Xu thế dòng tiền: Thấy gì từ thanh khoản giảm?
Thị trường dao động ngắn hạn tuần này với mức thanh khoản giảm đã tạo ra các quan điểm trái chiều
Thị trường dao động ngắn hạn tuần này với mức thanh khoản giảm đã tạo ra các quan điểm trái chiều. Các chuyên gia được phỏng vấn cũng có mức độ đánh giá rủi ro ngắn hạn khác nhau.
Quan điểm tích cực nhất được nhìn nhận từ phía các chuyên gia, là thanh khoản thấp ở khía cạnh nào đó thể hiện lực cung đã giảm bớt và thị trường có thể diễn biến theo chiều hướng khả quan hơn. Tuy nhiên quan điểm đa số lại đánh giá thanh khoản thấp thể hiện sự thận trọng cao của nhà đầu tư.
Bản thân các chuyên gia có cái nhìn tích cực cũng chuẩn bị tâm lý cho tình trạng thị trường rơi vào trạng thái giao dịch đi ngang kéo dài với thanh khoản thấp và lực cung yếu đi không có nghĩa là chuẩn bị cho một xu thế tăng ngắn hạn tiếp theo.
Quan điểm tiêu cực thậm chí cho rằng sau phiên rơi mạnh đầu tuần, mức phục hồi diễn ra nhẹ và thanh khoản sụt giảm đột ngột là một tín hiệu không tốt trong ngắn hạn và thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong tuần tới.
Cùng với sự phân hóa trong nhận định cơ hội và rủi ro, quyết định phân bổ danh mục có sự khác biệt lớn. 2/5 chuyên gia đã thực hiện nâng tỷ trọng cổ phiếu lên 50%, một người duy trì nguyên trạng. Những người còn lại tiếp tục giữ mức phân bổ thấp nhất là 10%.
Yếu tố vĩ mô được quan tâm nhiều trong tuần này là tình trạng tăng trưởng không ổn định trong sản xuất, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng đang giảm dần từ chỉ số PMI vừa công bố. Khía cạnh tâm lý được chú ý nhiều hơn khi tâm lý nhà đầu tư đang chưa đủ mạnh, chỉ số chính VN-Index lại đang dao động gần đỉnh trung hạn và rất cần động lực để bứt phá, thì việc xuất hiện những thông tin có thể nhìn nhận theo hướng kém lạc quan khiến một phần không nhỏ dòng tiền sẽ tiếp tục lựa chọn phương án đứng ngoài thị trường.
Một tuần giao dịch với thực sự rất ít cơ hội lợi nhuận. VN-Index chốt tuần vẫn giảm khoảng 1% và khối lượng khớp lệnh giảm khoảng 17%, giá trị giảm gần 22%. Thanh khoản đang giảm nhanh và có ý kiến cho rằng mức giảm này phản ánh áp lực bán đang giảm, nghĩa là tích cực. Anh chị có đồng quan điểm đó hay không?
Tôi cho rằng thanh khoản thấp đang phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, phần nào cho thấy kỳ vọng vào xu thế tăng của thị trường không còn cao.
Với bối cảnh thiếu thông tin hỗ trợ, tôi cho rằng thị trường khó có thể thiết lập được xu hướng tăng ngay trong ngắn hạn.
Tôi đồng ý với quan điểm lực cung trên thị trường đã giảm bớt và thị trường có thể diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa thị trường sẽ tăng điểm trở lại ngay mà có thể sẽ phải mất thêm thêm một thời gian lình xình với thanh khoản thấp.
Theo tôi thanh khoản giảm thường cho thấy sự suy yếu của xu hướng chính.
Trong ngắn hạn, các cổ phiếu có tính thị trường cao như nhóm chứng khoán, bất động sản đang ở kênh giảm giá. Việc thanh khoản giảm như cách nhìn ở trên, đang cho thấy lực bán ngắn hạn có phần chững lại, đà giảm ngắn hạn có phần suy yếu và đó cũng là lý do mà nhiều cổ phiếu thuộc các nhóm này có mức độ giảm ít hơn so với tuần trước đó.
