Xuất khẩu phục hồi mạnh, kinh tế Thái Lan 2021 vẫn tăng trưởng chậm hơn Việt Nam, Philippines
Thái Lan tăng trưởng chậm hơn so với các nền kinh tế trong khu vực do phụ thuộc lớn vào du lịch...
Theo dữ liệu kinh tế mới nhất, tăng trưởng GDP của Thái Lan năm 2021 đạt 1,6% nhờ xuất khẩu phục tăng mạnh. Kết quả này cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á sau khi suy giảm tới 6,2% năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19, dù vậy vẫn chưa đủ để đưa nước này trở lại mức tổng sản phẩm trong nước (GDP) của năm 2019.
Trong quý 4/2021, kinh tế nước này tăng trưởng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. So với quý 3, tăng trưởng đạt 1,8%.
Hai năm qua, Thái Lan trải qua nhiều làn sóng bùng dịch Covid-19 do các biến thể khác nhau. Làn sóng dịch bệnh thứ ba năm ngoái do biến thể Delta gây ra những tác động nghiêm trọng nhất, tàn phá nền kinh tế nước này khi làm giảm tiêu dùng cá nhân, đóng băng hoạt động sản xuất kinh doanh và "thổi bay" kế hoạch mở lại du lịch.
Năm 2021, tiêu dùng cá nhân của Thái Lan tăng 0,3% so với năm trước – chưa đủ để bù đắp cho sự suy giảm tới 1% của năm 2020.
Năm qua, kinh tế thế giới phục hồi, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu, thúc đẩy nhu cầu với hàng xuất khẩu của Thái Lan. Theo Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDC), xuất khẩu hàng hóa của nước này năm 2021 đã tăng tới 14,9% so với năm trước.
Thái Lan cũng đã bắt đầu mở cửa đó khách quốc tế trở lại mà không cần cách ly từ tháng 11/2021, đánh dấu sự chuyển đổi sang chiến lược “sống chung” với dịch bệnh. Ngành du lịch - đóng góp khoảng 20% GDP của Thái Lan trong năm 2019 – là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Việc mở cửa trở lại đã giúp ngành này phục hồi ít nhiều trong năm 2021, nhưng không đủ đề bù đắp cho suốt 10 tháng đóng cửa, chưa kể sau đó chương trình phải tại hoãn do biến thể Omicron. Xuất khẩu dịch vụ, bao gồm chi tiêu bởi người nước ngoài, trong đó có khách du lịch – đã giảm 22,8% trong năm ngoái.
"Thái Lan tăng trưởng chậm hơn so với các nền kinh tế trong khu vực bởi vì chúng tôi phụ thuộc khá lớn vào ngành du lịch”, Danucha Pichayanan, Tổng thư ký NESDC cho biết trong cuộc họp báo ngày 21/2.
Tại Đông Nam Á, tất cả các nền kinh tế lớn, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam, đều tăng trưởng mạnh hơn Thái Lan trong năm ngoái.
Năm qua, sản xuất của Thái Lan tăng trưởng 4,9% so với năm trước nhờ nhu cầu xuất khẩu lớn. Năm 2020, ngành này suy giảm 5,9%. Tương tự, ngành thông tin và truyền thông, cũng như tài chính và bảo hiểm của Thái Lan tăng trưởng 5,7% trong năm 2021.
NESDC giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan 3,5-4% trong năm 2022 như đã đưa ra vào tháng 11 năm ngoái.
Tại Thái Lan, số ca nhiễm Covid-19 đang tiếp tục tăng nhanh do biến thể Omicron. Biến thể này đã khiến nước này phải tạm hoãn chương trình nhập cảnh miễn cách ly vào cuối năm ngoái và mới chỉ khôi phục lại vào đầu tháng này. Ngày 21/2, nước này ghi nhận 18.883 ca nhiễm mới và 32 ca tử vong.
Theo các nhà phân tích, số liệu về Covid gần đây cho thấy quốc gia Đông Nam Á đang trải qua đợt bùng phát dịch vượt xa mức đỉnh trước đó vào tháng 8/2021. Dù Omicron có độc lực nhẹ hơn so với các biến thể khác, nó vẫn có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Thái Lan nếu tiếp tục lây lan mạnh.
NESDC cũng xác định các rủi ro cần theo dõi ở thời điểm hiện tại là sự bất định liên quan tới Covid-19, lạm phát, nợ hộ gia đình, gián đoạn chuỗi cung ứng như thiếu hụt chip và container.