Xu thế dòng tiền: Điều chỉnh bao lâu?
VN-Index cuối tuần qua đã rơi khá mạnh sau khi tiến sát tới ngưỡng kháng cự được chỉ ra cách đây 2 tuần, các chuyên gia đều cho rằng thị trường bắt đầu rơi vào nhịp điều chỉnh giảm
VN-Index cuối tuần qua đã rơi khá mạnh sau khi tiến sát tới ngưỡng kháng cự được chỉ ra cách đây 2 tuần, các chuyên gia đều cho rằng thị trường bắt đầu rơi vào nhịp điều chỉnh giảm.
Các ngưỡng hỗ trợ được đưa ra với nhiều kịch bản khác nhau và mức thấp nhất được đưa ra là VN-Index có thể xuống vùng 978-983 điểm. Các kịch bản ngắn hạn khác tích cực hơn, thậm chí có thể đi ngang quanh 1000 điểm và tích lũy. Thời gian điều chỉnh dự kiến từ 3-5 phiên tới một vài tuần.
Theo các chuyên gia thị trường hiện đang trong giai đoạn chưa thật sự có thông tin hỗ trợ đồng thời lại xuất hiện những biến động lớn từ bên ngoài nên chịu ảnh hưởng tiêu cực. Áp lực giảm từ thị trường quốc tế khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao được cho là có thể gây xáo trộn tới thị trường trong nước. Mặt khác nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng bán ra ròng nếu không tính tới các giao dịch cá biệt.
Các chuyên gia vẫn chưa có động thái thay đổi lớn trong danh mục, mới giảm nhẹ tỷ trọng xuống so với tuần trước. Thậm chí nhịp điều chỉnh này được xem là cơ hội để gia tăng cổ phiếu.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
VN-Index đã rướn thêm một chút nữa đúng như dự kiến của anh chị, mức cao nhất trong tuần lên 1024,68 điểm và kết thúc bằng phiên cuối tuần lao dốc khá mạnh. Lần này thị trường đã thật sự đạt đỉnh ngắn hạn và điều chỉnh rõ ràng hơn không? Nếu kịch bản điều chỉnh xảy ra, anh chị dự kiến mức điều chỉnh như thế nào và kéo dài bao lâu?
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Tôi cho rằng về mặt kỹ thuật thị trường đang có những dấu hiệu bước đầu cho một sóng điều chỉnh ngắn hạn khi các chỉ số về mặt dòng tiền và sức mạnh đối (MFI và RSI) đều sụt giảm. Khối lượng giao dịch tăng mạnh trong những phiên gần đây nhưng chỉ số lại có sự sụt giảm càng làm gia tăng khả năng sự điều chỉnh sẽ diễn ra nhanh hơn.
Hiện tại, ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn được xác định ở mức 990 điểm và thị trường sẽ có khoảng từ 3 đến 5 phiên để "test" ngưỡng hỗ trợ này.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Phản ứng điều chỉnh của Vn-Index khi tiếp cận vùng kháng cự 1024-1027 điểm là điều đã được tôi đưa ra cảnh báo trong tuần trước. Nhịp điều chỉnh này của thị trường có thể diễn ra trong một vài tuần để tạo đà đi lên cho chỉ số trong thời gian tới.
Vùng hỗ trợ đầu tiên của chỉ số sẽ nằm tại 996-1003 điểm. Nếu xuyên thủng vùng cản này, điểm đến kỳ vọng cho nhịp điều chỉnh này có thể về đến vùng 978-983 điểm.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
VN Index ghi nhận một tuần điều chỉnh nhẹ. Dù chỉ số vẫn trụ vững trên ngưỡng 1.000 điểm nhưng tâm lý thị trường cũng đã có sự xao động nhất định, đặc biệt là khi ngày thứ sáu (5/10) ghi nhận một phiên giảm điểm khá mạnh với mức giảm hơn -15 điểm. Thanh khoản tăng đột biến trong tuần này nhưng phần nhiều đến từ giao dịch thỏa thuận của cổ phiếu MSN trị giá hơn 16.000 tỷ.
