Xu thế dòng tiền: Đã đến thời xài đòn bẩy?
Những chuyển biến mạnh mẽ của thị trường tuần qua đã khiến các chuyên gia trở nên hưng phấn và nhận định lạc quan hơn
Những chuyển biến mạnh mẽ của thị trường tuần qua đã khiến các chuyên gia trở nên hưng phấn và nhận định lạc quan hơn về triển vọng tới đây.
Điểm chung trong các nhận định là trạng thái tích cực của dòng tiền, cũng như mức độ luân chuyển vốn giữa các nhóm cổ phiếu là yếu tố quan trọng tạo nên tâm lý mạnh mẽ trong giao dịch. Sự hỗ trợ của dòng vốn ngoại quay lại mua ròng được đánh giá rất cao, thậm chí được xem là dấu hiệu của khả năng tăng trưởng cao hơn trong ngắn hạn.
Với cách nhìn nhận khá lạc quan, các chuyên gia đều cho rằng khả năng tăng điểm cao hơn trong ngắn hạn là khả thi, với mức điểm thử thách đầu tiên trong khoảng 630 điểm. Điều được chờ đợi nhiều hơn giúp khẳng định xu thế tăng vững chắc là sự vận động tăng của các blue-chips nói chung cũng như dòng tiền tiếp tục cải thiện, thay vì chỉ tăng phụ thuộc vào một số cổ phiếu lớn như GAS.
Đồng loạt các chuyên gia đã tăng cường giải ngân trong tuần này, và người thận trọng nhất cũng nâng mức sở hữu cổ phiếu lên 50% sau khi VN-Index vượt 610 điểm. Khả năng sử dụng đòn bẩy cũng đã được xem xét và còn chờ đợi những tín hiệu xác thực như việc thị trường chống đỡ tốt trước áp lực điều chỉnh ngắn hạn.
Xin chúc mừng những ai đã kiên định niềm tin vào khả năng bứt phá của thị trường. Sau hai tuần “vật vã” quanh đỉnh 610 điểm, rốt cục VN-Index cũng vượt qua và tuần này tăng tới trên 620 điểm. Giá trị khớp lệnh trung bình hàng ngày cũng xấp xỉ 3.000 tỷ đồng. Anh chị đánh giá sức mạnh dòng tiền của tuần vượt đỉnh này như thế nào?
Dòng tiền luân chuyển vào thị trường trong tuần vừa qua là rất lớn với khối lượng thỏa thuận giá trị cao ở các cổ phiếu VIC và VNM. Bên cạnh đó, giá trị bán ròng của khối ngoại đã bớt đi đáng kể với hơn 56 tỷ đồng và có chút quay sang mua ròng về số lượng cổ phiếu khớp lệnh.
Dòng tiền giúp vượt đỉnh 610 điểm là khá lớn nhưng chưa đạt mức cực đại về giá trị khớp lệnh so với các phiên giao dịch tại vùng đỉnh cũ hồi tháng 4 năm 2014. Điều này cho thấy sự phân hóa cổ phiếu đặc biệt là việc kéo các trụ như VIC, GAS vượt đỉnh cũ như đội quân tiên phong kéo thị trường đi trước một bước trong khi các cổ phiếu còn lại vẫn chưa vượt được mức đỉnh hồi tháng 4.
Nếu diễn biến này còn tiếp tục duy trì, các mốc kháng cự gần có thể sẽ bị bỏ lại đằng sau.
Sức mạnh dòng tiền tuần qua thể hiện ở sự bùng nổ luân phiên của từng nhóm, từng dòng cổ phiếu , lần lượt là dầu khí > chứng khoán > dệt may > bất động sản. Không còn là sự phân hóa đơn lẻ của số ít cổ phiếu, từng đợt bùng nổ luân phiên đều theo cả 1 dòng, 1 nhóm ngành cổ phiếu với khối lượng kéo theo rất lớn. Còn về mức tăng giá, vẫn chưa có gì đáng để nói vì vẫn ở giai đoạn khởi động và nghi ngờ.
