Xu thế dòng tiền: Sóng giảm 4 đã kết thúc?
Thị trường có tuần phục hồi mạnh bất ngờ 6,7% và hàn gắn lại đáng kể cú sốc giảm hơn 200 điểm trước đó. Đà phục hồi mạnh mẽ này đang củng cố quan điểm lạc quan rằng sóng giảm 4 đã kết thúc
Thị trường có tuần phục hồi mạnh bất ngờ 6,7% và hàn gắn lại đáng kể cú sốc giảm hơn 200 điểm trước đó. Đà phục hồi mạnh mẽ này đang củng cố quan điểm lạc quan rằng sóng giảm 4 đã kết thúc.
Tuy nhiên không phải tất cả các chuyên gia đều đồng ý như vậy. Chỉ có 1 ý kiến cho rằng , tín hiệu báo thị trường kết thúc sóng điều chỉnh 4 để vào sóng tăng 5 trong dài hạn đã trở nên khá chắc chắn. Các ý kiến còn lại vẫn thận trọng khi cho rằng thị trường thực tế vẫn chỉ là đang trong nhịp hồi bình thường sau khi đã đạt đỉnh 1.200 điểm ở VN-Index.
Các ý kiến thận trọng chờ đợi thị trường kiểm chứng thêm trong nhịp điều chỉnh hoặc tích lũy, hoặc trong tình huống tốt là vượt thành công ngưỡng 1.200 điểm.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thị trường đang chậm lại những ngày gần Tết. Tuy nhiên "thông lệ" là sau Tết thị trường thường tăng, duy nhất năm 2020 vừa qua là dịch bệnh khiến thị trường khác biệt. Liệu sau Tết anh chị đánh giá thị trường có tích cực hơn, đâu là các rủi ro trong kỳ nghỉ mà anh chị lo lắng?
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Thị trường đang hồi phục khá tốt tuần vừa qua sau chuỗi phiên điều chỉnh mạnh. Thị trường đã trải qua giai đoạn tồi tệ đầu tiên của năm 2021 nhưng trong bối cảnh chung những điểm tích cực vẫn chiếm ưu thế. Theo tôi có lẽ trái ngược với đầu năm 2020 thì năm nay thị trường sẽ khởi sắc hơn. Rủi ro duy nhất có lẽ là mối đe dọa lây nhiễm Covid 19 trên diện rộng ở Việt Nam. Điều này ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi thị trường nhịp gần tết đã hồi phục rất mạnh nên khả năng ra tết thị trường cần có nhịp chỉnh hoặc tích lũy trở lại mới có thể bứt được vùng đỉnh 1.200 điểm.
Rủi ro hiện tại sau kỳ nghỉ tết đó là thời gian nghỉ tết dài trong khi nhiều nền kinh tế lớn vẫn hoạt động nếu các chỉ số lớn như DJ mà có sự sụt giảm mạnh sẽ dẫn đến tâm lý hoảng loạn khi ra tết.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Thông lệ tăng sau Tết đã kéo dài trong nhiều năm, theo ý kiến của tôi, năm nay cũng không phải là ngoại lệ. Chứng khoán vẫn đang là kênh đầu tư hấp dẫn và thu hút sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội. Câu chuyện về đà thăng hoa của thị trường trong nửa cuối năm 2020 sẽ tiếp tục len lỏi trong các cuộc họp mặt đầu năm, mâm cơm gia đình, v.v…
Về rủi ro có thể xuất hiện trong kỳ nghỉ, vấn đề đáng quan tâm nhất vẫn là diễn biến dịch Covid-19 với nguy cơ phải tiến hành giãn cách xã hội trên quy mô lớn tạo tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Ngoài ra, lãi suất huy động tại các ngân hàng bắt đầu rục rịch tăng cũng là vấn đề cần theo dõi.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Thị trường đang trong nhịp phục hồi có thể nói là ngoài sức mong đợi của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư đã mạnh dạn bắt đáy. Bên cạnh đó, nhịp phục hồi này còn được hỗ trợ từ chứng khoán thế giới khi một số thị trường lớn đã vượt đỉnh lịch sử hoặc đang retest đỉnh lịch sử với triển vọng tích cực.
Do vậy, nhìn cả yếu tố trong và ngoài nước lúc này, thị trường có nhiều dấu hiệu tích cực sau tết âm lịch mặc dù trong khoảng thời gian nghỉ giao dịch có thể có yếu tố bất ngờ. Các rủ ro trong kỳ nghỉ mà nhà đầu tư có thể vẫn quan tâm là thông tin về dịch bệnh trong nước, thị trường chứng khoán thế giới liệu sau khi vượt đỉnh lịch sử có pha điều chỉnh để kiểm định lại các mức đỉnh vừa qua thành công hay không,.v.v….
