Xu thế dòng tiền: Chờ đợi sự đồng thuận
Điều vẫn đang được chờ đợi là sự đồng thuận giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, cũng như giữa các cổ phiếu blue-chips
Tuần giao dịch vừa qua đã đem lại cái nhìn khá lạc quan đối với các chuyên gia. Điều vẫn đang được chờ đợi là sự đồng thuận giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, cũng như giữa các cổ phiếu blue-chips.
Tuy nhiên điều này không làm giảm sự nhiệt tình tham gia thị trường của các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn. Mặc dù VN-Index vẫn đang gặp khó khăn tại vùng đỉnh cũ, nhưng vẫn có sự luân chuyển dòng vốn khá tốt trong nhóm các cổ phiếu blue-chips, cũng như sự dịch chuyển vốn sang các cổ phiếu tầm trung có yếu tố cơ bản tốt. Sự giằng co của VN-Index phần lớn là do các mã vốn hóa lớn mà mức độ điều chỉnh của các mã này ở mức độ nhẹ.
Từ góc độ của chỉ số, quan điểm thận trọng vẫn nhìn nhận vai trò đang yếu đi của một số mã vốn hóa lớn có thể khiến VN-Index gặp khó khăn với cơ hội vượt đỉnh. Mặt khác tuần qua yếu tố kết quả kinh doanh xuất hiện dồn dập ở một số cổ phiếu lớn và điều này có thể không xuất hiện trong tuần tới.
Hoạt động đầu tư cụ thể tuần này đã có một chút khác biệt giữ quan điểm đánh giá thị trường nói chung qua triển vọng của chỉ số với các cơ hội cụ thể. Hầu hết các chuyên gia tiếp tục tăng cường giải ngân với mức cao nhất được ghi nhận là 80%. Các cơ hội cụ thể được đánh giá cao hơn ngay cả khi thị trường chưa thực sự bộc lộ rõ ràng về cơ hội tạo đỉnh cao mới. Có lẽ điều này cũng đang diễn ra trên phần lớn thị trường, khi mà dòng vốn vẫn đang luân chuyển rất mạnh giữa các nhóm cổ phiếu.
VN-Index tuần này giảm khoảng 0,2% trong khi VN30Index tăng 0,5%. VN-Index cao nhất tuần này cũng chỉ tới 608 điểm và lại giảm trong ngày cuối tuần. Tuy nhiên dường như các blue-chips đang có sức mạnh tốt hơn. Liệu đó có phải là dấu hiệu của sự đồng thuận mà anh chị chờ đợi hay không?
Tôi thấy tuần qua độ rộng thị trường đã có sự cải thiện hơn. Một mặt dòng tiền tập trung vào các cổ phiếu cơ bản tầm trung, một mặt có dấu hiệu manh nha ở các cổ phiếu đầu cơ. Tôi cho rằng đây là tín hiệu tích cực, khi mà các cổ phiếu đã tăng vượt đỉnh trong 2 tuần trước tạm thời dừng lại, những nhóm cổ phiếu đi ngang ở dưới thấp bắt đầu thu hút dòng tiền.
Tuần qua, phần lớn các cổ phiếu blue chips đều có giao dịch tích cực, tuy nhiên một số mã như MSN, GAS giảm giá khiến VnIndex mất điểm nhẹ.
Dòng tiền thể hiện sự quan tâm hơn đến các mã blue chips do kỳ vọng của nhà đầu tư vào kết quả kinh doanh được công bố tập trung vào hai phiên cuối tuần.
Động thái nhà đầu tư quan tâm hơn đến các mã blue chips luôn là dấu hiệu tích cực, tuy nhiên tôi cho rằng cần xuất hiện thêm thông tin hỗ trợ đủ mạnh VnIndex mới có thể bứt phá khỏi vùng tích lũy hiện tại.
Tín hiệu hồi phục kèm theo thanh khoản tốt của các phiên cuối tuần đã tích cực so với 3 phiên điều chỉnh giảm trước đó. Chỉ số VN-Index vẫn đang trong xu hướng uptrend và phát đi các tín hiệu kỹ thuật ngày càng rõ nét.
