Ảnh 6](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2023/10/01/82c7fed1-c79f-46b4-b7c9-ab3c4dc6bfc4.png)
Theo tôi diễn biến giá cổ phiếu thời gian qua đã phản ánh phần lớn thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn dư địa tăng giá cho các cổ phiếu có định giá hấp dẫn (P/E thấp hơn trung bình ngành) và tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng vững, tận dụng đợt điều chỉnh để tích lũy.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến
Xung đột thương mại Mỹ-Trung tiếp tục là điểm nóng. Việt Nam, với thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ (~10% GDP), cũng có nguy cơ bị áp thuế nhập khẩu nếu chính sách "Trump 2.0" được triển khai.
Dự báo Fed chỉ cắt giảm lãi suất 2 lần (0.25%/lần) trong 2025, muộn hơn kỳ vọng, khiến USD duy trì sức mạnh. Điều này gây áp lực lên tỷ giá VND và thị trường chứng khoán, đặc biệt khi nhà đầu tư ngoại tiếp tục bán ròng.
Sự điều chỉnh của thị trường Mỹ có thể kéo theo tâm lý thận trọng toàn cầu, ảnh hưởng gián tiếp đến dòng vốn vào Việt Nam.
Tuy nhiên, các yếu tố nội địa khác được kỳ vọng đóng góp vào sự tăng trưởng có thể hỗ trợ cân bằng rủi ro có thể tính đến:
Việt Nam đã đáp ứng hầu hết các tiêu chí của FTSE Russell, dự kiến được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào nửa cuối 2025. Điều này có thể thu hút ~5-6 tỷ USD từ ETF, tạo đà tăng trưởng cho VN-Index.
Dòng vốn FDI tiếp tục gia tăng: Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào môi trường chính trị ổn định và lực lượng lao động trẻ.
Tăng trưởng doanh nghiệp: Lợi nhuận toàn thị trường dự báo tăng 18-20% năm 2025, tập trung vào ngành ngân hàng, bất động sản và tiêu dùng. Định giá hấp dẫn (P/E ~13x) là điểm cộng lớn.
Chính phủ tập trung vào đầu tư công (790.000 tỷ đồng), giảm thuế VAT 2%, và cải cách hành chính. Các dự án hạ tầng trọng điểm (cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành) sẽ thúc đẩy chuỗi ngành xây dựng, vật liệu.
Thanh khoản thị trường được hỗ trợ bởi lãi suất thấp và tăng trưởng tín dụng ~16%, tạo đòn bẩy cho các nhóm cổ phiếu trụ.
Mặc dù rủi ro ngoại vi gia tăng, thị trường Việt Nam vẫn có "lá chắn" từ yếu tố nội địa. Nhà đầu tư nên tập trung vào cổ phiếu có nền tảng vững (ngân hàng, công nghệ, vật liệu), tận dụng đợt điều chỉnh để tích lũy, đồng thời theo dõi sát diễn biến Fed và chính sách thương mại Mỹ.
Ông Lê Minh Nguyên - Giám đốc Cao cấp Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Theo tôi rủi ro từ bên ngoài có xu hướng gia tăng trong ngắn hạn, đặc biệt khi các yếu tố như lãi suất Fed, xung đột thương mại, và biến động USD chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Dù vậy các yếu tố hỗ trợ trong nước có thể cân bằng rủi ro là:
i) GDP dự báo tăng, nhờ đà phục hồi của tiêu dùng nội địa và đầu tư công. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 25% GDP) tiếp tục được hỗ trợ bởi FDI.
ii) Chính sách tiền tệ - tài khóa linh hoạt với việc Ngân hàng nhà nước có thể tiếp tục nới lỏng: Dù Fed giữ lãi suất cao, vẫn có dư địa cắt giảm thêm 0.5-1% lãi suất điều hành để hỗ trợ doanh nghiệp, nhờ lạm phát được kiểm soát tốt.