Dù tài khoản nhà đầu tư chưa tăng trưởng nhiều trong tuần qua, thậm chí chậm hơn với một vài thời điểm trong tháng 6,7 vừa qua, nhưng tôi cho rằng dòng tiền vào thị trường có một trạng thái tích cực nhất kể từ sau giai đoạn tạo đỉnh tháng 3 trở lại đây.
Dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu cơ bản, cổ phiếu đầu cơ dẫn dắt với 2 phiên bùng nổ cuối tuần cho thấy tâm lý nhà đầu tư tốt hơn và thị trường đang có xu hướng tăng điểm rất tốt. Các phiên tăng điểm khá thuyết phục với thanh khoản ấn tượng.
Tôi cho rằng sau khi VnIndex vượt ngưỡng kháng cự 610, những nhà đầu tư giữ quan điểm thận trọng đã quay trở lại thị trường giúp thanh khoản tăng mạnh vào hai phiên cuối của tuần qua. Dòng tiền đang cho thấy sức mạnh, và thanh khoản sẽ sôi động hơn trong thời gian tới khi vòng quay tiền trong thị trường tăng trở lại.
Thị trường vượt đỉnh với thanh khoản cao nhưng tính chất thị trường vẫn rất phân hóa. Tuy chưa có sự đồng thuận giữa các nhóm cổ phiếu nhưng phần nào đã xuất hiện dấu hiệu của dòng tiền lớn, ban đầu tập trung nhóm bluechip, đến phiên cuối tuần xuất hiện ở một số mã bất động sản, đầu cơ.
Thêm nữa là sự trở lại của khối ngoại với 2 phiên mua ròng liên tiếp. Tôi cho rằng đó là những tín hiệu rất tích cực giữ nhiệt cho thị trường.
Sự đồng thuận có thể nhìn thấy ở các nhóm cổ phiếu và cả nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường đã mạnh lên mà không cần sự hỗ trợ của thông tin cụ thể nào. Vậy điều gì đã tạo nên sự hưng phấn mạnh mẽ như vậy?
Luôn khó khi tìm ra một lý do nào đó cho thị trường tăng, hay giảm , chỉ khi nó trở nên thật sự rõ ràng : quá trình tăng/giảm đã kéo dài, thì những "thông tin" mới dần dần lộ ra, ngày một nhiều. Nhưng có một cái cốt yếu là kênh chứng khoán đang phản ánh sự hồi phục của nền kinh tế, và thêm nữa, dòng vốn ngoại có xu hướng đảo chiều.
Trong một kỳ nào đó, tôi đã nói về sự tương quan của dòng vốn ngoại, diễn biến cổ phiếu VCB với VN-Index và thị trường chung. Thị trường đã chững lại khi khối ngoại bán ròng, VCB chững lại ở giá 26 - trước điều chỉnh giá (do chốt cổ tức) là 30-31.
Nhưng khác với các lần trước đó trong hai năm gần nhất, VCB đã vượt đỉnh, khối ngoại cũng quay lại mua ròng với chính cổ phiếu này và trên toàn thị trường, trùng với thời điểm đó, VN-Index bứt phá. Cuối cùng thì, vốn ngoại vẫn giữ một vai trò đáng để nhắc tới trong việc dẫn nhịp thị trường.
Nhưng khác với các lần trước đó trong hai năm gần nhất, VCB đã vượt đỉnh, khối ngoại cũng quay lại mua ròng với chính cổ phiếu này và trên toàn thị trường, trùng với thời điểm đó, VN-Index bứt phá. Cuối cùng thì, vốn ngoại vẫn giữ một vai trò đáng để nhắc tới trong việc dẫn nhịp thị trường.
