00:44 22/02/2007

Xuất khẩu - chìa khóa của tăng trưởng?

TS. Phan Minh Ngọc

Từ năm 1986 đến nay, quan hệ giữa tăng trưởng xuất khẩu và GDP tại Việt Nam nhiều khi không tỷ lệ thuận

Mối quan hệ giữa tăng trưởng xuất khẩu và GDP trong thời Đổi mới từ sau năm 1986 đến nay.
Mối quan hệ giữa tăng trưởng xuất khẩu và GDP trong thời Đổi mới từ sau năm 1986 đến nay.
Theo một số ý kiến tại Hội nghị Thương mại Toàn quốc mới đây, mặc dù chưa ai chỉ ra được mối liên hệ rõ ràng giữa tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng GDP, nhưng tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn tối thiểu 2 lần so với tăng trưởng GDP. Vì thế, muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2007 thì phải đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy vậy, điều này có hoàn toàn chính xác và đúng với thực tế không? Với tư cách là một người nghiên cứu kinh tế, tác giả bài viết này có một vài suy nghĩ sau.

Trước tiên, cần nói rằng có cả một kho tư liệu khổng lồ các nghiên cứu học thuật về vai trò của thương mại (xuất khẩu) trong tăng trưởng kinh tế, ít nhất bắt đầu bằng những lý luận từ cách đây hàng trăm năm của những nhà kinh tế học tiền bối như Adam Smith và David Ricardo, và được nối tiếp gần đây nhất bởi một loạt các công trình lý thuyết của các nhà kinh tế học nổi danh khác như Romer, Grossman, Helpman, Baldwin và Forslid v.v... là những công trình lý thuyết dọn đường cho việc hiểu và phân tích mối quan hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng một cách có hệ thống và có cơ sở khoa học.

Dựa trên những công trình lý thuyết này, một loạt các nghiên cứu thực chứng đã được tiến hành, sử dụng các mẫu số liệu cấp quốc gia, khu vực, và quốc tế để làm sáng tỏ mối quan hệ trên. Những nghiên cứu thực chứng này có xu hướng khẳng định rằng xuất khẩu có mối liên hệ tích cực với tăng trưởng kinh tế. Mô hình phát triển hướng ngoại thành công của các nước Đông Á trong những thập kỷ qua là minh chứng hùng hồn cho vai trò của xuất khẩu như là một động lực của tăng trưởng kinh tế ở khu vực này.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mối liên hệ tích cực nói trên không phải luôn đúng ỏ mọi trường hợp quốc gia, mọi khu vực. Nói cách khác, không phải cứ đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu thì sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn, nếu các điều kiện khác không thay đổi, và/hoặc một số điều kiện tiên quyết khác không được thỏa mãn.

Đã có không ít nghiên cứu chỉ ra vai trò mờ nhạt của xuất khẩu lên tăng trưởng GDP ở một số quốc gia và nhóm quốc gia, kèm theo những giải thích thuyết phục cho kết quả “khác người” này.

Bởi vậy, ngoài việc cần cẩn trọng khi xem xét mối quan hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng GDP, điều bắt buộc cho các nhà hoạch định chính sách ở mỗi quốc gia là phải nghiên cứu cụ thể được mối liên hệ này ở bản thân nước mình, trước khi đề ra những chiến lược phát triển như ra sức đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu, là chính sách đang được áp dụng ở Việt Nam hiện nay.

Cụ thể, nếu quan sát bằng mắt thường từ đồ thị ở hình bên phải, miêu tả biến động của tăng trưởng xuất khẩu và GDP trong thời Đổi mới, từ năm 1986 đến nay, sẽ thấy quan hệ giữa tăng trưởng xuất khẩu và GDP tại Việt Nam nhiều khi không tỷ lệ thuận, mà có những giai đoạn mà xuất khẩu và GDP biến động theo hướng ngược nhau, hoặc với những giai đoạn mà xuất khẩu tăng trưởng cực kỳ mạnh mẽ nhưng tăng trưởng GDP không có đột biến gì nhiều, hoặc ngược lại.

Bởi vậy, có thể nói rằng những nhận định nói trên về chuyện muốn tăng tốc độ tăng trưởng GDP thì phải có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tối thiểu gấp đôi tỏ ra chưa thật thuyết phục.

Tất nhiên, người đọc có thể sẽ phản biện rằng đây chỉ là sự quan sát trực quan (và trong từng thời kỳ ngắn hạn) nên dẫn chứng này còn thiếu tính thuyết phục, và rằng nhìn về dài hạn thì nhận định trên có thể là đúng, vì cho đến nay chưa có bất cứ nghiên cứu nào về mối quan hệ trong dài hạn giữa xuất khẩu và GDP ở Việt Nam (có thể bác bỏ được nhận định này).

