11:25 13/03/2022

Xu thế dòng tiền: Đón đầu lợi nhuận quý 1, có nên bắt đáy cổ phiếu hàng hóa?

Nguyễn Hoàng

Diễn biến đáng chú ý nhất tuần qua là những phiên điều chỉnh khá mạnh ở các cổ phiếu hàng hóa cơ bản, khi áp lực chốt lời dâng cao đúng thời điểm giá hàng hóa thế giới cũng đồng loạt điều chỉnh...

Các chuyên gia cho rằng VN-Index có triển vọng kiểm định lại đáy ngắn hạn đầu năm.
Các chuyên gia cho rằng VN-Index có triển vọng kiểm định lại đáy ngắn hạn đầu năm.

Diễn biến đáng chú ý nhất tuần qua là những phiên điều chỉnh khá mạnh ở các cổ phiếu hàng hóa cơ bản, khi áp lực chốt lời dâng cao đúng thời điểm giá hàng hóa thế giới cũng đồng loạt điều chỉnh.

Mặc dù đồng thuận rất cao rằng lợi nhuận quý 1/2022 của nhiều cổ phiếu hàng hóa cơ bản sẽ rất tốt do giá sản phẩm tăng, doanh thu cao, nhưng các chuyên gia lại không hoàn toàn cho rằng nên bắt đáy nhóm này.

Quan điểm lạc quan cho rằng với mặt bằng giá hàng hóa đang rất cao, khả năng rất lớn lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng cơ bản sẽ có lợi nhuận tốt và nhịp điều chỉnh ngắn hạn chỉ là biến động thông thường, nhà đầu tư có thể quan tâm bắt đáy chọn lọc cổ phiếu.

Quan điểm thận trọng cho rằng giai đoạn bùng phát giá của cổ phiếu hàng hóa đã qua và hiện tại trở nên phân hóa. Lợi nhuận tiềm năng của doanh nghiệp chưa chắc đã tương xứng với mức tăng của giá và các nhóm cổ phiếu này cần yếu tố hỗ trợ cụ thể hơn. Mặt khác, biến động giá hàng hóa thế giới là yếu tố rất khó lường nên các cổ phiếu phụ thuộc quá nhiều vào biến động này cũng trở nên rủi ro.

Đánh giá về triển vọng thị trường ngắn hạn, các chuyên gia khá thống nhất về rủi ro điều chỉnh tiếp và VN-Index kiểm định lại đáy ngắn hạn, hơn là tăng lên. Phía trước tuy có triển vọng kết quả kinh doanh quý 1 nhưng thời gian vẫn còn khá dài. Mặt khác trong tháng 3 thị trường sẽ phản ứng với quyết định tăng lãi suất của FED. Hiện dòng tiền không mạnh và lại phân hóa theo nhóm ngành, nên động lực tăng trưởng ngắn hạn cũng giảm xuống.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Tuần trước anh chị có khuyến nghị không nên mua đuổi với các cổ phiếu hàng hóa đã tăng mạnh là chính xác. Khá nhiều cổ phiếu đã điều chỉnh mạnh về cuối tuần. Theo anh chị liệu có nên bắt đáy lúc này, hay chờ những cổ phiếu này giảm thêm?

 
Xu thế dòng tiền: Đón đầu lợi nhuận quý 1, có nên bắt đáy cổ phiếu hàng hóa? - Ảnh 1

Biến động giá cổ phiếu ở nhóm này phụ thuộc chính vào diễn biến giá hàng hoá nguyên vật liệu vốn đang chịu tác động mạnh bởi xung đột địa chính trị Nga – Ukraine, một yếu tố mà hiện tại không ai có thể dự báo chính xác diễn biến trong thời gian tới. Xét về mặt định giá, nếu mặt bằng giá hàng hoá nguyên vật liệu neo ở mức hiện tại trong 2, 3 quý tới thì hầu hết các cổ phiếu hàng hoá còn dự địa tăng tương đối lớn nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, cá nhân tôi lựa chọn đứng ngoài nhóm cổ phiếu này vì nhiều yếu tố bất định khó dự đoán.