Như tôi đã nhấn mạnh sự đồng thuận của khối ngoại và nhà đầu tư trong nước là điều kiện cần thiết giúp chỉ số thăng hoa vượt qua đỉnh cũ của năm. Tuy nhiên để duy trì được các mức điểm cao như hiện tại và bứt phá tiếp, các thông tin vĩ mô cần được đưa ra vào lúc này.
Ít nhất, tôi thấy được cam kết của Chính phủ trong việc duy trì mức GDP kế hoạch là 5.8% có thể tạo lên niềm tin cho nhà đầu tư về việc có những biện pháp kích thích kinh tế cần thiết đặc biệt ở các lĩnh vực đang tồn đọng vốn lớn của kinh tế điển hình là lĩnh vực bất động sản, ngân hàng. Sự hưng phấn sẽ tiếp tục được duy trì nếu có các chính sách kích thích thực sự trong các lĩnh vực này trong thời gian tới.
Tôi cho rằng thị trường chưa thể hiện sự hưng phấn, khi mà điểm số trong tuần vừa rồi phần lớn đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhóm cổ phiếu này ít có sự tham gia của nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Hỗ trợ lớn nhất trong tuần rồi, và có thể phát huy tiếp trong tuần tới có lẽ là dòng tiền của khối ngoại. Sau chuỗi bán ròng, khối ngoại đã quay trở lại. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, mỗi khi khối ngoại mua ròng thường mua rất quyết liệt, gần nhất là chuỗi mua ròng vào đầu năm khiến VN-Index vượt đỉnh 520 lên 560 rất dễ dàng.
Đôi lúc khi xu hướng thị trường đi vào xu thế tăng, tâm lý nhà đầu tư ổn định vào tốt hơn thì việc mua vào cũng như nắm giữ cổ phiếu càng được các nhà đầu tư đáng giá cao. Tôi cho rằng chính tâm lý chung của các nhà đầu tư đã tác động đến động thái mua vào – mọi người đang tin vào chu kỳ tăng điểm mạnh của thị trường sắp tới chú không chỉ vài thông tin tốt nào đó.
Khối ngoại quay trở lại mua ròng sau chuỗi 12 phiên bán ròng liên tiếp, bên cạnh đó với sự hỗ trợ của các blue chips VnIndex đã bứt phá, vượt ngưỡng 610. Theo tôi những yếu tố này đã tạo ra sự tự tin cho nhà đầu tư, trên cơ sở đó dòng tiền đã nhanh chóng quay trở lại.
Các cổ phiếu lớn có vai trò lớn trong việc kéo VN-Index đạt đỉnh cao mới tuần này, nổi bật là GAS. Từ góc độ kỹ thuật, anh chị kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng đến đâu?
Theo tôi nếu GAS tiếp tục chinh phục các mức cao mới, VN-Index có khoảng 70% để vượt đỉnh 630 điểm (đỉnh của năm 2009 và chu kỳ 05 năm) trong ngắn hạn. Tuy nhiên, sự bứt phá qua ngưỡng 630 điểm có thể tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh mạnh trong ngắn hạn.
Ngưỡng kháng cự sắp tới của VN-Index sẽ ở quanh 630 điểm. Tuy nhiên tôi cho rằng với thực tế VnIndex phụ thuộc ngày càng nhiều vào số ít các cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ khiến việc dự báo chỉ số trở nên khó khăn hơn.
Tôi cho rằng không chỉ có GAS, các cổ phiếu lớn sẽ thay phiên nhau nâng đỡ cho VN-Index, vì vậy đích đến của thị trường ít nhất cũng đạt tương đương đỉnh năm 2009.
Tuy nhiên, điểm số VN-Index cũng không quan trọng bằng diễn biến các nhóm cổ phiếu đầu cơ, dòng cổ phiếu biểu hiện sức nóng của thị trường một cách chân thực nhất. Tôi đánh giá nhóm này vẫn rất tiềm năng và có khả năng bùng nổ cao sau một thời gian dài tích lũy đi ngang.
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật thì VN-Index sẽ tiếp tục chinh phục các đỉnh cao 630 – 650 điểm và thậm chí 700 điểm.
