Xu thế dòng tiền: Thanh khoản tăng vọt chưa đáng ngại, cơ hội đi tiếp vẫn còn?
Tín hiệu phục hồi cuối tuần qua đã tiếp tục “thắp” hi vọng sóng tăng hiện tại chư kết thúc, bất chấp hai phiên xuất hiện áp lực chốt lời mạnh đẩy thanh khoản cao đột biến. Các chuyên gia chuyển trạng thái thận trọng, nhưng vẫn chờ thêm các tín hiệu rõ ràng để xác nhận giai đoạn phân phối....
Tín hiệu phục hồi cuối tuần qua đã tiếp tục “thắp” hi vọng sóng tăng hiện tại chư kết thúc, bất chấp hai phiên xuất hiện áp lực chốt lời mạnh đẩy thanh khoản cao đột biến. Các chuyên gia chuyển trạng thái thận trọng, nhưng vẫn chờ thêm các tín hiệu rõ ràng để xác nhận giai đoạn phân phối.
Đánh giá về ngưỡng thanh khoản kỷ lục tuần qua, các chuyên gia vẫn nghiêng về năng lực mua của dòng tiền còn mạnh và diễn biến giảm điểm chỉ là rung lắc và hấp thụ hàng chốt lời. Việc có 2 phiên giao dịch lớn đi kèm giá giảm được xem là tín hiệu cảnh báo, các chuyên gia chờ đợi thêm các tín hiệu trong tuần tới. Có ý kiến cho rằng thị trường sẽ phát tín hiệu rủi ro cao nếu xuất hiện 5 phiên hụt hơi với thanh khoản lớn.
Hiện giao dịch duy trì mức cao nhưng vẫn có dòng vốn luân chuyển trở lại mua sau khi đã chốt lời. Điều này thể hiện sự kỳ vọng cũng như tốc độ luân chuyển vốn nhanh, nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục, chốt lời các cổ phiếu đã lên cao và tìm mua các mã tiềm năng khác.
Phù hợp với nhận định, các chuyên gia duy trì tỷ trọng danh mục ở mức trung bình tới cao, nhưng hạn chế mua mới, có chăng chỉ là lướt sóng trên danh mục có sẵn. Mặc dù nhìn chung kỳ vọng thị trường tiến bước tiếp lên vùng 1.280-1.300 điểm vẫn chưa thay đổi, nhưng điều quan trọng được các chuyên gia nhấn mạnh là cần linh hoạt theo thị trường từng thời điểm, chú ý các tín hiệu phân phối lớn và làm kiệt sức mua.
Khi thị trường đang trong xu hướng đi lên, một phiên giảm điểm với khối lượng giao dịch lớn chưa đủ tín hiệu xác nhận đó là phiên phân phối hay đơn thuần chỉ là phiên rũ bỏ bình thường. Tín hiệu phân phối và đảo chiều chỉ rõ ràng hơn khi VN-Index xuất hiện 5 phiên có tín hiệu “hụt hơi” với thanh khoản lớn. Do vậy, tôi cho rằng phiên giảm điểm với khối lượng cao của ngày 1/8 mới chỉ là tín hiệu cảnh báo.
Ông Nguyễn Văn Sơn
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Diễn biến đáng chú ý nhất tuần qua là phiên thanh khoản đột biến hôm 1/8 sau đó thị trường điều chỉnh. Rất nhiều nhà đầu tư lo ngại đó là phiên phân phối đỉnh. Quan điểm của anh chị thế nào?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Phân phối đỉnh là biểu hiện của cổ phiếu/chứng khoán đang trong một xu hướng tăng giá nhưng đột nhiên có một vài phiên xuất hiện những nhịp chững lại đi kèm với khối lượng giao dịch đột biến hơn ngưỡng trung bình. Hiện VN-Index đã xuất hiện 2 phiên phân phối với khối lượng rất lớn vào ngày 1/8 và 3/8. Nếu thị trường xuất hiện phiên phân phối thứ 3 thì chúng ta cần bắt đầu quản trị rủi ro thật chặt hạn chế mua mới và tìm các dấu hiệu vi phạm của cổ phiếu để bán.
Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV
Việc chỉ số đảo chiều giảm điểm mạnh ngay trong phiên 1/8 cùng với khối lượng giao dịch đột biến cho thấy những đặc điểm của một phiên phân phối điển hình. Tính đến thời điểm hiện tại, VN-Index hiện đã có 4 phiên phân phối trong vùng từ 1.180-1.240 điểm. Trong kịch bản chỉ số không sớm vượt qua vùng cản quanh 1.240 (+-10), tôi nghĩ rủi ro đảo chiều và bước vào nhịp điều chỉnh sẽ ngày một gia tăng.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Theo tôi, sau chuỗi tăng liên tục hơn ba tháng của thị trường mà chưa có nhịp điều chỉnh thực sự mạnh nào, thì những phiên giảm điểm với thanh khoản tăng vọt sẽ khiến cho nhà đầu tư có tâm lý lo ngại thị trường đang bước vào giai đoạn phân phối.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của phân tích kỹ thuật, khi thị trường đang ở trong một xu hướng đi lên, thì một phiên giảm điểm với khối lượng giao dịch lớn chưa đủ tín hiệu xác nhận rằng đó là phiên phân phối hay đơn thuần chỉ là phiên rũ bỏ bình thường. Tín hiệu phân phối và đảo chiều chỉ trở nên rõ ràng hơn khi VN-Index xuất hiện 5 phiên có tín hiệu “hụt hơi” với thanh khoản lớn.
Do vậy, tôi cho rằng phiên giảm điểm với khối lượng cao của ngày 1/8 mới chỉ là tín hiệu cảnh báo chứ chưa đủ xác nhận là phân phối đỉnh, và thị trường vẫn còn cơ hội tiếp diễn xu hướng đi lên.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Thị trường liên tiếp tăng chạm và vượt qua ngay vùng kháng cự mạnh 1.200 hướng lên khu vực 1.220 điểm nên việc lo lắng về điều chỉnh hoặc “test” lại “siêu điểm cao” này là chuyện bình thường. Tuy nhiên việc tạm nghỉ sau chuỗi phiên tăng mạnh là cần thiết – VN-Index vẫn có cơ hội hướng lên khu vực 1.250 – 1.280 và 1.300 điểm giai đoạn tới.
Ông Lê Minh Nguyên - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
VN-Index vừa trải qua một tháng giao dịch tích cực về chỉ số và thanh khoản. Đà tăng của thị trường vẫn tiếp tục duy trì qua đầu tháng 8 do kết quả kinh doanh quý 2 của một số cổ phiếu trụ cột cải thiện so với quý 1. Thanh khoản đột biến hôm 1/8 cho thấy nhà đầu tư có xu hướng chốt lời bảo toàn thành quả sau giai đoạn tích cực của thị trường.
Tuy nhiên, theo tôi xu hướng dòng tiền vẫn chờ cơ hội để quay lại thị trường hơn là rút ra hẳn. Thị trường giao dịch với khối lượng thấp và tăng mạnh trở lại vào phiên cuối tuần giúp chỉ số VN-Index tăng hơn 15 điểm.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
VN-Index đạt đỉnh cao nhất 1.234 điểm cũng tương đương với vùng đỉnh ngắn hạn một số anh chị dự kiến tuần trước, nhưng cũng còn xa mới tới ngưỡng 1.300 điểm. Theo anh chị liệu thị trường còn cơ hội đi tiếp, nhất là khi thị trường quay đầu phục hồi tốt phiên thứ Sáu ngay cả khi hứng chịu đợt tái cơ cấu ETF lớn?