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Tuần qua diễn biến lãi suất liên ngân hàng có sự thay đổi đáng chú ý khi lãi suất tăng trở lại. Theo anh chị đó là diễn biến mang tính mùa vụ, hay báo hiệu chu kỳ lãi suất đã chạm đáy và bình thường trở lại. Nếu lãi suất tăng lên, điều này có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng nếu lãi suất tạo đáy tăng trở lại thì cần thêm thời gian, đây chỉ là tín hiệu ngắn hạn khi tiền trong hệ thống ngân hàng vẫn đang rất dồi dào và ngân hàng chưa cần tăng lãi suất để hút tiền về.
Nếu lãi suất ngân hàng đảo chiều xu hướng tạo xu hướng tăng mới sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường chứng khoán vì dòng tiền sẽ có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường chứng khoán và quay lại hệ thống ngân hàng. Khi thị trường bị thiếu dòng tiền nãy sẽ rất dễ có nhịp giảm mạnh.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Theo tôi, diễn biến lãi suất liên ngân hàng trong tuần vừa qua chỉ mang tính thời vụ, trong thời gian ngắn chứ không phải là dấu hiệu cho thấy lãi suất sẽ tăng trở lại.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, chỉ riêng trong tuần đầu tháng 2/2021, cơ quan này phải bơm hơn 24.000 tỷ đồng ra thị trường để hỗ trợ hệ thống trong mùa cao điểm sát Tết Âm lịch. Do vậy, dòng tiền sẽ sớm trở lại với độ trễ khoảng một 1 tháng sau Tết Âm lịch. Nhiều ngân hàng tiếp tục duy trì lãi suất tiết kiệm ở mức thấp như tháng liền trước. Thậm chí, tại một số kỳ hạn còn có sự điều chỉnh giảm nhẹ. Các ngân hàng Trung ương trên thế giới, trong đó có Fed vẫn chưa cho thấy các dấu hiệu sẽ tăng lãi suất hoặc bình thường hóa trở lại, do đó Việt Nam vẫn đi theo xu hướng chung này.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Giai đoạn cuối năm 2020 có thể nói lãi suất liên ngân hàng thấp chưa từng thấy – đây được coi là hỗ trợ lãi suất phát hành và qua đó lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng giảm mạnh với dự báo nguồn cung trái phiếu tăng manh so với 2020.
Đây có thể báo hiệu chu kỳ lãi suất đã chạm đáy và có thể tăng lại, nhưng không phải là yếu tố có thể ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán. Chính sách tiền tệ nới lỏng có thể tiếp tục đến ít nhất đến giữa năm 2021 vẫn là động lực lớn cho thị trường tăng điểm.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Tết là thời điểm nhiều gia đình phát sinh nhu cầu tiêu dùng cao nhất trong năm, việc lãi suất thường tăng nhẹ trước Tết là việc hoàn toàn bình thường và chỉ mang tính mùa vụ. Thông thường lãi suất sẽ bắt đầu quay đầu giảm về mức cân bằng sau Tết.
Trong trường hợp lãi suất tiếp tục tăng sau Tết, một phần tiền từ thị trường chứng khoán có thể bị hút ngược trở lại kênh tiết kiệm. Dòng tiền rút ra có thể từ các nhà đầu tư cá nhân và các tổ chức kinh tế rút tiền ra để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh. Thị trường chứng khoán sẽ chứng kiến làn sóng chốt lời mạnh trước khi ổn định trở lại.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Dòng vốn ngoại đã có cải thiện trong tháng 1, đặc biệt là tuần cuối tháng 1 và tuần đầu tháng 2/2021 đã quay lại mua ròng. Diễn biến này có thể xem là tín hiệu bền vững hơn về cơ hội dòng vốn này đảo chiều mua ròng trở lại hay không?
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Thị trường vừa trải qua giai đoạn mà khối ngoại có hoạt động bán ròng mạnh nhất trong 10 năm vừa qua. Tuy nhiên, kể từ tuần cuối tháng 1 cho tới nay, hoạt động động mua ròng đã bắt đầu trở lại ở một số cổ phiếu lớn, đặc biệt là ở các quỹ ETF nội. Diễn biến mua ròng này được thể hiện rõ nét ở các quỹ ETF hơn là ở các cổ phiếu trên sàn.