Ông Trần Đức Anh

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi tùy vào từng mã cổ phiếu nếu cổ phiếu đã chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh nhà đầu tư có thể cân nhắc tham gia bắt từng phần và gia tăng khi cổ phiếu đảo chiều bật tăng lại. Tôi nghĩ đoạn này chỉ là nhịp điều chỉnh của các cổ phiếu hàng hóa cơ bản và khả năng cao sẽ quay lại nhịp tăng mới vào tuần sau.

Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Trước tình hình căng thẳng cuộc chiến giữa Nga- Ukraine, giá nhiều nguyên vật liệu tăng cao, như giá: dầu, thép, than, khí đốt, lương thực, thực phẩm,… nên nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn ở nguồn nguyên liệu đầu vào, khiến chi phí sản xuất tăng, biên lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng mạnh.

Ngược lại, cũng có một số doanh nghiệp về phân bón, hóa chất, thủy sản, công nghệ, vận tải... sẽ đạt được một số thuận lợi nhất định, khiến giá cổ phiếu cũng đã tăng khá giai đoạn vừa qua. Trái với diễn biến giá cổ phiếu, tôi không cho rằng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có thể tăng nhanh theo diễn biến giá hàng hóa.

Tôi kỳ vọng tâm lý nhà đầu tư sẽ ổn định và thị trường có thể phục hồi trở lại vào thời gian cuối tháng, khi các thông tin về kết quả kinh doanh Q1/2022 - mà chúng tôi tin rằng vẫn khả quan ở nhiều ngành ngh - dần được hé lộ. Các số liệu kinh tế vẫn đang cho thấy sự phục hồi ổn định của lĩnh sản xuất – công nghiệp, thể hiện qua chỉ số PMI duy trì trên mức 50 điểm đồng thời tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp đã phục hồi về mức tương đương mức tăng trước đại dịch. Một số cổ phiếu được kỳ vọng tốt, cơ bản ổn, nhà đầu tư có thể canh những phiên điều chỉnh để mua như HND, QTP, DRC, STK, PNJ, VCB, TCB, ACB và MBB.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Chúng ta biết rằng trong ngắn hạn diễn biến của một cổ phiếu hay một nhóm cổ phiếu thường chịu sự chi phối lớn bởi tâm lý kỳ vọng. Điều này rất đúng trong giai đoạn vừa qua với các cổ phiếu hàng hóa cơ bản như dầu khí, phân bón, hóa chất, khai khoáng... khi giá hàng hóa liên tục tăng cao bởi xúc tác từ cuộc chiến Ukraine - Nga, đã lôi kéo dòng tiền nóng tham gia và đẩy giá cổ phiếu nhóm này tăng nhanh và mạnh.

Tuy nhiên, để duy trì được đà tăng trong trung và dài hạn thì cổ phiếu hoặc nhóm cổ phiếu đó cần có yếu tốt cơ bản thực sự triển vọng. Sau khi cao trào đi qua thì sẽ tới giai đoạn phân hóa, và chỉ còn một số cổ phiếu thực sự tiềm năng giữ được đà tăng. Theo tôi, trong tuần tới mặc dù cơ hội bắt đáy có thể sẽ xuất hiện ở nhóm cổ phiếu này sau khi có mức chiết khấu tốt, nhưng cơ hội không phải dành cho tất cả mà còn phụ thuộc vào yếu tố cơ bản của từng cổ phiếu.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Việc có nên bắt đáy cổ phiếu hàng hoá ở thời điểm hiện tại phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư. Thực tế là biến động giá cổ phiếu ở nhóm này phụ thuộc chính vào diễn biến giá hàng hoá nguyên vật liệu vốn đang chịu tác động mạnh bởi xung đột địa chính trị Nga – Ukraine, một yếu tố mà hiện tại không ai có thể dự báo chính xác diễn biến trong thời gian tới.