Hầu hết các cổ phiếu trong nhóm vốn hóa lớn không biến động nhiêu trong tuần này, trong đó chỉ có MSN là ghi nhận mức giảm tương đối đáng kể (-3,09%) còn ngược lại TCB đóng cửa tuần tăng khá mạnh ( 4,01%). Tổng kết lại cả tuần, VN Index đạt 1.008,39 điểm (-0,86% so với tuần trước) còn HNX Index đạt 114,67 điểm (-1,38% so với tuần trước).
Chỉ số vẫn đang vận động mang tính tích lũy và ổn định mặt bằng giá trung hạn trên thị trường. Theo đó, chúng tôi kỳ vọng dòng tiền vẫn sẽ ổn định và theo đó mở ra cơ hội cho nhà đầu tư trên thị trường để tích lũy thêm những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt với nền tảng tài chỉnh ổn định và lành mạnh.
Mặc dù vậy, nhà đầu tư cũng cần chú ý đến sự vận động của dòng tiền ngắn hạn và quản trị việc sử dụng đòn bẩy, đồng thời tránh phân bổ quá nhiều tỷ trọng trong danh mục vào các cổ phiếu đầu cơ có rủi ro cao khi giá không vận động cùng với yếu tố cơ bản.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Thị trường trong tuần lên ngưỡng cao nhất 1024,68 điểm tiệm cận đường trung bình MA200, trong phiên cuối tuần ngày 5/10 thị trường đã điều chỉnh mạnh khi mất đi 15,23 điểm đóng cửa ở ngưỡng 1008,29 điểm. Tôi cho rằng thị trường hiện tại đã đạt đỉnh ngắn hạn ở mốc 1024,39 điểm và đang bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn trong tuần tới.
Nhiều khả năng thị trường sẽ chỉ điều chỉnh nhẹ về ngưỡng 1005 điểm và được nâng đỡ bởi đường MA20. Xu hướng chủ yếu sẽ là đi ngang tích lũy từ 1 đến 2 tuần trước khi bật tăng trở lại hướng đến đỉnh mới.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên Cứu Phân Tích, Chứng khoán Vietinbank
Ngưỡng điểm 1,025 là ngưỡng kháng cự ngắn hạn với một bộ phận lớn tâm lý các nhà đầu tư luôn trong trạng thái sẵn sàng bán ra và chốt lời kể từ khi VN-Index chinh phục ngưỡng điểm 1,000 thành công vào cuối tháng 9.
Về mặt kỹ thuật, thị trường đã bước vào tình trạng quá mua trong tuần giao dịch vừa qua nên một vài phiên điều chỉnh về lại trạng thái giao dịch cân bằng hơn là điều tất yếu. Bên cạnh đó, chỉ báo xu hướng trung hạn vẫn đang đi lên nên nhà đầu tư có thể yên tâm về xu hướng của VN-Index trong tuần giao dịch tới.
Tuy vậy, với nhận định thận trọng, chúng tôi cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh nhiều nhất là thêm một phiên giao dịch nữa và có thể thoái lui tiệm cận ngưỡng 1,000 điểm và tích lũy tại đây trong một vài phiên trước khi quay trở lại xu hướng tăng đón báo cáo kết quả kinh doanh Quý 3.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Ngoài yếu tố nội tại duy nhất là VN-Index đạt tới ngưỡng kháng cự như anh chị đã chỉ ra, yếu tố chi phối lớn nhất tuần này là những biến động mạnh của thị trường quốc tế, trong đó lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đột biến và thị trường chứng khoán Mỹ có nguy cơ điều chỉnh. Theo anh chị yếu tố bên ngoài liệu có tác động mạnh đến thị trường trong ngắn hạn?
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Thông tin FED tăng lãi suất vào cuối tháng 9 và những báo cáo về triển vọng tiêu cực của chiến tranh thương mại đang ngấm dần thị trường thế giới. Lãi suất trái phiếu 10 năm Mỹ tăng lên mức 3.2% kéo theo tâm lý lo ngại. Khối ngoại tiếp tục bán mạnh ở các thị trường khu vực ngoại trừ Nhật Bản, Maylaysia và Việt Nam. Chỉ số USD Index tăng so với hầu hết các đồng tiền các quốc gia.
