11:03 01/08/2008

Xuất gạo chỉ đủ nhập... phân bón!

Đình Nam

7 tháng, Việt Nam nhập khẩu lượng phân bón trị giá 1,14 tỷ USD, tương đương với kim ngạch xuất khẩu gạo

Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam tuy lớn, nhưng cũng chỉ đủ để nhập phân bón!
Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam tuy lớn, nhưng cũng chỉ đủ để nhập phân bón!
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 7 tháng đầu năm 2008, nước ta đã nhập khẩu tới 2,23 triệu tấn phân bón với kim ngạch 1,14 tỷ USD, tương đương với kim ngạch xuất khẩu gạo.

Đây thực sự là một nghịch lý đáng lo ngại, dù vụ Đông Xuân năm nay chúng ta đã tăng sản lượng thu hoạch thêm 1 triệu tấn thóc.

Nghịch lý này bắt nguồn từ thực tế: người dân dù sử dụng rất nhiều phân bón nhưng hiệu quả sử dụng lại quá thấp, cùng với đó là chất lượng phân bón lại không được kiểm soát đầy đủ.

Tại hội thảo về sử dụng phân bón và bàn giải pháp giảm chi phí nhập khẩu phân bón do Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức ngày 29/7, Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hoá Bùi Huy Hiền công bố một thông tin giật mình: “Chỉ riêng tiền nhập khẩu phân bón trong 7 tháng đầu năm nay, cộng với 40 triệu USD tiền thuốc bảo vệ thực vật, kim ngạch nhập khẩu vật tư phân bón đã gần tương đương với kim ngạch xuất khẩu lúa gạo là 1,7 tỷ USD, như vậy chứng tỏ hiệu quả sản xuất nông sản của chúng ta quá thấp”.

Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bộ, cho rằng đất nông nghiệp của nước ta không cần và không thể hấp thụ một lượng phân bón quá lớn như hiện nay. Song do hiệu suất sử dụng đất quá thấp (chỉ đạt 40%) đã dẫn đến tình trạng người dân lạm dụng phân bón để tăng khả năng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Nhưng thực tế, hiệu suất sử dụng phân bón của nước ta hiện nay chỉ đạt 30-33%, còn lại gần 70% phân bón sau khi bón xuống bị bay hơi lên không khí hoặc bị nước cuốn trôi hết, như vậy có tới hơn 5 triệu tấn phân bón bị “bốc hơi”, gây ô nhiễm môi trường do các chất hoá học tích tụ lại trong lòng đất, ngấm vào các mạch nước ngầm...

“Nếu chúng ta tiếp tục sử dụng phân bón hoá học tràn lan như hiện nay thì không chỉ gây lãng phí mà còn tác động xấu tới môi trường đất”, ông Bộ cảnh báo.

Còn điều tra gần đây của Viện Lúa ĐBSCL cho thấy, mặc dù khuyến nông của mỗi tỉnh đều có khuyến cáo công thức phân bón cho từng loại đất, nhưng thực tế số nông dân áp dụng theo rất ít, mà chủ yếu họ bón theo kinh nghiệm nên nhiều trường hợp đã không đáp ứng được yêu cầu. Bởi lượng phân bón nông dân áp dụng biến động rất lớn và dù ở trường hợp nào, bón quá nhiều hay quá ít đều cho ra kết quả: năng suất thấp!

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc cho biết: “Từ tháng 11/2007 đến nay, giá phân bón đã biến động liên tiếp với giá tăng gấp 2-3 lần, thậm chí như phân urê tăng từ 440 lên 1.200 USD/tấn. Điều này đã làm tăng chi phí đầu vào đối với sản xuất nông nghiệp của người nông dân”. Giá phân bón tăng, trong khi sử dụng không hiệu quả càng khiến phân bón bị lãng phí ghê gớm. Và tình hình này có thể sẽ ngày càng trầm trọng khi đến năm 2020, nước ta vẫn phải nhập khẩu lượng lớn phân bón.

Trong đó, một số loại phân bón có nhu cầu sử dụng ngày càng tăng như NPK dự báo sẽ ngày càng phải nhập khẩu nhiều. Chính vì vậy, vấn đề nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón cho người nông dân đang được đặt ra ngày một bức thiết.