Xét về mặt định giá, nếu mặt bằng giá hàng hoá nguyên vật liệu neo ở mức hiện tại trong 2, 3 quý tới thì hầu hết các cổ phiếu hàng hoá còn dự địa tăng tương đối lớn nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, cá nhân tôi lựa chọn đứng ngoài nhóm cổ phiếu này vì nhiều yếu tố bất định khó dự đoán.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Cho dù thị trường đang diễn biến xấu, áp lực điều chỉnh gia tăng nhưng vẫn có những cơ hội nhất định ở nhiều nhóm cổ phiếu cơ bản. Cơ hội bắt đáy cho các nhà đầu tư ở các phiên điều chỉnh của thị trường. Một lần nữa tôi phải nhấn mạnh là bắt đáy cần đúng cổ phiếu lựa chọn chọn cẩn thận.

 
Xu thế dòng tiền: Đón đầu lợi nhuận quý 1, có nên bắt đáy cổ phiếu hàng hóa? - Ảnh 3

Một số doanh nghiệp về phân bón, hóa chất, thủy sản, công nghệ, vận tải... sẽ đạt được một số thuận lợi nhất định, khiến giá cổ phiếu cũng đã tăng khá giai đoạn vừa qua. Trái với diễn biến giá cổ phiếu, tôi không cho rằng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có thể tăng nhanh theo diễn biến giá hàng hóa.

Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên

Nguyễn HoàngVnEconomy

VN-Index điều chỉnh khá mạnh tuần này, thay vì tiến tới kiểm định đỉnh cao lịch sử thì chỉ số có nguy cơ test đáy đầu năm. Nhóm blue-chips rất yếu là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm, còn cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tăng khá tốt. Thanh khoản với các blue-chips như trong nhóm VN30 cũng sụt giảm nghiêm trọng. Liệu đây có phải hiệu ứng của việc dòng tiền dịch chuyển khỏi nhóm này, hay vì nguyên nhân nào khác?

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Tôi đã từng chia sẻ nhiều về dự báo rằng VN-Index có ít cơ hội để tăng vượt đỉnh lịch sử bởi yếu tố dòng tiền ở thời điểm hiện tại không đủ sức để giúp thị trường đi xa tới vậy.

Đồng thời, ngoài việc đồng quan điểm với nhận định VN-Index suy yếu bởi tác động từ VN30 do dòng tiền tham gia nhóm này liên tục sụt giảm từ đỉnh tháng 6/2021 tới nay, thì tôi còn cho rằng nguyên nhân kế tiếp tới từ việc bán ròng liên tục của khối nhà đầu tư nước ngoài, khi nhóm này vẫn duy trì trạng thái bán ròng lớn trong tuần qua, với giá trị bán ròng trên HOSE là hơn 5,7 ngàn tỷ đồng.

Nhìn chung lại, tôi nhận thấy VN-Index có thể chịu nguy cơ “test” đáy đầu năm là bởi dòng tiền có dấu hiệu thoát bớt khỏi thị trường sau khi nhà đầu tư đang cảm nhận dần rủi ro với các chính sách thay đổi lãi suất từ các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi thấy nhóm VN30 vẫn đang phản ứng xấu và áp lực bán ở nhóm này vẫn tiếp diễn, dẫn tới việc nên chú ý đầu tư ở nhóm ngoài VN30 hoặc các cổ phiếu vừa và nhỏ. Dòng tiền có xu hướng chuyển từ nhóm VN30 sang các cổ phiếu khác.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Tôi không cho rằng đây là hiệu ứng của dòng tiền đang rút lui khỏi nhóm cổ phiếu blue-chips mà nguyên nhân chính đến từ ảnh hưởng ở nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng và bộ 3 cổ phiếu VIC. Với việc 2 nhóm này đang chiếm tỷ trọng chi phối trong rổ VN30, việc các cổ phiếu này đang không thu hút được sự quan tâm của dòng tiền với diễn biến về giá nhìn chung khá tiêu cực là nguyên nhân chính khiến thanh khoản nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 sụt giảm nghiêm trọng.