Nhưng diễn biến này không hoàn toàn mang nghĩa tích cực vì quá trình cạn kiệt kiểu này hoàn toàn có thể kéo dài nhiều tháng. Ví dụ gần nhất là giai đoạn tháng 8,9/2013, toàn sàn HNX chỉ khớp bình quân 10-20 triệu đơn vị cổ phiếu/phiên, sau 2 tháng đó, thị trường mới bắt đầu lấy đà tăng trở lại.
Sự tích cực ngắn hạn, nếu có chỉ nằm ở một số ít các cổ phiếu đang sôi động hơn so với phần còn lại, trong đó nhóm dầu khí với PVC, PVD, PVS, cùng VIC đang là những ví dụ nổi bật. Các cổ phiếu này có sự khác biệt cơ bản so với phần còn lại là chúng đều vẫn giữ được kênh giá tăng ngắn hạn.
Như tôi nhận định từ tuần trước, mức điểm hiện tại đang đạt sát ngưỡng cản mạnh tại đỉnh cũ quanh khu vực 605-610 điểm nên việc điều chỉnh đã xảy ra. Điều đánh chú ý là đợt điều chỉnh diễn ra khá nhanh với cường độ nhẹ và thanh khoản đang giảm dần.
Thị trường đã chính thức bước vào tháng “cô hồn” và có diễn biến giao dịch khá giống với những chu kỳ trước đây (trùng thời thời điểm kết quả quý II đã được công bố và dường như thị trường không còn tin tức hỗ trợ ngắn hạn). Thanh khoản giảm cho thấy sự thận trọng đang được tăng lên cùng với điểm số đang dao động ở quanh một phạm vi hẹp cho thấy biến động lớn về giá có thể đang ở phía trước.
Trước mắt, khả năng dao động quanh khu vực 590-600 điểm vẫn là chủ đạo với thanh khoản vẫn được duy trì thấp.
Theo tôi điều đó còn tùy thuộc hoàn toàn vào thời điểm nào của thị trường (đang trend tăng giá, điều chỉnh nhẹ thanh khoản thấp đi ngang cùng với nhiều phiên tăng mạnh trước đó kèm thanh khoản lớn …) và tôi không đồng ý với ý kiến đó nhất là trong giai đoạn hiện tại.
Chỉ số VN-Index không thể vượt qua mốc 605 điểm và giảm điểm trở lại. Nếu để ý kỹ phiên giảm điểm mạnh rơi vào thứ 2 tuần trước thì cùng với các phiên hồi lại nhẹ với thanh khoản thấp đột ngột thì đây là tín hiệu tiêu cực cho thị trường trong ngắn hạn và tôi tin rằng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm tiếp trong tuần tới.
Thông tin hỗ trợ là điều đang thiếu vào lúc này. Cuối tuần chúng ta nhìn thấy một mức suy yếu nhẹ của chỉ số PMI cũng như trước đó là số liệu tồn kho tăng lên. Những thông tin đó đang được đánh giá khác nhau. Quan điểm của anh chị thế nào?
Chỉ số PMI đạt mốc trên 50 điểm kể từ tháng 9/2013 đến nay, phần nào cho thấy sự cải thiện của tình hình sản xuất trong nước. Tuy nhiên, có thể thấy rõ ràng một điều PMI tăng trưởng không ổn định, đặc biệt còn có xu hướng giảm dần trong 4 tháng gần đây.
Vì vậy tôi cho rằng sự hồi phục của sản xuất có thể chỉ mang tính cục bộ ở một số bộ phận trong nền kinh tế hoặc mang tính chất mùa vụ đặc biệt.
Tôi cho rằng số liệu tồn kho tăng lên cho thấy khả năng tăng trưởng tín dụng chưa đạt được như kỳ vọng. Ở khía cạnh tích cực, một số người nghĩ rằng sẽ có một cú hích bắt buộc để đẩy tăng trưởng tín dụng và GDP đạt kỳ vọng ngay sau đây. Ở khía cạnh tiêu cực, tồn kho tăng lên cùng với PMI suy yếu nhẹ cho thấy đà hồi phục đang diễn ra chậm chạp không như kỳ vọng.