Theo số liệu thống kê, kể từ đầu năm cho tới nay, dòng vốn ngoại vào các quỹ ETF đạt 19,2 triệu USD trong khi khối ngoại vẫn bán ròng khoảng 112 triệu USD trên sàn niêm yết. Do vậy, tính chung toàn thị trường, dòng vốn ngoại vẫn chưa có sự đảo chiều và cần theo dõi thêm, trong khi xu hướng mua ròng ở các quỹ ETF vẫn sẽ tiếp tục như đã diễn ra trong năm 2020.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Khối ngoại đã duy trì việc mua ròng khá đều đặn từ nửa đầu tháng 1 – thời điểm thị trường chứng kiến biến động rất mạnh từ nhu cầu chốt lời và sự quay lại của dịch của dịch Covid-19. Đây là bằng chứng thể hiện rõ niềm tin vào khả năng chống dịch và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Do đó, theo tôi, xu hướng mua ròng của khối ngoại sẽ tiếp tục được duy trì bền vững.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
VN-Index cũng đã đi được gần nửa chặng đường quý I/2021 và đang đối diện với kỳ review danh mục các quỹ đầu tư theo chỉ số, ETFs đầu tiên. Tín hiệu mua ròng của khối ngoại từ cuối tháng 1 và đặc biệt là đầu tháng 2 (khoảng 1,000 tỷ đồng) là rất đáng chú ý.
Tôi nghĩ có thể xu hướng bán ròng của khối ngoại từ tháng 2 năm ngoái đến nay có thể đã đảo chiều. Nhưng chúng ta vẫn chưa thể hoàn toàn tin tưởng vào chỉ báo này mà chú ý nhiều hơn đến thanh khoản chung, nhất là giao dịch của khối nội trong hiện tại.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi dòng vốn ngoại họ sẽ thiên về đầu tư hơn nên khi các cổ phiếu lớn giảm về vùng giá hợp lý và chiết khấu mạnh khối ngoại sẽ tham gia giải ngân. Nhưng họ đầu tư thiên về dài hạn nên việc tiếp tục tham gia giải ngân khi cổ phiếu đã lên vùng nền giá cao là thấp.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Về mặt kỹ thuật, VN-Index đã phục hồi mạnh và rõ rệt kể từ đáy 1.000 điểm so với tuần trước. Liệu các diễn biến mới này đã đủ để xác nhận thị trường kết thúc sóng giảm 4 để bước vào sóng tăng kế tiếp?
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Sóng 4 điều chỉnh nếu theo một số quan điểm phân tích kỹ thuật được coi là sát thì vẫn chưa được coi là đã kết thúc. Đáy sâu nhất của VN-Index đã chạm tới tuần trước là 1,000 điểm nhưng giai đoạn điều chỉnh nên là những phiên hồi và điều chỉnh ở biên độ "hẹp hơn" +/- 15 20 điểm hình thành mẫu hình tam giác hoặc "flag pennant" cờ đuôi nheo rồi sau đó mới tăng tiếp.
Theo tôi có lẽ sóng tăng tiếp sẽ diễn ra sau 1 nhịp điều chỉnh tích lũy ngắn nữa. Nhưng điều này không quá quan trọng bởi xu hướng thị trường quay lại ngưỡng 1.200 điểm đã rõ.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Về mặt kỹ thuật, lượng hàng bắt đáy khi chỉ số rơi về vùng 1.000 đã được hấp thụ tốt trong các phiên cuối tuần qua. Cùng với việc chỉ báo Parabolic Sar đã chuyển sang chỉ báo Mua, đường MACD có xu hướng cắt lên ngưỡng 0, tín hiệu báo thị trường kết thúc sóng điều chỉnh 4 để vào sóng tăng 5 trong dài hạn đã trở nên khá chắc chắn.
Tuy vậy, việc chỉ số áp sát đường Bollinger Band Middle có thể làm chậm lại đà tăng của thị trường trong ngắn hạn, và sự bùng nổ của thị trường nhiều khả năng sẽ diễn ra sau Tết.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi vẫn chưa thể nhận định là thị trường đã kết thúc sóng giảm khi trong ngắn hạn thị trường vẫn đang ở trong xu hướng giảm, giờ kết luận thị trường bước vào sóng tăng mới vẫn là quá sớm.
Hiện tại nếu thị trường không có giai đoạn nghỉ ngơi tích lũy lại để lấy đà tăng tiếp thi khả năng thị trường quay đầu trở lại vẫn là rất cao.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index vẫn đang trong nhịp phục hồi kể từ đáy 1.000 điểm và chưa đủ cơ sở để xác nhận liệu thị trường đã kết thúc sóng giảm 4 để bước vào sóng tăng tiếp hay chưa.
Hiện tại, thị trường đã có đỉnh ngắn hạn (cũng là đỉnh lịch sử 1.200 điểm) và đỉnh của dòng tiền. Để bước vào sóng tăng kế tiếp, hoặc là thị trường phải có sự xác nhận vượt 1 trong 2 đỉnh này hoặc đồng thời cả 2 đỉnh về chỉ số và dòng tiền.