iii) Dòng tiền nội mạnh mẽ: Quỹ ETF nội như DCBCFM VNDiamond và SSIAM VNFIN Lead đang thu hút mạnh vốn nhàn rỗi, tạo đệm chống đỡ cho áp lực bán của nước ngoài.
iv) Kết quả kinh doanh doanh nghiệp tích cực
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Kết quả kinh doanh cả năm 2024 đang góp phần tái định giá cổ phiếu. Sau khi cập nhật lợi nhuận mới nhất thì P/E của VN-Index chỉ còn khoảng 12,6 lần trong khi vùng điểm số tương đương khi đạt 2 đỉnh tháng 12 năm ngoái khoảng 13,3 lần. Liệu thị trường có đang “rẻ” hơn?
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Kết quả kinh doanh cả năm 2024 đã góp phần tái định giá thị trường và đang ở vùng định giá hấp dẫn hơn, đặc biệt khi so sánh với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận dự kiến 18-20% cho năm 2025. Tuy nhiên, theo tôi việc đánh giá thị trường có thực sự “rẻ” hay không cần xem xét thêm các yếu tố khác như sức ép từ việc nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bán ròng gây áp lực lên thanh khoản; Chính sách lãi suất của Fed và xung đột thương mại Mỹ-Trung có thể tác động đến tâm lý thị trường. Nhìn chung, thị trường đang ở vùng định giá hợp lý với tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng vững, định giá hấp dẫn và khả năng tăng trưởng bền vững.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Về mặt lý thuyết, thực tế thị trường đang rẻ hơn, tuy nhiên, việc ông Trump chính thức trở lại Nhà trắng trong tháng 1/2025 cũng đã đưa đến nhiều biến số khó lường hơn cho thị trường thế giới lẫn Việt Nam. Ngay khi vừa trở lại ghế Tổng thống, ông Trump đã tái khởi động thương chiến và đưa ra nhiều chính sách nhằm hút dòng tiền về Mỹ. Trong nhiệm kỳ trước đây của Trump, thị trường cũng chứng kiến nhiều sự biến động lên xuống với các quyết định của ông và lần này, mức độ biến động dự kiến còn mạnh hơn nữa. Vì vậy, các nhà đầu tư cũng đòi hỏi các mức lãi suất chiến khấu cao hơn và không khó để thấy dòng tiền ngoại tiếp tục rút khỏi các thị trường rủi ro bất chấp định giá đang khá “rẻ” để quay về Mỹ với kỳ vọng thị trường sẽ được hưởng lợi từ các chính sách ưu tiên của Trump.
Tuy nhiên, tôi cũng kỳ vọng sẽ có sự gia tăng của dòng tiền trong nước nhờ sự ổn định của kinh tế Việt Nam và triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết, đồng thời, việc nâng hạng thị trường cũng sẽ giúp thu hút thêm sự chú ý từ các dòng vốn ngoại.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Mức định giá thị hường hiện nay vẫn khá hấp dẫn - nhiều cổ phiếu trong danh mục theo dõi của chúng tôi vẫn đang được định giá “rẻ” cho hoạt động mua và nắm giữ. Có nhiều cổ phiếu được định giá hấp dẫn cho một xu hướng khi dòng tiền, thu nhập có khả năng cải thiệt tốt trong năm như nhóm cảng biển, hoá chất, xây dựng và vật liệu và kể cả nhóm tài chính.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám Đốc kinh doanh, Chứng khoán Yuanta
Với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 2 chữ số của Chính phủ trong năm 2025 thì tăng trưởng lợi nhuận của toàn bộ thị trường dự kiến sẽ đạt 16-18%. Do đó, P/E dự phòng thị trường năm 2025 sẽ quanh 10 lần - mức định giá vô cùng hấp dẫn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi và triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, sự phân bố không đồng đều giữa các nhóm ngành và nhà đầu tư cần có sự chọn lọc kỹ càng khi lựa chọn cổ phiếu, chỉ tập trung vào những doanh nghiệp triển vọng có định hướng rõ ràng và dòng vốn vững vàng.