Xuất khẩu dệt may tăng đột biến, kim ngạch năm 2018 hơn 36 tỷ USD
Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất từ năm 2011 đến nay
Vui mừng trước mức kim ngạch hơn 36 tỷ USD xuất khẩu của ngành dệt may năm 2018, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã nhấn mạnh tới 2 điều khác biệt của năm nay. Đó là tốc độ tăng trưởng cao nhất tính từ năm 2011 đến nay, trên 16% và kim ngạch xuất khẩu tăng hơn năm trước 5 tỷ USD.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí, ông Trường cho rằng, con số này hơn cả "thời kỳ sáng lạn" như năm 2007, 2008 tăng tới 34% nhưng chỉ đạt hơn 2 tỷ USD. Những năm gần đây tăng 10%, trung bình chỉ tăng từ 2,5 tỷ - 3 tỷ USD/năm về kim ngạch. Nếu xét 10 năm trước, con số 5 tỷ USD gần bằng 100% kim ngạch xuất khẩu năm 2007.
Tăng trưởng trong khó khăn
Phân tích cụ thể trong hệ thống 10 nước xuất khẩu dệt may lớn, lần lượt như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Indonesia, ông Trường cho biết, năm nay, Trung Quốc chấm dứt câu chuyện giảm, tăng trưởng đạt mức 3,3% tương đương 4 tỷ USD kim ngạch. Ấn Độ giảm 2% và giảm khoảng 700 triệu USD, nên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và Ấn Độ xấp xỉ nhau (Ấn Độ khoảng 36,4 tỷ USD). Việt Nam đứng thứ 3, vượt qua Bangladesh, chút nữa là vượt qua Ấn Độ.
Năm nay Bangladesh giảm tới 3,7%, chỉ còn 32,3 tỷ USD, thấp hơn Việt Nam gần 4 tỷ USD, trong khi năm ngoái, Bangladesh vượt chúng ta 2,5 tỷ USD. Đây là nước trọng điểm cạnh tranh vì chiến lược của họ là phát triển dệt may, dân số đông gần 160 triệu và giá lao động rẻ chỉ 120 USD tiền lương.
Thổ Nhĩ Kỳ năm nay tăng trưởng 4%, kim ngạch xuất khẩu khoảng 28 tỷ USD, tăng khoảng 1,2 tỷ USD so với 2017. Pakistan cũng tăng khoảng 5%, tương đương 700 triệu USD. Indonesia xuất khẩu bằng năm ngoái. Campuchia tăng 8%, khoảng 850 triệu USD.
"Nếu nhìn top 10 của dệt may thế giới, không nước nào tăng trưởng 2 con số, chủ yếu tăng dưới 5%, đột biến có 2 nước suy giảm là Ấn Độ, Bangladesh. Như vậy, tổng cầu không đổi chỉ tăng 1%", ông Trường nói.
Phân tích trong bối cảnh kinh tế, lợi thế khách quan cho Việt Nam năm 2018 là chưa có, vì chưa có thêm các hiệp định nào khác nên lợi thế về giảm thuế (được coi là động lực cho xuất khẩu) là không có.
Trong năm 2018, khó khăn của Việt Nam so với các nước là rất rõ. Việt Nam là quốc gia phá giá đồng tiền ít nhất trong các quốc gia xuất khẩu dệt may.
Ông Trường dẫn chứng, nếu cuối năm nay dự tính là 23.350 đồng/USD so với năm ngoái 22.700 đồng thì tỷ giá chúng ta tăng trên 3%. Nhưng với Trung Quốc, đồng NDT đã tăng 9%, đồng Rupee Ấn Độ 15%... Như thế nghĩa là hàng hoá Việt Nam đắt hơn hàng Trung Quốc khoảng 6% và đắt hơn 12% so với hàng hoá từ Ấn Độ.
Khó khăn nữa là từ tháng 7, khi xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đến nay, do lo lắng ảnh hưởng từ cuộc chiến nên sức cầu giảm. Nếu nhìn vào 3 quý đầu năm, chúng ta nghĩ con số xuất khẩu có thể đạt trên 37 tỷ USD. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm tốc độ tăng trưởng dệt may quý 4. Mức giảm nặng là xuất khẩu sợi...
Đây lại chính là khó khăn của ngành. Hơn nữa, khi lãi suất ngân hàng của các quốc gia nhập khẩu tăng thì cầu bao giờ cũng giảm. Điển hình Mỹ tăng lãi suất đúng 1 điểm phần trăm, trong khi đây là nước xuất khẩu dệt may lớn của Việt Nam.
"Xét trên bình diện thế giới về thị trường năm 2018 thì những yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu dệt may không nhiều, mà chỉ ổn định", ông Trường nhấn mạnh.
Bài toán phát triển bền vững
Lý giải về mức tăng trưởng đột biến của năm nay, theo ông Trường có 2 nhóm nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan đó là sự dịch chuyển của khu vực sản xuất cực lớn của thế giới là Trung Quốc. Rõ ràng, dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam là thuận lợi nhất, gần nhất, di chuyển nhanh nhất, văn hoá tương đồng.
Quan trọng hơn là sau một thời gian các hãng nỗ lực phát triển ở các địa bàn mới như Bangladesh, Ấn Độ song những tiêu chuẩn chất lượng, môi trường, lao động đều chưa theo kịp quy mô như Việt Nam. Do đó, họ không tăng đơn hàng như dự kiến ở những quốc gia này dù nhìn thấy mức giá rẻ.
"Điều này là sự tụ hội của cả nhà đầu tư nước ngoài, được khách hàng đặt là lựa chọn ưu tiên trong chuỗi cung ứng của họ. Đây chính là lý do chúng ta có tăng trưởng đột biến", ông Trường khẳng định.
Phân tích sâu hơn về việc giải quyết tận gốc bài toán phát triển bền vững của ngành, ông Trường cho biết, đầu tư tự động hoá cao, môi trường làm việc hợp lý là hướng đi đúng. Các doanh nghiệp chỉ đầu tư chiều sâu, không theo chiều rộng. Hiện nay, gần như tất cả các doanh nghiệp lớn và vừa có các loại chứng chỉ đánh giá của các hãng, như SA, môi trường, Green Label...
Trong đó như Việt Tiến, sử dụng 20% năng lượng là tái tạo, năng lượng mặt trời, hay May 10 thay toàn bộ hệ thống cắt tay sang cắt tự động, nhằm tăng độ chính xác của sản phẩm và năng suất lao động. Vì vậy, riêng với Vinatex, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 11% nhưng lợi nhuận tăng trên 30%.
Đến 2018, câu chuyện làm thêm giờ lâu nay ở ngành dệt may về cơ bản được khắc phục. Xu thế làm đúng 48 tiếng/tuần, nghỉ chủ nhật, có đơn vị tiên tiến chỉ làm 44 tiếng... là yếu tố hấp dẫn, thu hút lao động. Tình trạng nhiều doanh nghiệp trả lương cao nhưng số giờ tăng ca lớn, 1 tháng chỉ nghỉ 2 ngày đã không còn. Như May Hưng Yên, mức lương trung bình người lao động 9 triệu, 26 ngày công.