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Diễn biến nhóm VN30 với đà tăng mạnh của các cổ phiếu chủ chốt tuần giao dịch vừa qua có lẽ từ 1.225 lên khu vực 1.280 cũng như 1.300 điểm cũng không còn bao xa, nếu có tăng cũng có thể diễn ra ngay trong tháng 8 này. Sự thận trọng trong giao dịch tất nhiên vẫn là điểm cần lưu ý nhưng tôi cho rằng cơ hội đi tiếp vẫn sẽ tiếp tục.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Theo tôi thị trường vẫn đang được nâng đỡ tốt bởi môi trường “tiền nhiều”. Dòng tiền hoạt động mạnh mẽ không những giúp thị trường hấp thụ hết áp lực chốt lời ở tiệm cận vùng 1.234 điểm mà còn thắp lại hy vọng tích cực cho nhà đầu tư vào phiên cuối tuần qua.
Dưới góc nhìn từ sự vận động của dòng tiền, thị trường tiếp tục duy trì thanh khoản “tỷ đô” trên cả ba sàn, cho thấy dòng tiền trong thị trường vẫn khá dồi dào. Do đó tôi thấy thị trường vẫn đang còn cơ hội để nối dài xu hướng đi lên kể từ đầu tháng 5 tới nay và hy vọng để tiến lên vùng mục tiêu 1.300 điểm của VN-Index vẫn chưa bị dập tắt.
Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV
Kết phiên 4/8, VN-Index đóng cửa ở mức 1225.98 điểm, tương ứng với mức P/E 14.51 lần. Theo số liệu của Wichart, lãi suất huy động 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại hiện đang ở mức 6.8%, tương đương với mức P/E 14.6 lần. So sánh một cách tương quan, định giá của thị trường hiện đang ở mức tương đối “fair”. Do vậy, việc thị trường liệu có thể tiếp tục đi lên hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả kinh doanh quý 2 cũng như triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết trong nửa cuối năm 2023.
VN-Index hiện đã có 4 phiên phân phối trong vùng từ 1180-1240 điểm. Trong kịch bản chỉ số không sớm vượt qua vùng cản quanh 1240 (+-10), rủi ro đảo chiều và bước vào nhịp điều chỉnh sẽ ngày một gia tăng.
Ông Thái Hữu Công
Ông Lê Minh Nguyên - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Thị trường giao dịch tích cực tháng 7 với hỗ trợ từ kết quả kinh doanh khả quan hơn quý 1 của các cổ phiếu trụ cột, nhưng tháng 8 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do vào giai đoạn thiếu thông tin hỗ trợ và nhà đầu từ có xu hướng chốt lời bảo toàn thành quả.
Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rằng dòng tiền chốt lời không rút ra mà vẫn chờ đợi cơ hội tốt để quay lại thị trường khi chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hiệu quả hiện tại. Tôi nghĩ thời gian tới cơ hội đi lên của thị trường sẽ không thuận lợi như tháng trước nhưng khả năng điều chỉnh sâu cũng khó xảy ra.
Về dài hơi hơn thị trường vẫn mang sắc màu tích cực do lộ trình tăng lãi suất của FED đã đến giai đoạn cuối và lãi suất trong nước vẫn theo xu hướng giảm.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Thị trường hiện tại đang xuất hiện dấu hiệu fomo cao và với dòng tiền cuộn thì điều gì cũng có thể xảy ra, nhưng nếu chúng ta phân tích kỹ thì vùng này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro rồi, việc mua mới chịu rủi ro rất lớn về T+.
Nhìn về phương diện kỹ thuật thì VN-Index đang xuất hiện phân kỳ giữa giá và RSI. Nếu đầu tuần sau xuất hiện phiên nến đỏ kèm thanh khoản lớn (phiên phân phối thứ 3) mà Giá và RSI vẫn phân kỳ thì xác suất thị trường tạo đỉnh là khá cao và chúng ta cần quản trị rủi ro thật chặt.
Tháng 8 thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do vào giai đoạn thiếu thông tin hỗ trợ và nhà đầu từ có xu hướng chốt lời bảo toàn thành quả. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rằng dòng tiền chốt lời không rút ra mà vẫn chờ đợi cơ hội tốt để quay lại thị trường.