 
Xu thế dòng tiền: Đón đầu lợi nhuận quý 1, có nên bắt đáy cổ phiếu hàng hóa? - Ảnh 4

Tôi vẫn đánh giá cao các cổ phiếu phòng thủ hoặc hưởng lợi từ chu kỳ lạm phát cao hiện tại, và cũng không ngoại trừ nhóm cổ phiếu hàng hóa. Mặc dù vậy, sự phân hóa sẽ xuất hiện và chỉ những cổ phiếu thực sự triển vọng, được thể hiện qua kết quả báo cáo quý 1 thì mới có cơ hội.

Ông Nguyễn Văn Sơn

Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Nhóm VN30 bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nhóm: ngân hàng, dầu khí, và một số cổ phiếu nhóm ngành khác (bất động sản, công nghệ,…)

Riêng nhóm Ngân hàng chịu áp lực bán trong giai doạn cuối tháng 2 và đầu tháng 3 khi tình hình căng thẳng chính trị leo thang. Yếu tố này tạo áp lực lên dòng vốn ngoại khi nhóm này quay đầu bán ròng mạnh trong tuần cuối tháng 2 với giá trị bán ròng là 395 tỷ trong khi đang duy trì đà mua ròng tốt với giá trị là 466 tỷ trong tuần thứ 2 và thứ 3 của tháng 2. Điều này là không quá bất ngờ khi đi cùng với xu hướng chung của cổ phiếu ngân hàng ở các quốc gia phát triển.

Theo đánh giá của chúng tôi, triển vọng 2022 của nhóm Ngân hàng vẫn lạc quan với mức tăng trưởng 2022F ở mức 34% và không chịu quá nhiều tác động trước những hình phạt đối với Nga khi dư nợ không lớn. Do đó, tôi tin tưởng vào sự hồi phục trong giá cổ phiếu của nhóm Ngân hàng khi câu chuyện tăng trưởng sẽ dần rõ nét hơn trong giai đoạn 2H 2022 dưới góc độ dài hạn hơn.

Nhóm Dầu khí thì theo đánh giá của chúng tôi thì dư địa tăng giá không nhiều khi giá cổ phiếu đã phản ánh thông tin về căng thẳng chính trị và giá dầu theo quan điểm của chúng tôi là sẽ dần hạ nhiệt trở lại.

Xét về mức tác động lên ngành dầu khí Việt Nam, nếu các doanh nghiệp dầu khí Nga bị cấm vận, chúng tôi cho rằng rủi ro tổng thể là không quá lớn khi các dự án có vốn đầu tư từ các tập đoàn dầu khí Nga chủ yếu là những dự án nhỏ và ở giai đoạn đầu. Lệnh cấm vận nếu có sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động thăm dò tìm kiếm trong ngắn hạn nhưng về dài hạn sẽ tiềm ẩm nhiều hạn chế trong việc triển khai các dự án.

Với việc giá dầu tăng mạnh, chúng tôi nhận thấy hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp vẫn sẽ được hưởng lợi theo đà tăng của giá bán như các doanh nghiệp sản xuất trung và hạ nguồn.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi nguyên nhân dòng tiền blue-chips yếu là do: i)Dòng tiền dịch chuyển tham gia vào các nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản, các cổ phiếu vừa và nhỏ hút dòng tiền nơi đem lại lợi nhuận cao và nhanh trong khi các cổ phiếu blue-chips khá nặng và đem lại luận nhập thấp thậm chí thua lỗ; ii) Dòng tiền tham gia thị trường hiện tại khá yếu nên các cổ phiếu blue-chips không phải là khẩu vị ưa thích.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Quý 1/2022 sắp kết thúc nhưng phải đến tháng 4 thị trường mới có thể đón nhận thông tin này, nghĩa là thời gian tới đây vẫn là khoảng trống thông tin. Theo anh chị liệu thị trường có tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn, biên độ như thế nào?

