09:58 19/09/2022

Xuất khẩu tăng tốc cán đích, nhiều nhóm hàng chủ lực tăng trưởng cao

Mạnh Đức

8 tháng năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa đạt 252,60 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhiều nhóm hàng chủ lực có tốc độ tăng trưởng cao. Nếu đà này được giữ vững trong những tháng còn lại, thì mục tiêu 368 tỷ USD cho cả năm 2022 hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể tăng cao hơn…

Xuất khẩu năm 2022 ước đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,46% so với năm 2021, vượt mục tiêu Chính phủ giao (khoảng 8%).
Xuất khẩu năm 2022 ước đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,46% so với năm 2021, vượt mục tiêu Chính phủ giao (khoảng 8%).

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 8/2022 đạt 65,98 tỷ USD, tăng 7,9% (tương ứng tăng 4,84 tỷ USD) so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 34,92 tỷ USD, tăng 14,1% (tương ứng tăng 4,31 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu là 31,06 tỷ USD, tăng 1,7% (tương ứng tăng 526 triệu USD).

Tính chung trong 8 tháng năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của cả nước đạt 499,71 tỷ USD, tăng 15,9% (tương ứng tăng 68,69 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 252,60 tỷ USD, tăng 18,2% (tương ứng tăng 38,85 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 247,11 tỷ USD, tăng 13,7% (tương ứng tăng 29,84 tỷ USD).

Trong tháng 8/2022, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,86 tỷ USD. Tính trong 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước xuất siêu 5,49 tỷ USD.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong các nhóm hàng xuất khẩu chính, điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục dẫn đầu. Cụ thể, trong tháng 8/2022, xuất khẩu mặt hàng này đạt trị giá 6,09 tỷ USD, tăng mạnh 39,4% so với tháng trước, đưa tổng trị giá xuất khẩu của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện trong 8 tháng năm 2022 đạt 40 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Hoa Kỳ đạt 9,25 tỷ USD, tăng 48%; Trung Quốc đạt 8,97 tỷ USD, tăng 11%; EU (27nước) đạt 4,61 tỷ USD, giảm 5%; Hàn Quốc đạt 3,88 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Điện thoại các loại và linh kiện dẫn đầu trong các nhóm hàng xuất khẩu.
Điện thoại các loại và linh kiện dẫn đầu trong các nhóm hàng xuất khẩu.

Đứng thứ hai là nhóm máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 8/2022 đạt 4,94 tỷ USD, tăng 25,4% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 8 tháng năm 2022 lên con số 36,71 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng này là Hoa Kỳ đạt 10,12 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc đạt 7,7 tỷ USD, tăng 16%; EU (27 nước) đạt 4,88 tỷ USD, tăng 19%; Hồng Kông đạt 3,83 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 2,29 tỷ USD, giảm 2%...

Ở vị trí thứ ba, nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt 4,49 tỷ USD trong tháng 8/2022, tăng 9,7% so với tháng trước. Tính trong 8 tháng năm 2022 trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 30,06 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng trong 8 tháng qua chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 13,19 tỷ USD, tăng 28%; EU với 3,91 tỷ USD, tăng 38%; Trung Quốc với 2,29 tỷ USD, tăng 37%; Hàn Quốc với 1,84 tỷ USD, tăng 22%... so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hàng dệt may trong ba tháng trở lại đây (tháng 6, 7, 8) đều tăng tốt, lập đỉnh liên tiếp và lần đầu tiên xuất khẩu đạt mốc 4 tỷ USD vào tháng 8/2022.

Cụ thể, trị giá xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 8/2022 đạt 4 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng 7/2022. Tính đến hết tháng 8/2022, xuất khẩu hàng dệt may đạt 26,28 tỷ USD, tăng 24,3% (tương ứng tăng 5,14 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp lớn thứ 2 vào tăng xuất khẩu cả nước chỉ sau nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.

 Xuất khẩu dệt may sang một số thị trường chính 8 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn: Tổng cục Hải quan.
 Xuất khẩu dệt may sang một số thị trường chính 8 tháng năm 2022
so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Trong 8 tháng năm 2022, một số thị trường chủ lực về dệt may của Việt Nam  đều có mức tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt 12,88 tỷ USD, tăng 22,6% (tương ứng tăng 2,73 tỷ USD); EU đạt 3,02 tỷ USD, tăng 41,1% (tương ứng tăng 879 triệu USD); Nhật Bản đạt 2,54 tỷ USD, tăng 22% (tương ứng tăng 458 triệu USD); Hàn Quốc đạt 2,14 tỷ USD, tăng 20,5%, (tương ứng tăng 365 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Đối với giày dép các loại, trong tháng 8/2022 xuất khẩu đạt 2,29  tỷ USD, tăng nhẹ 0,9% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 16,37 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Với thủy sản, trong tháng 8/2022 xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, tăng 6% so với tháng trước. Lũy kế đến hết tháng 8/2022, xuất khẩu nhóm này đạt 7,63 tỷ USD, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo trong tháng 8/2022 cũng đạt mức tăng trưởng tích cực, đạt 718 nghìn tấn, tăng 23,2% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 8 cả nước đã xuất khẩu 4,79 triệu tấn gạo, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước.

Từ chiều ngược lại, trong tháng 8/2022, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 31,06 tỷ USD, tăng 1,7% (tương ứng tăng 526 triệu USD) so với tháng trước.

Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 247,11 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021. Quy mô hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam đã tăng hơn 29,84 tỷ USD trong 8 tháng qua, với 46/53 nhóm hàng có trị giá tăng so với cùng kỳ năm trước.

 Nhập khẩu một số nhóm hàng chính 8 tháng năm 2022 và 8 tháng năm 2021. Nguồn:Tổng cục Hải quan.
 Nhập khẩu một số nhóm hàng chính 8 tháng năm 2022
và 8 tháng năm 2021. Nguồn:Tổng cục Hải quan.

Trong đó, tăng mạnh nhất là các nhóm hàng: máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 10,2 tỷ USD (tương ứng tăng 21,8%); xăng dầu các loại tăng 3,45 tỷ USD (tương ứng tăng 125%); than đá tăng hơn 2,72 tỷ USD (tương ứng tăng 98,2%); dầu thô tăng 1,62 tỷ USD (tương ứng tăng 49,5%); hóa chất tăng 1,61 tỷ USD (tương ứng tăng 32%). Tuy nhiên, nhập khẩu nhóm hàng hạt điều trong 8 tháng/2022 giảm mạnh, giảm 1,27 tỷ USD (tương ứng giảm 37,2%) so với 8 tháng năm 2021.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, 8 tháng năm 2022, xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn là điểm sáng của nền kinh tế, khi kim ngạch đạt gần 500 tỷ USD, đặc biệt xuất khẩu đã có sự hồi phục mạnh mẽ góp phần đạt thặng dư thương mại lên 5,49 tỷ USD. Những tháng cuối năm, dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu đang tăng tốc, nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đòi hỏi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Đồng thời tiếp tục tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, như các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp chứng nhận xuất xứ (C/O)…Bộ cũng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.

 

Theo nhận định của Bộ Công Thương, nếu duy trì tốc độ như 8 tháng qua, xuất nhập khẩu cả năm 2022 của Việt Nam có thể sẽ đạt trên 740 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, tạo thuận lợi cho việc hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế cả năm.