14:24 27/07/2021

Xuất khẩu hồ tiêu chồng chất khó khăn do vướng quy định về phân luồng

Chu Khôi

Rất nhiều khách hàng ở Mỹ và EU trước đây thường mua hồ tiêu Việt Nam thì nay đã chuyển hướng mua hồ tiêu từ Brazil vì chi phí vận chuyển từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 từ Việt Nam và từ Brazil tới EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam. Trong khi đó tại Việt Nam, thời gian gần đây, khi mở tờ khai hải quan xuất khẩu hồ tiêu thì bị xếp vào “luồng vàng”, thay vì là “luồng xanh” (miễn kiểm tra chi tiết hàng hóa) như trước kia, khiến xuất khẩu hồ tiêu “khó chồng khó”...

Xuất khẩu hồ tiêu gặp khó về thủ tục thông quan
Xuất khẩu hồ tiêu gặp khó về thủ tục thông quan

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) vừa gửi công văn tới các Bộ: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đề nghị các bộ ngành gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu tiêu Việt Nam.

TỪ “LUỒNG XANH” THÀNH “LUỒNG VÀNG”

Theo VPA, trước đây tỷ lệ tờ khai “luồng vàng” khi xuất khẩu hồ tiêu chỉ khoảng 8% nhưng từ tháng 5/2021 đến nay, đã tăng đến 60% và tập trung chủ yếu ở mặt hàng tiêu đen.

Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi chi phí gia tăng, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát thì việc đi lại để xử lý thông quan tờ khai sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro phơi nhiễm Covid-19.

Do vậy, ngày 12/7/2021, VPA gửi công văn số 31/CV-VPA đến Tổng Cục Hải quan về việc một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu phản ánh phân luồng tờ khai kiểm tra đối với mặt hàng tiêu đen xuất khẩu.

Ngày 21/7/2021, VPA đã nhận được trả lời từ Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan). Trong công văn này giải thích, mặt hàng hồ tiêu hiện nằm trong danh mục hàng xuất khẩu có điều kiện, việc cơ quan hải quan phải thực hiện phân luồng kiểm tra là theo quy định của Bộ Y tế. Tại thông tư số 48/2018/TT-BYT, của Bộ Y tế có quy định mặt hàng hạt tiêu mã HS 0904.11.20 thuộc danh mục dược liệu xuất khẩu nhập khẩu.

Sau đó, khi có kiến nghị từ VPA và cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu, từ năm 2019, Bộ Y tế đồng ý tạm thời đưa hạt tiêu ra khỏi danh mục dược liệu xuất nhập khẩu. Ngày 4/3/2021, Bộ Y tế đã ban hành thông tư số 03/2021/TT-BYT loại bỏ một số mặt hàng trong đó có hạt tiêu ra khỏi danh mục.

Tuy nhiên, tại điều 3 của thông tư này vẫn quy định: “Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo thông tư này được sử dụng với mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc thì thực hiện theo các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về dược”. Chính vì vậy, hồ tiêu vẫn thuộc nhóm hàng xuất khẩu có điều kiện và cơ quan hải quan phải phân luồng kiểm tra theo văn bản chuyên ngành y tế.

 
Việc đưa hạt tiêu vào danh mục hàng hóa xuất khẩu có điều kiện là rất vô lý và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, xuất khẩu gặp khó vì dịch bệnh, các đơn vị quản lý cần hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng làm thủ tục hơn là đưa ra các quy định làm khó.

Vẫn theo Cục Quản lý rủi ro, trong trường hợp xác định mặt hàng hạt tiêu đen xuất khẩu là một loại hàng hóa nông sản xuất khẩu thông thường, chủ yếu được dùng làm gia vị trong chế biến thực phẩm tại thị trường nhập khẩu, và không sử dụng cho mục đích là dược liệu, thì cơ quan hải quan sẽ thực hiện thông quan trên hệ thống.

Vì vậy, khi xuất khẩu hồ tiêu, các doanh nghiệp phải làm thêm thủ tục giấy tờ để cam kết sản phẩm xuất khẩu không được sử dụng để làm dược liệu.

Theo thống kê của VPA, tỉ lệ mặt hàng hạt tiêu đen mã HS 0904.11.20 xuất khẩu chiếm đến 80% trên tổng số lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam, các mặt hàng còn lại bao gồm: tiêu đen xay, tiêu trắng, tiêu trắng xay, tiêu ngâm giấm,….được các doanh nghiệp xuất khẩu theo dạng tiêu hạt.

Do vậy, VPA đề nghị Bộ Y tế xem xét, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có ý kiến tác động để Bộ Y tế loại bỏ mặt hàng hạt tiêu đen mã HS 0904.11.20 ra khỏi đối tượng quản lý rủi ro trong việc phân luồng kiểm tra của hải quan.

NGUY CƠ MẤT THỊ TRƯỜNG

Xuất khẩu hồ tiêu 6 tháng đầu năm 2021 đạt 155 nghìn tấn, với kim ngạch 499 triệu USD, giảm 6,7% về khối lượng nhưng tăng 40,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 3.128 USD/tấn, tăng 48,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Các thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam là: Hoa Kỳ, Tiểu Vương Quốc Ảrập Thống Nhất và Pakistan với 33,6% thị phần. Trong nửa đầu năm nay, thị trường có giá trị xuất khẩu hạt tiêu tăng mạnh nhất là Pháp (tăng 125,5%).

Tuy nhiên theo phản ánh của VPA, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu tăng là nhờ giá hồ tiêu trên thế giới tăng rất cao trong thời gian qua. Nhưng, xuất khẩu hồ tiêu đang bị suy giảm về khối lượng, và nguy cơ mất thị phần ở nhiều thị trường trọng điểm.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá cước tàu biển 2 tuyến trọng điểm là Mỹ và châu Âu (EU) đã tăng gấp 5-10 lần. Không chỉ chịu tổn thất do giá cước tăng mạnh, doanh nghiệp còn gặp tình trạng thiếu container rỗng để đóng hàng dẫn đến việc hoãn chuyến liên tục, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, nhất là các đơn hàng phải giao đúng kế hoạch để được hưởng ưu đãi thuế quan trong hạn ngạch.

Theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam – Bộ Giao thông Vận tải, lượng container qua các cảng Việt Nam năm 2020 tăng 10,6% so với năm 2019. Còn 5 tháng đầu năm 2021, lượng container qua các cảng Việt Nam cũng tăng đến 23% so với cùng kỳ năm 2020.

 
Thực tế container rỗng không thiếu như lý do các hãng tàu đưa ra mà chỉ là cái cớ để các hãng tàu tăng giá cước với các doanh nghiệp Việt Nam.

Thời gian qua, cước vận chuyển tàu biển của các đối thủ cạnh tranh như từ Ấn Độ, Indonesia sang Mỹ và EU lại không tăng cao như từ Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu phản ảnh, từ năm 2020 đến nay, mỗi khi đặt chỗ vận chuyển qua đại lý với giá cao thì dễ hơn đặt chỗ trực tiếp qua hãng tàu theo giá niêm yết.

Vì vậy, các doanh nghiệp đặt nghi vấn có tình trạng các đại lý của hãng tàu “găm” container rỗng và chỗ trên tàu để bán lại giá cao cho doanh nghiệp. Nghi vấn này còn có cơ sở là giá dầu (chi phí lớn nhất trong cơ cấu chi phí hoạt động của các hãng tàu) đang thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đây, việc các hãng tàu đẩy giá cước lên cao hết sức vô lý.

VPA cho biết, thời gian gần đây, khách hàng Mỹ và EU đã chuyển hướng mua hồ tiêu từ Brazil, nguyên nhân là chi phí vận chuyển từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 từ Việt Nam và từ Brazil tới EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam. “Điều này khiến cho ngành hồ tiêu Việt Nam mất khả năng cạnh tranh ở các thị trường Mỹ và EU. Nếu cứ tiếp tục như vậy, nguy cơ đánh mất thị trường trọng điểm vào tay đối thủ cạnh tranh đang hết sức cấp bách”, VPA lo lắng.

Từ những điều phi lý trên, VPA kiến nghị các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan quản lý vào cuộc để các hãng tàu không lạm dụng tình hình đẩy giá vận chuyển, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.