Trước mắt thì mốc 630 – 650 điểm là ngưỡng kháng cự rất mạnh nhưng điều gì đến cũng phải đến khi thị trường đang vào uptrend và mọi đều có thể xẩy ra. Dòng tiền đồng thuận đang chảy vào thị trường ngày một tốt hơn.
Trước mắt về mặt kỹ thuật, biên trên của kênh tăng hiện tại hội tụ với vùng đỉnh dài hạn từ năm 2009 đang tạo một kháng cự mạnh ở vùng 620-630 điểm. Nếu động lực thị trường đủ mạnh để vượt nhanh quá kháng cự này, việc đoán đỉnh của thị trường thật sự là... không nên.
Sức mạnh của dòng tiền thật sự thuyết phục trong những ngày qua. Mức độ phân bổ vốn cho cổ phiếu của anh chị hẳn đã được tăng lên?
Sau khi VN-Index vượt qua 610 điểm, tôi đã thực hiện nâng tỷ trọng cổ phiếu lên mức 50%.
Tôi vẫn giữ 80% cổ phiếu, nhưng phân bổ nhiều tập trung vào hai nhóm: (1) nhóm được khối ngoại mua ròng và (2) nhóm cổ phiếu đầu cơ đi ngang ở vùng thấp.
Việc tăng cường giải ngân đã được ra tăng ngay từ các phiên hồi phục tuần trước khi mà chính tôi nhận định rằng thị trường đang tốt lên và việc vượt qua mốc 610 điểm là sớm xảy ra.
Tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt đã gia tăng mạnh và tôi đã cân nhắc việc sử dụng đòn bẩy ở những cổ phiếu tốt blue chips dẫn dẫn dắt và mid cap tăng trưởng. Tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt đang là 100%/0%. Tôi tin rằng các cổ phiếu như SSI, TCM, FCN... sẽ tiếp tục tăng giá.
Theo tôi mức phân bổ vốn có thể lên tới 80% dành cho các cổ phiếu trụ cột đặc biệt là các cổ phiếu dầu khí, chứng khoán và bất động sản.
Tuy nhiên, việc đảo danh mục và tăng tỷ lệ đòn bẩy vào lúc này nên xem xét thật cẩn trọng và hạn chế vào lúc này. Vị thế bán chủ động sẽ giúp nhà đầu tư bảo toàn vốn cho các vòng quay tiếp theo.
Tôi tăng tỷ trọng lên tối đa, trong đó tăng tỷ trọng PXS ở giá 24.5 vào đầu tuần lên mức 40% danh mục, giải ngân BVS ở mức giá 13.5-13.6, lên mức chiếm 30% danh mục, mua thêm PVX ở mức giá 4.8 lên mức chiếm 20% danh mục.
Một phần nhỏ không đáng kể tiền tôi thực hiện mua thử KSH ở mức 8.9 vào phiên ATO thứ Năm để theo dõi tâm lý đầu cơ hiện tại của thị trường. Mỗi một trend mạnh thường có một vài cổ phiếu "điên" và trường hợp KSH gần giống trường hợp VNH ở trend tăng trưởng trước đó của thị trường.
Tôi sẽ quan sát tiếp thị trường do e ngại về khả năng có một áp lực điều chỉnh ngắn hạn. Nếu thị trường điều chỉnh với áp lực không lớn (thanh khoản thấp khi điều chỉnh) hoặc trạng thái danh mục tiếp tục thuận lợi tôi sẽ cân nhắc việc sử dụng đòn bẩy tài chính.
Các cổ phiếu tôi đang lưu ý cho tuần kế tiếp là VIS - đại diện cho nhóm thép, SCR - đại diện cho nhóm bất động sản, dòng cổ phiếu đầu P nhỏ có thể cũng được xem xét chấp nhận mạo hiểm ở tỷ trọng thấp nếu trào lưu đầu cơ này trở nên rõ nét hơn.