 
Xu thế dòng tiền: Đón đầu lợi nhuận quý 1, có nên bắt đáy cổ phiếu hàng hóa? - Ảnh 5

Giai đoạn này thị trường khá trống thông tin tích cực thậm chí còn nhiều thông tin tiêu cực: lo ngại về lạm phát, địa chính trị... Nhưng thị trường Việt Nam hiện vẫn đang thể hiện tích cực hơn nhiều thị trường khác. Giai đoạn tới tôi nghĩ nếu không có thông tin gì tích cực thị trường sẽ thiên về kịch bản “swing” trong biên độ 1420-1520 điểm.

Ông Nguyễn Việt Quang

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Trong ngắn hạn, với việc thông tin trong nước tương đối trầm lắng, thị trường sẽ tiếp tục chịu sự chi phối bởi diễn biến chứng khoán toàn cầu dưới ảnh hưởng của thông tin liên quan đến việc FED tăng lãi suất trong tuần tới và xung đột Nga – Ukraine cũng như biến động giá các loại hàng hoá.

Rủi ro điều chỉnh của thị trường vẫn hiện hữu, tuy nhiên tôi không cho rằng thị trường sẽ còn điều chỉnh sâu từ vùng giá hiện tại khi mà phần lớn các cổ phiếu vốn hoá lớn, cơ bản, tiềm năng tăng trưởng tốt đã bị chiết khấu về vùng giá đủ hấp dẫn để thu hút dòng tiền.

Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Tôi kỳ vọng tâm lý nhà đầu tư sẽ ổn định và thị trường có thể phục hồi trở lại vào thời gian cuối tháng, khi các thông tin về lợi nhuận Q1/2022, mà chúng tôi tin rằng vẫn khả quan ở nhiều ngành nghề, dần được hé lộ. Các số liệu kinh tế vẫn đang cho thấy sự phục hồi ổn định của lĩnh sản xuất – công nghiệp, thể hiện qua chỉ số PMI duy trì trên mức 50 điểm đồng thời tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp đã phục hồi về mức tương đương mức tăng trước đại dịch. Nên khả năng trong ngắn hạn, VN-Index sẽ tiếp tục đi ngang quanh mức 1450-1500 điểm, và sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các doanh nghiệp khi kết quả kinh doanh dần dần hé lộ.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Trong phần còn lại của tháng 3, chúng ta cần chú ý tới thông tin là FED sẽ có cuộc họp quan trọng, và theo nhiều dự báo gần như chắc chắn cơ quan này sẽ có lần nâng lãi suất đầu tiên sau giai đoạn duy trì lãi suất gần 0 bởi đại dịch Covid-19.

Theo tôi, thị trường chứng khoán luôn có sự nhạy cảm cao với các biến động lãi suất và nhất là lần thay đổi đầu tiên cho một chu kỳ ngược lại. Tuy nhiên, do việc điều chỉnh của Fed đã được dự báo từ trước, nên có thể sẽ chỉ tác động nhất định đến thị trường. Nhìn chung, thị trường có thể tiếp tục chịu sức ép trong ngắn hạn, với vùng hỗ trợ gần quanh vùng 1.400 – 1.420 điểm (đỉnh tháng 6/2021).

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Giai đoạn này thị trường khá trống thông tin tích cực thậm chí còn nhiều thông tin tiêu cực: lo ngại về lạm phát, địa chính trị... Nhưng thị trường Việt Nam hiện vẫn đang thể hiện tích cực hơn nhiều thị trường khác. Giai đoạn tới tôi nghĩ nếu không có thông tin gì tích cực thị trường sẽ thiên về kịch bản “swing” trong biên độ 1420-1520 điểm.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi cho rằng thị trường đang điều chỉnh nhưng không quá tệ bởi việc giảm điểm không diễn ra đồng loạt nhiều mã cổ phiếu. Thị trường cần thêm thời gian điều chỉnh và cần thêm những thông tin đủ mạnh để nâng đỡ trong ngắn hạn.