Ông Lê Minh Nguyên
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Nhóm cổ phiếu bất động sản cuối tuần qua phản ứng rất tốt với thông tin, thanh khoản mạnh mẽ và nhiều mã thậm chí kịch trần chứng tỏ thu hút dòng tiền rất khá. Liệu có nên quay lại đầu cơ ngắn hạn mua mới với các mã nhóm này?
Ông Lê Minh Nguyên - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Lãi suất hạ, những chương trình hỗ trợ từ Chính phủ như chính sách tài khóa tiền tệ là lý do khiến cho thị trường bất động sản được “hâm nóng” trở lại. Đến hiện tại những vụ việc nợ trái phiếu đáo hạn được đàm phán, giải quyết đa số. Đặc biệt là cuối năm nay, tất cả những pháp lý, luật pháp có liên quan đến bất động sản sẽ được Quốc hội thông qua.
Với những thông tin hỗ trợ xuất hiện ngày càng nhiều, nhóm cổ phiếu bất động sản không bỏ lỡ cơ hội thu hút dòng tiền và tăng mạnh mẽ. Với xu thế dòng tiền vẫn ở lại thị trường tôi cho rằng cơ hội đầu cơ ngắn hạn với các mã nhóm này sẽ rất tích cực trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Theo tôi hiện tại fomo vào cổ phiếu Bất động sản đã tăng mạnh quá xa nền giá rồi thì rất rủi ro.
Nếu vẫn muốn tham gia đầu cơ ngắn dạn dòng bất động sản, nhà đầu tư có thể cân nhắc tham gia vào các mã đợt rồi điều chỉnh hoặc vẫn đang loanh quanh nền giá và kỳ vọng dòng tiền chốt các mã tăng mạnh nhịp rồi sẽ đảo sang các cổ phiếu đó. Nhưng điều tôi nghĩ không nên bỏ qua là giá chặn lỗ, đây sẽ là tấm khiên bảo vệ cho tài sản của nhà đầu tư vì vẫn có xác suất dòng tiền chốt xong cổ Bất động sản tăng mạnh và không dịch chuyển sang cổ chưa tăng nhiều.
Nhìn về phương diện kỹ thuật thì VN-Index đang xuất hiện phân kỳ giữa giá và RSI. Nếu đầu tuần sau xuất hiện phiên nến đỏ kèm thanh khoản lớn (phiên phân phối thứ 3) mà Giá và RSI vẫn phân kỳ thì xác suất thị trường tạo đỉnh là khá cao và chúng ta cần quản trị rủi ro thật chặt.
Ông Nguyễn Việt Quang
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Quan sát thị trường trong sóng tăng hơn ba tháng vừa qua, tôi thấy dòng tiền vận động phân hóa khá rõ nét giữa các lớp cổ phiếu cũng như giữa các nhóm ngành.
Ở tại một thời điểm, dòng tiền luôn có sự tập trung vào một số nhóm cổ phiếu thuộc một số ngành cụ thể thay vì dàn trải ở toàn thị trường. Tuy nhiên, trong một vòng sóng dòng tiền lại có tốc độ luân chuyển khá nhanh, nên dòng tiền thường không ở lại lâu với một nhóm ngành.
Với đặc tính luân chuyển nhanh của dòng tiền trong các vòng sóng đã qua thì trong vòng sóng này thị trường có thể vẫn chưa thay đổi đặc tính đó. Và dù có thông tin hỗ trợ tích cực nhưng cũng thật khó để kỳ vọng dòng tiền ở mãi trong nhóm bất động sản khi nhóm này đã tăng mạnh mẽ và có nhiều mã tăng kịch trần trong tuần qua.
