Xuất khẩu sang Hoa Kỳ còn nhiều dư địa
Tuân thủ nghiêm chỉnh tiêu chuẩn của thị trường là chìa khoá để mở rộng cánh cửa vào thị trường này.
Hoa Kỳ vốn là thị trường lớn mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu muốn thâm nhập. Dù nhu cầu cao nhưng điều kiện tiêu chuẩn mà thị trường này đặt ra cho các loại hàng hóa cũng rất khắt khe. Bởi vậy, tuân thủ nghiêm chỉnh tiêu chuẩn của thị trường là chìa khoá để mở rộng cánh cửa vào thị trường này.
An toàn sản phẩm, nguồn cung cấp có trách nhiệm, tuân thủ và minh bạch là giá trị cốt lõi cho chuỗi cung ứng thành công và được đánh giá cao. Đây chính là thông điệp mà các chuyên gia đến từ Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ nhấn mạnh với các doanh nghiệp tại hội thảo về an toàn sản phẩm và các vấn đề tuân thủ diễn ra tại Tp.HCM, do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) Chi hội Tp.HCM kết hợp cùng Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ (AAFA) đồng tổ chức.
Thị trường nhập khẩu lớn hàng may mặc và giày dép
Ông Jon Fee, Cố vấn cao cấp của Alston & Bird LLP thông tin rằng, đối với thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn thứ hai sau Trung Quốc ở cả hai nhóm may mặc và giày dép. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tiếp tục vượt qua các đối thủ cạnh tranh trên thị trường may mặc Hoa Kỳ, thậm chí khi không được hưởng lợi từ bất kỳ chương trình ưu đãi thương mại hay hiệp định thương mại tự do nào.
Trong 12 tháng tính đến 31/8/2017, nhập khẩu hàng may mặc vào Hoa Kỳ từ Việt Nam tăng 8,74% và giày dép tăng 11,83%. Các nhà bán lẻ và người tiêu dùng Hoa Kỳ nhận thấy được các điểm mạnh về chất lượng, giá cả và cam kết giao hàng của Việt Nam. Đây chính là điểm thuận lợi cho doanh nghiệp khai thác thị trường.
Dệt may đang là nhóm hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Theo dữ liệu mà Tổng cục Hải quan thống kê, trong 9 tháng 2017 vừa qua, Việt Nam đã xuất được 9,25 tỷ USD hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 30% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường này. Đối với ngành hàng giầy dép cũng đã xuất được 3,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 12% tổng trị giá hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Tính đến hết tháng 9/2017, cán cân thương mại giữa hai thị trường, Việt Nam đang thặng dư 24,1 tỷ USD, tương đương 78% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Các chuyên gia đánh giá thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ ngày càng tăng trưởng. Trong nhiều năm trở lại đây, Hoa Kỳ đã là thị trường lớn nhất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và cũng là thị trường mà Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn nhất.
Tổng kim ngạch hàng hóa của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ trong 9 tháng/2017 đạt gần 31 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng 2017, Việt Nam đã có 8 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt trên 1 tỷ USD gồm: dệt may, giầy dép, điện thoại và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và điện tử, máy móc – thiết bị - phụ tùng, thuỷ sản, nhóm ô dù và va li.
Hàng nhập từ Việt Nam chỉ chiếm phần rất nhỏ
Trong năm 2016 vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này cũng đạt 38,45 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2015 và chiếm 21,8% trong tổng trị giá hàng xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, con số này còn rất khiêm tốn so với tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ toàn thế giới và Hoa Kỳ vẫn còn là thị trường đầy tiềm năng cho hàng hóa của Việt Nam.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc (UNSD), năm 2016, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ là 2.450 tỷ USD. Như vậy, trị giá nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam chỉ chiếm một phần rất nhỏ, chưa đầy 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ.
Dù triển vọng thị trường khả thi nhưng có một vấn đề mà các doanh nghiệp và Việt Nam không thể không chú ý. Theo chia sẻ của ông Nate Herman, Phó giám đốc cấp cao chuỗi cung ứng Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ (AAFA), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam xuất vào thị trường Hoa Kỳ đứng thứ 12, nhưng tổng số tiền thuế phải đóng lại cao thứ 2, chỉ xếp sau Trung Quốc.
Trong 8 tháng 2017, hàng hóa Việt Nam đã phải đóng trên 2,2 tỷ USD, xếp thứ 2 trong tốp 15 quốc gia đóng thuế nhập khẩu hàng hóa cao nhất vào Hoa Kỳ, chỉ xếp sau Trung Quốc. Trung Quốc đã xuất với kim ngạch hơn 318 tỷ USD và đã phải đóng khoảng 8,85 tỷ USD. Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn thứ hai sau Trung Quốc ở cả hai nhóm may mặc và giày dép vào Hoa Kỳ.
Theo ông Nate Herman, số tiền thuế hàng nhập khẩu xuất xứ từ Việt Nam đóng cho Hoa Kỳ chiếm đến 10,11% số tiền thu thuế hàng nhập khẩu của nước này trong 8 tháng đầu năm 2017. Nhiều mặt hàng của Việt Nam đang phải chịu mức thuế cao, ngay như dệt may vốn là sản phẩm của Việt Nam xuất nhiều vào Hoa Kỳ nhưng hiện cũng đang phải chịu mức thuế nhập khẩu vào thị trường là 17%.
Chưa khi nào sự thay đổi lại nhiều như thời gian gần đây. Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ khó có cơ hội trở mình với sự kiên quyết của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
Do vậy, Việt Nam cần tăng cường xúc tiến đàm phán các Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam–EU (EVFTA)... nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan, đẩy mạnh hơn việc xuất khẩu vào các thị trường khác ngoài Hoa Kỳ. Đồng thời, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến các tiêu chí thị trường.