Thực ra không phải vậy. Trong trường hợp của Việt Nam cũng đã có một vài nghiên cứu thực chứng về vấn đề trên, trong đó có ít nhất một nghiên cứu của tác giả bài viết này với các đồng sự, có tiêu đề: “Export and Long-Run Growth in Vietnam, 1975-2001” (Xuất khẩu và tăng trưởng trong dài hạn ở Việt Nam: 1975-2001), đăng trên tạp chí học thuật ASEAN Economic Bullettin, tập 20, số 3, năm 2003, do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, ấn hành. Bạn đọc có thể tải bài này trực  tiếp từ website của tạp chí trên hoặc liên hệ với Tòa soạn để lấy bản copy điện tử.

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã sử dụng các mô hình kinh tế lượng tiêu biểu khác nhau với các kỹ thuật chuỗi thời gian hiện đại để đo lường trực tiếp đóng góp của xuất khẩu lên tăng trưởng GDP trong suốt thời kỳ nói trên (và sau này mở rộng thêm ra đến các năm gần đây), sau khi đã tách bạch ảnh hưởng của các nhân tố khác, như đầu tư và lao động.

Kết luận chính của nghiên cứu này là xuất khẩu không phải là động lực cho tăng trưởng GDP ở Việt Nam trong suốt các năm kể từ khi thống nhất đất nước, kể cả thời sau Đổi mới là thời kỳ chứng kiến sự bùng nổ của xuất khẩu nhờ chính sách cải cách và mở cửa ra thế giới.

Nói cách khác, theo nghiên cứu trên thì chưa có bằng chứng rõ ràng về kinh tế lượng (bằng chứng định lượng) cho thấy tăng cường xuất khẩu đã kích thích sự phát triển của các khu vực khác trong nền kinh tế Việt Nam.

Hiểu một cách đơn giản hơn thì tăng trưởng khu vực sản xuất hướng xuất khẩu rất có thể chỉ làm giảm tăng trưởng của khu vực sản xuất phi xuất khẩu (hướng thị trường nội địa), bởi các nguồn lực khan hiếm đã bị hút mạnh về khu vực xuất khẩu, dẫn đến tăng trưởng GDP của toàn nền kinh tế không thay đổi (hoặc tăng không đáng kể về mặt thống kê).

Nghiên cứu trên đưa ra một số nguyên nhân để biện hộ cho kết luận mà có lẽ theo nhiều người là không thể tin được. Một trong những hàm ý về chính sách quan trọng nhất mà nhóm tác giả đã rút ra từ nghiên cứu trên là vấn đề trọng yếu đối với Việt Nam không phải là tăng trưởng về lượng của xuất khẩu (tức là không nên đặt ra mục tiêu năm nay phải đạt được tăng trưởng xuất khẩu bao nhiêu phần trăm), mà thay vào đó là phải đặt mục tiêu xuất khẩu cái gì, như thế nào, cũng như xuất khẩu vào thị trường nào sao cho có lợi nhất cho nền kinh tế.

(Ví dụ, sự cạnh tranh không lành mạnh về giá giữa các nhà sản xuất nội địa và với các nhà xuất khẩu quốc tế khác, cũng như hiểm họa chống bán phá giá ở nước ngoài sẽ là những đe dọa trực tiếp lên doanh thu và lợi nhuận của hoạt động sản xuất cho xuất khẩu, và do đó ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng GDP không theo hướng cứ tăng, ví dụ, x% xuất khẩu thì sẽ tăng được y% GDP).

Những thay đổi liên quan đến xuất khẩu này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực để thực hiện, và đòi hỏi những giải pháp về chính sách, trong đó có những giải pháp cải thiện năng suất và tính hiệu quả của các hoạt động sản xuất hướng xuất khẩu ở Việt Nam trong thời gian tới để không còn tình trạng “khu vực xuất khẩu thêm được 1 thì khu vực phi xuất khẩu giảm đi 1”, nhờ đó đạt được sự tăng trưởng nhanh và bền vững trong dài hạn.

Tất nhiên, tác giả nhận thức rõ là nghiên cứu này nếu có đến được tay những người có trách nhiệm thì cũng chỉ mang tính tham khảo, và bản thân nó vẫn có thể chứa đựng nhiều tồn tại/sai lầm mà những người đọc phản biện của tạp chí trên không phát hiện ra.

Dẫu vậy, tác giả tin rằng mối liên hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng không phải là chủ đề nghiên cứu mà các cơ quan hữu trách không thể thực hiện được, nhằm tránh sự chủ quan, định tính trong việc hoạch định chính sách và chiến lược phát triển.