Điều mà tôi có thể tin tưởng hơn vào diễn biến ngắn hạn của thị trường là dòng tiền đã chảy vào không chỉ những cổ phiếu Blue chips mà cả nhiều cổ phiếu mid caps cơ bản. Dấu hiệu từ diễn biến thị trường (giao dịch sôi động ở nhóm cổ phiếu dầu khí, các cổ phiếu đầu cơ dẫn dắt tạo nền tảng và thanh khoản tăng đáng kể SSI, ITA, PVX…) phản ánh dần sức mạnh của dòng tiền nội đang gia tăng vào các nhóm cổ phiếu trong khi khối ngoại bán ròng.
Chỉ số vẫn đang loay hoay ở vùng đỉnh của năm với thanh khoản cao hơn cùng sự phân hóa mạnh mẽ giữa các cổ phiếu bluechips và nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ. Điểm đáng chú ý để xem xét đến sự đồng thuận của khối ngoại và các nhà đầu tư trong nước chính là diễn biến bán ròng vẫn tiếp tục diễn ra cho thấy khả năng đồng thuận của cả hai phía đang gặp phải vấn đề trong ngắn hạn.
Thông thường nước ngoài sẽ bán ròng trong tháng 8 và 9 của năm và bắt đầu mua ròng trở lại vào Quý I của năm tới. Nếu chu kỳ này diễn ra giống như mọi năm thì sự đồng thuận có thể đến trễ hơn so với chúng ta mong đợi.
Sự đồng thuận là tín hiệu tích cực cho thấy thị trường thực sự bước vào giai đoạn có xu hướng rõ ràng. Nhưng điều đó vẫn chưa hoàn toàn xảy ra, vẫn là sự phân hóa mạnh đang diễn ra trên thị trường.
Theo tôi nhóm Bluechips sau quãng thời gian độc diễn 1-2 tuần trước, dưới áp lực bán của khối ngoại đang dần chững lại, nhường sân chơi dần cho lớp cổ phiếu ở hàng phía sau, trong đó lác đác đã có những dấu hiệu bứt phá đầu tiên từ một vài cổ phiếu đầu cơ tầm trung.
Quy mô giao dịch khớp lệnh tuần này khá tốt với giá trị giao dịch hàng ngày tăng khoảng 11% so với tuần trước. Anh chị có hài lòng với mức tăng thanh khoản như vậy? Đánh giá của anh chị về sức cầu tại vùng đỉnh cũ được kiểm nghiệm trong tuần như thế nào?
Thông thường, VNINDEX không tăng mà thanh khoản lại tăng sẽ không phải là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, lần này sự gia tăng thanh khoản lại mang tính chất tập trung ở một số nhóm cổ phiếu và đặc biệt vẫn có nhiều cổ phiếu đạt “new high” (đỉnh giá mới cao hơn).
Tại vùng đỉnh cũ, VNINDEX không tránh khỏi những giằng co, nhưng biểu hiện như tuần vừa rồi có 2 điều khiến thị trường chưa đáng lo: (1) qua các phiên vẫn có nhóm cổ phiếu dẫn dắt; (2) sự giằng co của index phần lớn do các mã vốn hóa lớn mà mức độ điều chỉnh của các mã này ở mức độ nhẹ.
Theo tôi thanh khoản tăng dần lên cùng điểm số dao động trong biên độ hẹp ở vùng đỉnh cho thấy xác suất bứt phá qua ngưỡng 610 điểm đã có dấu hiệu chạy đà.
Tuy nhiên, dấu hiệu này chưa thực sự được xác nhận nếu các cổ phiếu bluechips không tăng tốc thêm một đoạn nữa (đa số đang ở vùng giá cao nhất của năm).
Kết quả kinh doanh quý II đã hé lộ gần hết và dường như đã phản ánh khá nhiều vào thị giá của nhiều cổ phiếu. Vì vậy, kỳ vọng về việc vượt ngay qua vùng đỉnh cũ trong tuần tới vẫn chưa được đặt lên cao.
Nếu thanh khoản tăng mà không kèm với sự bứt phá của giá, đó sẽ là một tín hiệu đáng ngại.