Tôi cho rằng thông tin từ thế giới có thể sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường trong nước khi tâm lý chốt lãi đang trở lại ngay trước mùa kết quả kinh doanh quý 3 được công bố.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm xác lập mức cao nhất trong 7 năm qua khi giới đầu tư đang lo ngại về việc lạm phát sẽ tăng mạnh. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực lên diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số Dow Jones giảm 0.75% và rủi ro ngắn hạn cũng có chiều hướng tăng dần cho thấy chỉ số này có thể sẽ còn đối mặt với áp lực điều chỉnh ngắn hạn trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, khối ngoại có xu hướng bán ròng mạnh trên cả ba sàn nếu như chúng ta loại bỏ giá trị giao dịch thỏa thuận của Masan khi tình hình tỷ giá có dấu hiệu căng thẳng trở lại. Đồng thời, lượng bán ròng chủ yếu vào các cổ phiếu Largecaps như HPG, VCB – nơi dòng tiền P-Notes đang trú ẩn trong ngắn hạn.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Theo tôi việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh trong tuần qua (trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt đỉnh từ 2007) sẽ có tác động đến dòng vốn gián tiếp đổ vào thị trường mới nổi, từ đó ảnh hưởng đễn hành động của các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ khối này đã bán ròng mạnh trong những phiên giao dịch gần đây nếu không tính phần giao dịch thoả thuận cổ phiếu MSN.
Ngoài ra, việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán Mỹ, từ đó gia tăng áp lực tâm lý lên các nhà đầu tư trong nước.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên Cứu Phân Tích, Chứng khoán Vietinbank
Đúng là câu chuyện lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng đột biến trong tuần vừa qua có thể nhất thời gây nên tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán Mỹ khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam cũng bị ảnh hưởng theo. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá rằng những tác động này sẽ nhanh chóng qua đi trong bối cảnh tâm lý lạc quan trên thị trường nhìn chung vẫn đang chiếm ưu thế.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán vẫn luôn là một kênh đầu tư hấp dẫn với khả năng sinh lợi nhuận cao hơn hẳn so với thị trường trái phiếu. Do đó, thị trường chứng khoán sẽ luôn có thể thu hút được một lượng lớn dòng tiền tham gia với mong muốn tìm kiếm mức sinh lợi nhuận cao. Điều này lại càng đặc biệt đúng tại thị trường Việt Nam trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô vẫn đang rất ổn định và khối ngoại cũng đang hoạt động rất sôi nổi trong thời gian vừa qua.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Những yếu tố tác động bên ngoài này thực tế đã được thị trường đề cập ít nhiều trong thời gian qua. Do đó, ảnh hưởng của các yếu tố này có thể chỉ mang tính thời điểm và đã được phản ánh phần nào vào diễn biến giá. Theo tôi thị trường sẽ sớm tìm lại điểm cân bằng và đi lên với sự hỗ trợ của yếu tố tạo kỳ vọng trung dài hạn cho thị trường như mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán...
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Tuần này cũng chứng kiến giao dịch cực kỳ sôi động của nhà đầu tư nước ngoài và nếu MSN không được thỏa thuận lớn, khối ngoại đã bán ròng trên thị trường. Đây là động thái bình thường hay có yếu tố tác động gì từ bối cảnh quốc tế không?
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên Cứu Phân Tích, Chứng khoán Vietinbank
Theo nhận định của chúng tôi, việc khối ngoại bán ròng (không bao gồm giá trị giao dịch thỏa thuận) trong tuần vừa rồi là không đáng ngại do họ gần như đã mua ròng trong cả tháng 9 vừa qua với tổng giá trị mua ròng hơn 470 tỷ VND.
Ngoài ra, động thái giao dịch của khối ngoại tại nhóm cổ phiếu VN30 và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong ba tuần vừa qua là rất sôi động với những khoản giao dịch thỏa thuân "khủng" của MSN, VIC, HPG…. cho thấy thị trường Việt Nam vẫn đang tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn ngoại trong bối cảnh tình hình vĩ mô thế giới vẫn khá bất ổn.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Khối ngoại có với xu hướng bán ròng tại thời điểm hiện tại đến từ hai nguyên nhân chính, khi tình hình tỷ giá có dấu hiệu căng thẳng trở lại, những dòng tiền P- Notes của khối ngoại tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, HPG, DXG sẽ có xu hướng rút dần ra.
