“Xuất khẩu gạo năm nay sẽ thuận lợi”
"Diễn biến thị trường thế giới năm 2007 hoàn toàn có lợi cho các nước xuất khẩu gạo", Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ nhận định
"Diễn biến thị trường thế giới năm 2007 hoàn toàn có lợi cho các nước xuất khẩu gạo", Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ nhận định.
Kết quả xuất khẩu gạo 2006 đã được đánh giá ra sao, thưa Thứ trưởng?
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7853/VPCP-KTTH ngày 28/12/2006, việc điều hành xuất khẩu gạo 2007 phải bảo đảm hài hòa các yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tiêu thụ hết lượng lúa hàng hóa với giá có lợi cho nông dân, xuất khẩu có hiệu quả đồng thời không gây tác động xấu đến mặt bằng giá xã hội.
Diễn biến của thị trường thế giới năm 2007 hoàn toàn có lợi cho các nước xuất khẩu gạo. Theo dự báo gần đây của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, dung lượng buôn bán gạo trên thị trường thế giới 2007 có thể lên đến 30 triệu tấn, tức tăng hơn 1 triệu tấn so với 2006.
Ngày 12/11/2006, Thủ tướng có Công điện số 1845/CĐ-TTg về việc dừng ngay xuất khẩu gạo nhưng sau đó qua các giải trình của Hiệp hội Lương thực, sau ngày 5/12, Bộ Thương mại và Chính phủ đã giải quyết được các khó khăn cho các doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký với thương nhân.
Năm 2006, mặc dù lượng gạo xuất khẩu đạt 4,697 triệu tấn gạo, giảm 9% về lượng so với 2005 nhưng chỉ giảm 6% về giá trị thực thu FOB. Giá gạo xuất khẩu bình quân đã tăng 9 USD/tấn so với 2005, nếu so với 2004 thì tăng đến 43,46 USD/tấn.
Nổi bật trong năm qua là chúng ta đã tăng lượng gạo xuất khẩu cấp cao, tăng được lượng gạo xuất khẩu sang thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Nhật Bản.
Tổ điều hành có nhận được những kết quả đánh giá về triển vọng vụ lúa đông- xuân hiện nay, vậy lượng hàng gạo xuất khẩu sẽ được phân bổ, điều hành ra sao, thưa ông?
Xuất khẩu gạo 2007 của Việt Nam có nhiều thuận lợi về khách hàng, thị trường, giá cả.
Tại Công văn số 7853, Thủ tướng Chính phủ có gợi ý hướng dẫn chỉ tiêu xuất khẩu gạo 2007 dự kiến từ 4 - 4,5 triệu tấn gạo các loại. Chính phủ cũng cho biết căn cứ kết quả các mùa vụ sản xuất chính, lượng gạo xuất khẩu cả năm sẽ được điều chỉnh phù hợp trong quý 3/2007. Như vậy, Tổ điều hành xuất khẩu gạo phải có cơ chế linh hoạt để đạt các yêu cầu đã nêu.
Cuối năm 2006, dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá bùng phát mạnh làm lượng lúa ĐBSCL cả năm giảm gần 1 triệu tấn. Nhờ các giải pháp kịp thời, nhà nông các nơi đến nay đã có thể khống chế được dịch bệnh hại lúa, bảo đảm vụ đông–xuân thắng lợi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết diện tích gieo cấy vụ đông-xuân ở ĐBSCL đến ngày 15/1/2007 đã đạt kế hoạch, 49 triệu ha, số diện tích bị dịch bệnh rất ít và được khống chế kịp thời.
Căn cứ thời gian gieo cấy, diện tích thu hoạch tháng 1 chỉ khoảng 100.000 ha, tháng 2 là 200.000 ha, từ tháng 3 sẽ thu hoạch rộ, từ 350.000-400.000 ha, tháng 4 sẽ thu hoạch đại trà. Việc xuất khẩu gạo do vậy sẽ thực hiện tập trung từ tháng 3, tổng lượng xuất khẩu quý I dự kiến khoảng 1 triệu tấn gạo.
Hiệp hội Lương thực đã và sẽ phối hợp tốt với Bộ Thương mại chỉ đạo tốt các đợt đấu thầu ở Philippines và Indonesia, qua đó yêu cầu yêu cầu các doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ trong việc giao dịch ký hợp đồng nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả xuất khẩu gạo 2007.
Các hợp đồng thương mại phải bảo đảm sát giá thế giới, nhất là giá của Thái Lan.
Ông Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam có cho biết đã nắm chắc các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung qua giao dịch cấp Chính phủ năm nay là 3,5 triệu tấn. Điều này liệu có hạn chế tính chủ động của các doanh nghiệp không, thưa ông?
Năm nay, Hiệp hội yêu cầu giá giao dịch hợp đồng thương mại tối thiểu phải bằng giá của hợp đồng trúng thầu ở các thị trường tập trung. Điều này rất hợp lý để nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Tổ điều hành nhận thấy tình hình sản xuất gạo 2007 và tình hình sâu bệnh hiện nay còn diễn biến khá phức tạp. Do vậy việc giao hàng trong quý I chỉ tập trung chủ yếu cho các thị trường Philippin, Indonesia, Nhật, Cuba và Malaysia.
Đối với các hợp đồng thương mại, trước mắt, các đơn vị được giao dịch ký hợp đồng bình thường giao hàng bằng container như nếp, gạo thơm, gạo Nhật để giữ được thị trường giá cao và nâng cao giá trị xuất khẩu. Gạo trắng các loại sẽ cho xuất khẩu từ tháng 3/2007 trở đi, chủ yếu là xuất gạo 5%, 10% tấm.
Lúa đông-xuân đến nay là triển vọng, chúng ta cần tranh thủ xuất khẩu gạo cao cấp để nâng giá trị xuất khẩu. Thị trường Nhật có yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, gạo đã xuất khẩu vào được Nhật thì các nước trên thế giới đều chấp nhận.
Qua chuyến làm việc mới đây, phía Nhật cho biết từ chỗ nhập khẩu tăng 32.000 tấn, lên 113.000 tấn trong 2006, trong những năm tới bạn sẽ tăng lượng nhập khẩu gạo Việt Nam đến 350.000 tấn, chiếm 50 % tổng lượng gạo nhập khẩu.