Tuy nhiên, tuần giao dịch vừa qua, dòng tiền vừa mạnh lên vừa thể hiện rõ ràng một sự chuyển dịch. Nhóm cổ phiếu lớn có sức ảnh hưởng lên VNIndex đã chững lại khiến chỉ số liên tục thoái lui khi tiệm cận đỉnh cũ, nhưng HNXIndex và nhiều cổ phiếu tầm trung đã có những bứt phá ấn tượng về giá và thanh khoản.
Dòng cổ phiếu tầm trung, sàn HNX luôn là nơi được đám đông nhà đầu tư cá nhân ưa thích hơn cả nên mỗi khi ở đây có tín hiệu, thanh khoản chung trên toàn thị trường thường tăng lên đáng kể.
Với nhìn nhận như trên, tôi cho rằng điều quan trọng cần được nhận thấy là sự chuyển dịch của dòng tiền, còn vấn đề thanh khoản chỉ là hệ quả kèm theo của diễn biến này.
Theo tôi sức cầu trong tuần qua được thể hiện khá mạnh và bền bỉ. Thị trường dường như đang trong giai đoạn tích lũy, chờ đợi các thông tin hỗ trợ đủ mạnh để vượt qua vùng đỉnh ngắn hạn.
Tuy nhiên, thông tin về kết quả kinh doanh quý II chưa phát đi tín hiệu tích cực, và nếu không sớm xuất hiện thông tin hỗ trợ mới, thị trường có thể trượt khỏi vùng tích lũy hiện tại và giảm về giao dịch ở vùng cân bằng thấp hơn.
Thị trường tăng điểm trở lại ở các phiên giữa tuần với thanh khoản tốt cho ta thấy VN-Index khó điều chỉnh sâu và tạo nền tảng vững chắc ở quanh mốc 600 – 610. Sức cầu kiểm nghiệm đỉnh cũ là tốt cùng với sức nóng lan tỏa ở nhiều cổ phiếu cơ bản. Tôi tin rằng thị trường đang lấy đà chuẩn bị vượt ngưỡng tâm lý 610 điểm trong thời gian tới.
Nổi bật trong tuần vẫn là mức tăng rất mạnh của nhiều cổ phiếu nhỏ với trung tâm là các cổ phiếu “đầu P”. Nhìn từ tác động của kết quả kinh doanh, theo anh chị liệu mức tăng giá lớn như vậy có phản ánh thái quá kỳ vọng trên thị trường?
Các trường hợp tăng ấn tượng nhất trong tuần như PVS, PVC, PET đều có trailing P/E ở mức 7-8 , thấp hơn so với bình quân ngành và thấp hơn nhiều so với bình quân thị trường. Theo tôi thị trường có lẽ không hề thái quá khi đặt kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu này.
Thông tin về kết quả kinh doanh của nhóm cổ phiếu dầu khí cho thấy nhóm này đã có tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận 6 tháng, cá biệt có doanh nghiệp hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận năm.
Lợi nhuận ổn định, duy trì tăng trưởng là cơ sở để nhóm cổ phiếu này trở nên hấp dẫn hơn với những nhà đầu tư cơ bản.
Tuy nhiên, diễn biến gần đây ở một số mã trong nhóm này đã cho thấy dấu hiệu tham gia mạnh của dòng tiền đầu cơ. Sự xuất hiện của dòng tiền này một mặt sẽ tạo ra diễn tích cực về thanh khoản và giá, nhưng mặt khác nó có thể khiến kỳ vọng được phản ánh thái quá trong ngắn hạn.
Đa số các cổ phiếu “đầu P” đều có kết quả vượt xa kế hoạch năm điển hình là GAS, PVS, PVC. Vì vậy, một sự kỳ vọng lớn của nhà đầu tư vào nhóm cổ phiếu này để dẫn dắt hai chỉ số chính vượt lên các mức cao kỷ lục của năm là có cơ sở.
Theo quan điểm của tôi đánh giá đắt rẻ của cổ phiếu chỉ là tương đối và có tính chất thời điểm. Nên, các cổ phiếu dòng dầu khí tiếp tục cải thiện khả năng sinh lợi đồng thời mặt bằng P/E của nhiều cổ phiếu sẽ được nâng dần lên cùng chỉ số chung, giá cổ phiếu nhóm này vẫn còn tiềm năng tăng trưởng ở phía trước.