Ngoài ra việc thị trường tăng trưởng tích cực giai đoạn vừa qua dẫn đến rất nhiều các cổ phiếu tập trung lượng lớn dòng tiền như nhóm ngân hàng và dầu khí rơi vào trạng thái quá mua trong ngắn hạn. Do vậy việc khối ngoại quay trở lại bán ròng cũng không quá đáng ngại.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Rủi ro về chiến tranh thương mại và tỷ giá là vấn đề chung của rất nhiều nền kinh tế mới nổi và cận biên và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Mặc dù vậy, kể từ tháng 8 trở lại đây, giao dịch của khối ngoại đã cân bằng hơn. Áp lực thoái vốn không mạnh như giai đoạn tháng 4 đến tháng 7/2018. Cung cầu của khối ngoại nhiều khả năng sẽ tiếp tục có diễn biến cân bằng hơn trong ngắn hạn.
Mặt khác, cùng với sự ổn định của kinh tế vĩ mô hiện nay, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán ngày càng lớn, các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đã giành sự quan tâm lớn nhằm hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường là cơ sở để kỳ vọng thu hút thêm dòng vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm tới.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Như mới nói ở trên, việc bán ròng không phải là động thái bình thường mà đây là kết quả tác động của việc FED tiếp tục tăng lãi suất và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh trong tuần qua. Tôi cho rằng xu hướng bán ròng chưa thể chấm dứt ngay nếu lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Giao dịch của khối ngoại luôn luôn tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư nội. Việc khối này quay lại bán ròng mạnh sau vài phiên mua ròng trước đó kéo theo tâm lý chốt lời trên thị trường nhất là phiên cuối tuần qua.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Thị trường đã tăng trưởng đạt mục tiêu, anh chị chốt lời chưa, tỷ trọng còn lại như thế nào?
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tỷ trọng danh mục tổng của tôi hiện còn lại 20% cổ phiếu. Tôi dự định sẽ thực hiện giai ngân gia tăng tỷ trọng trở lại cho các vị thế ngắn hạn nếu thị trường giảm mạnh trong những tuần tới.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tỷ trọng danh mục ngắn hạn hiện tại của tôi là 60% cổ phiếu và 40% tiền mặt, tập trung vào việc cơ cấu lại danh mục hiện tại, chốt lời các cổ phiếu đã đạt được mục tiêu lợi nhuận. Tỷ trọng danh mục trung hạn 54% cổ phiếu và 46% tiền mặt nhịp điều chỉnh là cơ hôi để tích lũy thêm cổ phiếu.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Thực sự tôi kỳ vọng thị trường sẽ lên vùng 1.040 mới có nhịp điều chỉnh, tuy nhiên trong tuần rồi tôi đã bán khá nhiều khi nhận thấy thị trường yếu đi và thông tin về lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đạt đỉnh 10 năm. Tôi chuyển từ trạng thái lạc quan sang thận trọng và chỉ giữ 30% cổ phiếu trong giá trị danh mục.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên Cứu Phân Tích, Chứng khoán Vietinbank
Tôi vẫn giữ nguyên danh mục đầu tư của mình với 50% tỷ trọng danh mục tập trung cho các cổ phiếu cơ bản tiềm năng tốt và không quá 25% tỷ trọng danh mục cho hoạt động giao dịch ngắn han.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Phiên ngày thứ sáu cuối tuần thị trường bị chốt lời mạnh. Dòng cổ phiếu dầu khí là dòng dẫn dắt thị trường tăng điểm trong thời gian vừa qua cũng bị bán mạnh, PVD thậm chí sàn. Hiện thị trường vẫn ở xu hướng tăng tích lũy, tuy nhiên lực cản mạnh tại ngưỡng MA200 tương đương 1024 điểm vẫn chưa vượt qua.
Do đó, nhà đầu tư cần nên quan sát thêm. Nếu ngưỡng tâm lý 1000 điểm bị xuyên thủng thì cũng nên hạ tỷ trọng cổ phiếu xuống mức an toàn.