 
Xu thế dòng tiền: Đón đầu lợi nhuận quý 1, có nên bắt đáy cổ phiếu hàng hóa? - Ảnh 6

Tôi thấy nhóm VN30 vẫn đang phản ứng xấu và áp lực bán ở nhóm này vẫn tiếp diễn, dẫn tới việc nên chú ý đầu tư ở nhóm ngoài VN30 hoặc các cổ phiếu vừa và nhỏ.

Ông Lê Đức Khánh

Nguyễn HoàngVnEconomy

Đây là thời điểm có thể chọn lựa cổ phiếu đón đầu mùa báo cáo tài chính quý 1/2022. Anh chị quan tâm đến những nhóm cổ phiếu nào, liệu nhóm cổ phiếu hàng hóa có triển vọng lợi nhuận đột biến như thị trường kỳ vọng?

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tôi vẫn quan tâm trọng điểm đến nhóm cổ phiếu hàng hóa và khả năng cao nhóm này sẽ có tăng trưởng lợi nhuận trong quý 1. Ngoài ra tôi còn chú ý tới nhóm Ngân hàng khi nhiều cổ phiếu đã về nền hỗ trợ mạnh.

Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh sau các biện áp trừng phạt đối với hệ thống ngân hàng Nga. Dù vậy, xét về yếu tố cơ bản, chúng tôi cho rằng tác động sẽ không đáng kể khi mà dư nợ liên quan từ hai phía là không đáng kể. Do vậy, chúng tôi vẫn duy trì dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 và 2023 lần lượt là 34% và 19% YoY. Tâm lý phòng vệ rủi ro có thể khiến giá cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực sụt giảm tạm thời về vùng hấp dẫn cho mục đích đầu tư trung – dài hạn. Cổ phiếu ngân hàng ưa thích của chúng tôi bao gồm VCB, TCB, ACB và MBB.

Hoặc một số doanh nghiệp sản xuất mà sản lượng xuất khẩu không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh Nga – Ukraine. Sản lượng dự báo trưởng YoY năm 2022. Biên LNG được duy trì tốt nhờ khả năng thương lượng của công ty trong một số sản phẩm xuất khẩu như DRC; Hoặc doanh nghiệp bán lẻ có lợi thế về thương hiệu, tài chính mạnh, chiến lược tinh gọn nhóm cửa hàng, marketing hợp lý, hệ thống quản trị cao cấp như PNJ.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Ở thời điểm hiện tại tôi quan tâm đến nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin, dệt may với kỳ vọng các yếu tố vĩ mô thuận lợi sẽ phản ánh vào tăng trưởng bền vững trong kết quả kinh doanh. Đối với nhóm cổ phiếu hàng hoá, gần như chắc chắn lợi nhuận nhóm này trong quý 1 sẽ tăng trưởng mạnh nhờ diễn biến tăng của giá hàng hoá nguyên vật liệu cũng như sản lượng tiêu thụ đạt mức cao.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Như những gì chia sẻ ở trên, tôi cho rằng đang có ít cơ hội lựa chọn hơn ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, xét tới các cơ hội khi thị trường bước qua giai đoạn điều chỉnh, thì tôi vẫn đánh giá cao các cổ phiếu phòng thủ hoặc hưởng lợi từ chu kỳ lạm phát cao hiện tại, và cũng không ngoại trừ nhóm cổ phiếu hàng hóa. Mặc dù vậy, sự phân hóa sẽ xuất hiện và chỉ những cổ phiếu thực sự triển vọng, được thể hiện qua kết quả báo cáo quý 1 thì mới có cơ hội.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi cho rằng câu chuyện vẫn là thời điểm lựa chọn cổ phiếu hơn là việc quan tâm đến thị trường chung. Có lẽ nhóm thủy sản, dệt may, cảng biển, bảo hiểm, bất động sản khu công nghiệp, hóa chất, phân bón, dược phẩm và nhóm năng lượng vẫn là nhóm thu hút dòng tiền giai đoạn này.