Do vậy, dù dòng tiền có thể vẫn chưa rút khỏi nhóm bất động sản ngay, nhưng khi nhìn dưới góc độ cân đối giữa rủi ro và lợi nhuận, thì quyết định mở vị thế giải ngân mới và mua đuổi giá cao trong những phiên tới với nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ không còn hợp lý.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Theo tôi nhà đầu tư đang khá ưa thích với các cơ hội đầu cơ ngắn hạn không chỉ ở các cổ phiếu xây dựng xây lắp, bất động sản mà còn cả các cổ phiếu dầu khí, bán lẻ…
Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV
Cuối tuần qua có rất nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản, tiêu biểu là VIC và NVL, đã có một phiên giao dịch hết sức tích cực với biên độ tăng điểm mở rộng cùng thanh khoản tích cực. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc mở mua mới sau khi cổ phiếu tăng khá dốc là tương đối rủi ro, đặc biệt là khi VNIndex đang trong quá trình thử thách lại ngưỡng cản đáng lưu ý quanh 1240 điểm. Các nhà đầu tư chỉ nên mở mua trở lại với tỷ trọng thấp trong các nhịp điều chỉnh về lại vùng hỗ trợ.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thống kê thanh khoản trung bình tuần qua rất cao, nhất là có 2 phiên giảm giá với thanh khoản lớn nghĩa là nhiều người đã chốt lời. Anh chị có giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống không, hiện còn bao nhiêu?
Tôi vẫn khá ưa thích các cơ hội hiện nay và vẫn muốn tận dụng nốt ở một số nhịp tăng ngắn cho dù vẫn biết có thể có cổ phiếu tăng/điều chỉnh lệch pha so với thị trường chung nhưng vẫn giao dịch linh hoạt tận dụng giai đoạn tăng điểm tốt này.
Ông Lê Đức Khánh
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Dựa trên nhận định thị trường vẫn còn cơ hội để tiếp diễn xu hướng đi lên, tôi vẫn chưa có quyết định hạ tỷ trọng trong tuần qua, và hành động chốt lời mới chỉ dừng ở việc cơ cấu lại danh mục sao cho phù hợp với sự vận động của dòng tiền chung.
Thị trường tuy chưa thực sự xác nhận phân phối đỉnh sau hai phiên giảm giá với thanh khoản lớn, nhưng tôi vẫn xem đó là một cảnh báo rằng thị trường đã không còn thuận lợi như trước. Do đó, tôi không có ý định tăng tỷ trọng ở thời điểm hiện tại, mà bắt đầu có sự đánh giá kĩ hơn giữa rủi ro và lợi nhuận với mỗi cổ phiếu đang nắm giữ hoặc mua mới.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Giai đoạn này tôi vẫn đang chỉ “lướt lát” trên trạng thái cổ phiếu sẵn có (mua trước bán sau) và vẫn giữ nguyên tỷ trọng “min” là 80% cổ phiếu. Nếu sang tuần xuất hiện những phiên phân phối và cổ phiếu tôi nắm giữ suy yếu tôi sẽ bán bớt cổ phiếu.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Thực hiện cơ cấu danh mục nhưng vẫn giữ tỷ trọng cổ phiếu cao là chiến lược hợp lý cho tuần giao dịch vừa qua. Tôi vẫn khá ưa thích các cơ hội hiện nay và vẫn muốn tận dụng nốt ở một số nhịp tăng ngắn cho dù vẫn biết có thể có cổ phiếu tăng/điều chỉnh lệch pha so với thị trường chung nhưng vẫn giao dịch linh hoạt tận dụng giai đoạn tăng điểm tốt này.
Ông Lê Minh Nguyên - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Tỷ trọng hiện tại của tôi là 50% tiền và 50% cổ phiếu để chờ đợi cơ hội tốt hơn vào lại thị trường và phần ký quỹ để sử dụng với mã nhóm cổ phiếu dòng tiền vào nhanh và ra nhanh. Giai đoạn tới đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục sang các nhóm ngành cổ phiếu chưa, hoặc đã chững lại giai đoạn qua khi dòng tiền chốt lời sẽ xoay qua các nhóm này.
Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV
Tôi vẫn tiếp tục giữ nguyên tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục của mình. Tuy nhiên, số lượng mã cổ phiếu đã giảm hơn một nửa sau khi thực hiện chốt lời các vị thế trading ngắn hạn đối với các cổ phiếu đã đạt mức giá mục tiêu và tập trung gia tăng tỷ trọng đối với các vị thế trung hạn.