Nền kinh tế vẫn đang trong quá trình phục hồi và còn tồn tại nhiều khó khăn, nên khó có thể kỳ vọng rằng mọi thứ sẽ liên tục diễn ra một cách thuận lợi hàng tháng. Chỉ số PMI suy yếu nhẹ nhưng vẫn duy trì trên mức 50, về bản chất cần hiểu đây chỉ là dấu hiệu cho thấy tốc độ mở rộng sản xuất chậm lại chứ không phải bị sụt giảm về sản xuất.
Tuy nhiên, có một điểm đúng là trong ngắn hạn, khi tâm lý nhà đầu tư đang chưa đủ mạnh, chỉ số chính VN-Index lại đang dao động gần đỉnh trung hạn và rất cần động lực để bứt phá, thì việc xuất hiện những thông tin có thể nhìn nhận theo hướng kém lạc quan như trên khiến một phần không nhỏ dòng tiền sẽ tiếp tục lựa chọn phương án đứng ngoài thị trường.
Chỉ số PMI vẫn cho thấy sản lượng sản xuất có tăng trưởng, dù mức tăng đã chậm lại so với tháng trước. Bên cạnh đó, hàng tồn kho của nhiều ngành hàng tăng mạnh cho thấy cầu đầu ra vẫn ở mức thấp. Cầu đầu ra yếu cũng sẽ là thách thức lớn cho tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm nay.
Trong giai đoạn này chính là giai đoạn thiếu vắng thông tin tích cực hỗ trỡ thị trường nhất trong khi các thông tin tiêu cực từ các phiên sụt giảm điểm từ chứng khoán Mỹ, chính trị thế giới, tâm lý nhà đầu tư nội cũng nhưng khối ngoại đang suy giảm thì những thông tin như PMI….sẽ và đang là yếu tố mặc dù nhỏ tác động đến thanh khoản toàn thị trường. Và chúng ta vẫn đang nhìn thấy thanh khoản sụt giảm nhanh qua các phiên gần đây là dấu hiệu rõ nét nhất.
Tuần trước các anh chị đã thực hiện giảm đáng kể tỷ trọng cổ phiếu xuống. Tỷ trọng phân bố vốn đó có thay đổi trong tuần này?
Tôi duy trì trạng thái danh mục từ tuần trước đó : 50% giành cho PVD + PET. Trường hợp của PET, nếu trong các phiên tuần tới, cổ phiếu này thủng hỗ trợ ngắn hạn ở mức 17.5, tôi sẽ thực hiện cutloss.
Cho dù quan điểm không mấy tích cực trong ngắn hạn cũng như không muốn giải ngân thêm khi mà quan điểm cá nhân cho rằng việc điều chỉnh còn kéo dài. Tôi đã hạn chế tỷ trọng cổ phiếu từ 30 - 40% trong danh mục và chỉ nắm giữ những cổ phiếu theo tôi là tốt nhất với tầm nhìn dài 3 – 6 tháng.
Thanh khoản thấp như hiện nay theo tôi giải ngân vào cổ phiếu cần dưới 50% danh mục, không sử dụng đòn bẩy. Cần tận dụng các phiên tăng/giảm mạnh để đảo danh mục một cách hiệu quả với các cổ phiếu mà nhà đầu tư nắm rõ.
Tuần này tôi đã gia tăng tỷ trọng từ 30% lên 50% với kỳ vọng các cổ phiếu dần lấy lại được cân bằng, lình xình tích lũy +/- 3 đến 5% quanh vùng giá hiện tại rồi hồi phục, trong đó nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản giảm mạnh nhất trong nhịp vừa qua, có thể sẽ xuất hiện sự phục hồi mạnh mẽ hơn các nhóm khác.
Tôi tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức 10%, và chưa có kế hoạch tăng tỷ trọng cổ phiếu trong tuần tới.