So với mặt bằng chung P/E toàn thị trường nói chung và dòng cổ phiếu dầu khí “đầu P” nói riêng cùng với thông tin về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này thì tôi cho rằng việc tăng giá mạnh của các cổ phiếu đó là chuyện bình thường.
Tôi nhấn mạnh rằng nhiều cổ phiếu trên thị trường vẫn còn đang quá rẻ và dòng tiền sẽ lựa chọn từng nhóm ngành để vào từng thời điểm, ví dụ hiện tại là dòng cổ phiếu dầu khí sau đó là cổ phiếu chứng khoán, sản xuất..v.v.
Hiện tượng bùng nổ luân phiên ở nhiều nhóm cổ phiếu sẽ tiếp diễn để đưa VN-Index lên các tầm cao mới như 630 – 650 điểm. Nhiều cổ phiếu “dòng P” sẽ vẫn tiếp tục tăng tiếp.
Tôi nhìn nhận sự bứt phá của nhóm cổ phiếu “đầu P” là một phần trong sự luân chuyển của dòng tiền trong thị trường.
Qua nhóm “đầu P” sẽ tới một nhóm khác và sự đều đặn luân chuyển đó sẽ giúp cho thị trường giữ được nhịp ít nhất như hiện tại.
Ý thức được sự luân chuyển này, có thể đã đến lúc chúng ta nên giảm kỳ vọng về những cổ phiếu “đầu P” đã tăng quá đà và để mắt tới nhóm cổ phiếu ở vùng thấp hơn.
Hoạt động giao dịch trong tuần này như thế nào, anh chị có thay đổi mức phân bổ vốn?
Thị trường đã phản ánh tích cực hơn, nhiều nhóm cổ phiếu đang và đã bứt phá sau khi tạo nền tảng tăng giá đẹp. Tôi đã giải ngân tự tin hơn với tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt tăng thêm là 70%/30%. Tôi tin rằng thị trường đang có nhiều cơ hội tốt và chúng ta hãy để cho VN-Index đi theo hướng đi của nó – xu hướng uptrend đang tiếp diễn.
Tôi chưa thay đổi tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, hiện tỷ trọng cổ phiếu vẫn ở mức 10%.
Tôi vẫn duy trì danh mục 50:50 cho cổ phiếu và tiền mặt. Việc sử dụng margin tiếp tục được thắt chặt cho đến khi có diễn biến tích cực mới từ nền kinh tế và thị trường chứng khoán.
Tôi tăng trạng thái danh mục từ 70% lên 80% cổ phiếu. Trong tuần này tôi thực hiện dịch chuyển danh mục sang các cổ phiếu đầu cơ nhiều hơn.
Sau khi chốt lời danh mục với PET, PVD ở tuần trước đó, quả thực khá đáng tiếc với trường hợp của PET khi nhìn lại diễn biến tuần vừa qua, tuy nhiên tôi đã không mở trạng thái mua trở lại với 2 trường hợp cổ phiếu này.
Vẫn lấy dòng dầu khí, đầu "P" làm trọng tâm, tôi giải ngân thăm dò ở mức 20% danh mục với trường hợp PXS vào phiên thứ Tư ở mức giá trần 23.1, và mua lần đầu với PVX tại mức giá 5 vào phiên thứ Sáu với tỷ trọng 10%.
Với PXS, tôi cho rằng đây là một trường hợp tăng trưởng điển hình nữa của một cổ phiếu dầu khí, tôi kỳ vọng cổ phiếu này sẽ có sự tích lũy ngắn tại đỉnh trung hạn ở quanh mức 24.5, và có thể tôi sẽ thực hiện giải ngân thêm vào cổ phiếu này trong tuần tới và nâng tỷ trọng lên mức khoảng từ 30-50%.
Với PVX, dù vướng rủi ro thông tin vào cuối tuần khi cổ phiếu này tiếp tục báo "lỗ khủng" Quý II, nhưng tôi đánh giá PVX đã có dấu hiệu tạo đáy ở vùng giá 4.x. Nếu đầu tuần tới PVX giảm giá với thanh khoản thấp, hoặc nhanh chóng tăng giá sau tin xấu, có thể tôi sẽ cân nhắc mua thêm 10-20% nữa.
Ngoài ra, tôi cũng đang quan sát dần trở lại với một vài cổ phiếu chứng khoán, đặc biệt là BVS.