Xuất khẩu rau quả của Việt Nam chạm mốc 1,8 tỷ USD trong 5 tháng
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam nhiều nhất khi chiếm đến 74,26% thị phần
Trong 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu 1,83 tỷ USD mặt hàng rau quả, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu rau quả tháng 5/2019 của Việt Nam ước đạt 424 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,83 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019 với 74,26% thị phần.
Xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt 1,07 tỷ USD, tăng 7,73% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Tiếp đến là Mỹ với 45,58 triệu USD, chiếm 3,16%, Hàn Quốc với 43,71 triệu USD, chiếm 3,03%, Nhật Bản với 36,53 triệu USD, chiếm 2,53%...
Theo đánh giá, bốn tháng đầu năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Úc (tăng 39,9%), Hà Lan (tăng 29,22%); Hàn Quốc (tăng 25,53%) và Pháp (tăng 24,81%).
Ở chiều ngược lại, ước tính giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 5/2019 của Việt Nam đạt 228 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2019 đạt 878 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 198 triệu USD, tăng 46,8% so với cùng kỳ 2018 và mặt hàng quả đạt 655 triệu USD, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Thị trường mà Việt Nam nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 4 tháng đầu năm 2019 là Thái Lan (chiếm 45,11% thị phần), Trung Quốc (chiếm 19,06%), Mỹ (chiếm 10,60%), Úc (7,83%).
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, giá thanh long Bình Thuận đang được thu mua ở mức cao kỷ lục, từ 23.000 - 24.000 đồng/kg, tăng 4-5 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Nguyên nhân giá thanh long tăng đột biến, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, do đây là lứa chong đèn nghịch vụ cuối cùng trong năm, và điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài làm cho thanh long không đạt tỉ lệ để xuất khẩu, trở nên khan hiếm.
Đối với vải, tỷ lệ vải ra hoa đậu quả của vải thiều huyện Lục Ngạn đạt khoảng 50% so với vụ trước, sản lượng vải giảm gần 50% so với năm 2018 khiến giá vải thiều đang ở mức cao, hiện giá bán vải thiều tại vườn chờ thu hoạch là 40.000 đ/kg, gấp 3 lần so với mùa vải trước (năm 2018 trung bình giá vải 12.000 đ/kg).
Nguyên nhân là thời tiết không thuận lợi, nhiều hộ trồng theo phương pháp hữu cơ nên sản lượng trái thu hoạch không nhiều.
Trong tháng 5/2019, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hiện cũng chính là thời điểm thu hoạch rộ vụ xoài trong năm.
Người trồng xoài cho biết, năm nay riêng mặt hàng xoài Cát Chu giá giảm mạnh chỉ còn 6.000 - 7.000 đồng/kg (giá thương lái mua xô tại vườn), còn xoài Cát Chu chín bán tại chợ chỉ có 10.000 - 12.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với tháng trước.
Nguyên nhân giá xoài xuống thấp là do đang thời điểm thu hoạch rộ vụ xoài khiến cung vượt cầu.
Thị trường rau củ tại Lâm Đồng, thủ phủ cung cấp rau củ lớn của cả nước, biến động giảm so với tháng 4 sau đợt tăng mạnh nhu cầu vào ngày lễ 30/4 và 1/5.
Riêng với măng cụt, cuối tháng 4/2019, Trung Quốc vừa cấp phép nhập khẩu măng cụt của Việt Nam, là loại trái cây thứ 9 được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này (sau thanh long, vải, dưa hấu, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm).