10:16 07/10/2009

Xuất khẩu 2009: “Có thể chỉ đạt 59 tỷ USD”

Đặng Nguyễn

Việt Nam khó hy vọng đạt được mục tiêu xuất khẩu 64,6 tỷ USD trong năm 2009

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Do tác động của tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam khó hy vọng đạt được mục tiêu xuất khẩu 64,6 tỷ USD trong năm 2009.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng, nếu điều kiện giá dầu thô bình quân giữ ở mức 60 – 65 USD/thùng, giá các mặt hàng nông sản phẩm thuận lợi, cùng với sự cố gắng tiếp tục của doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, toàn ngành phấn đấu hướng tới mục tiêu đạt 59 tỷ USD cho cả năm 2009.

Bộ trưởng có nhận xét gì về kết quả đạt được của sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2009?

Trong 9 tháng đầu năm 2009, tình hình kinh tế chung của cả nước, đặc biệt là hoạt động sản xuất công nghiệp , xuất nhập khẩu, công tác thị trường nội địa, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế đạt được một số kết quả đáng phấn khởi, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng trên thế giới không loại trừ bất cứ một nền kinh tế nào.

Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá, đó là sự nỗ lực hết sức đáng kể của toàn Đảng, toàn dân và trước hết là của cộng đồng doanh nghiệp.

Sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm đã tăng 6,5% về giá trị sản xuất so với cùng kỳ, riêng tháng 9 tăng 13,5% so với tháng 8 (các năm trước đây tăng khoảng 15%/tháng) cũng là một cố gắng hết sức lớn. Tôi nghĩ rằng với đà như thế này, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2009 có thể tăng trưởng ở mức 9 – 10%.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, tuy xuất  khẩu giảm so với cùng kỳ khoảng 14%, nhưng nếu tính kỹ thì 9 tháng đầu năm hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều tăng về khối lượng như gạo, dầu thô, than đá, tiêu, cao su, chè... Do giá của thị trường thế giới không ổn định và giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2008 cho nên khối lượng tăng không bù được sụt giảm về giá. Nếu so với các quốc gia khác thì tỷ lệ suy giảm của chúng ta là thấp. Rất nhiều nền kinh tế có mức giảm xuất khẩu bình quân khoảng 20 – 30%.

Một điểm lưu ý quan trọng là nhập siêu của 9 tháng khoảng 6,5 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu chưa đến 16% (cùng kỳ năm 2008 nhập siêu 12 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu khoảng 30%), đây cũng là nỗ lực hết sức lớn trong điều hành, kiểm soát những mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu. Việc giảm nhập siêu ở mức đáng kể như vậy góp phần bớt khó khăn hơn trong cán cân thương mại.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về mục tiêu xuất khẩu trên 64 tỷ USD năm 2009?

Với mục tiêu kế hoạch (Quốc hội điều chỉnh) kim ngạch xuất khẩu tăng 3% thì cả năm 2009 phải đạt 64,68 tỷ USD. Tuy nhiên, trong 9 tháng qua mới đạt 41,73 tỷ USD (bình quân 4,64 tỷ USD/tháng), còn lại trên 22,95 tỷ USD cho những tháng còn lại (bình quân 7,6 tỷ USD) là không có khả năng đạt được.

Lý do là lượng dầu thô xuất khẩu chỉ còn khoảng 14% kế hoạch (khoảng 1,8 triệu tấn), các mặt hàng nông sản đã huy động tối đa về lượng, các mặt hàng công nghiệp chế biến phục hồi chậm. Nếu điều kiện giá dầu thô bình quân giữ ở mức 60 – 65 USD/thùng, giá các mặt hàng nông sản phẩm thuận lợi, cùng với sự cố gắng tiếp tục của DN trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, toàn ngành phấn đấu hướng tới mục tiêu đạt 59 tỷ USD cho cả năm 2009.

Tôi cũng nêu ra một con số, nếu giả định rằng giá các nguyên vật liệu, sản phẩm của năm 2009 mà giữ được hoặc có biến động nhưng không nhiều như năm 2008 thì 9 tháng đầu năm nay chúng ta đã tăng xuất khẩu thêm khoảng 1 – 2% và cả năm có thể tăng 3%.

Tuy nhiên, trước tình hình thực tế hiện nay khi thời gian còn lại của năm 2009 không nhiều, các biện pháp để tăng trưởng xuất khẩu cũng đã và đang tiếp tục thực hiện, cho nên trong 3 tháng cuối năm nếu áp dụng thêm các biện pháp mới cũng rất hạn chế vì thời gian ngắn.

Có nhiều giải pháp chắc phải làm trong năm nay nhưng sẽ phát huy hiệu quả vào năm 2010. Sau khi chúng ta đã đạt được mục tiêu phục hồi đà tăng trưởng kinh tế thì những giải pháp chung về kinh tế trong đó có những giải pháp riêng về xuất khẩu sẽ phát huy tác dụng và chúng ta sẽ đạt kết quả cao hơn so với năm 2009.

Bộ trưởng nhận định như thế nào về khả năng tăng xuất khẩu vào Nhật Bản với việc Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản có hiệu lực từ 1/10/2009?

Tôi nghĩ rằng trong thời gian 3 tháng cuối năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản sẽ có chuyển biến nhưng chưa nhiều, mà phải từ năm 2010 trở đi. Theo Bộ trưởng Kinh tế công nghiệp và thương mại của Nhật Bản thì nước này đến nay đã ký Hiệp định tương tự với 17 nước và nền kinh tế.

Nhật Bản có tổng kết lại sau khi ký Hiệp định đối tác kinh tế thì kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản với các nền kinh tế đó thường tăng khoảng 1,5 – 2 lần sau 2 – 3 năm. Tôi nghĩ rằng tăng trưởng đáng kể sẽ đạt được vào năm 2010 trở đi.

Việc thực thi Hiệp định này sẽ có tác dụng nhiều mặt, trước hết là thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước. Một điểm rất thuận lợi là các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản cũng như những mặt hàng Nhật Bản xuất khẩu sang Việt Nam mang tính bổ trợ, không triệt tiêu lẫn nhau.

Đặc biệt đối với Việt Nam, những mặt hàng lâu nay khó thâm nhập thị trường Nhật như dệt may, nông sản, thực phẩm, rau quả, thủy sản thì khi thực thi nội dung của Hiệp định, những mặt hàng trên sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi và những cơ chế, thủ tục của giới chức Nhật Bản sẽ thuận lợi hơn đối với hàng hóa của Việt Nam.

Một tác dụng gián tiếp thông qua Hiệp định này, Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu, đẩy mạnh hợp tác thương mại thì đồng thời cũng sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam bởi khi họ đầu tư vào Việt Nam sản xuất hàng hóa và xuất khẩu trở lại Nhật Bản thì cũng được hưởng những ưu đãi do Hiệp định mang lại.