16:34 02/12/2008

Xuất khẩu thủy sản… chuyển động ngược!

Mạnh Chung

Đơn hàng bị hủy, giá bị “ép”, công suất buộc phải giảm… Đó là chuyển động ngược của xuất khẩu thủy sản thời điểm cuối năm

Những năm trước, đây là thời điểm doanh nghiệp thủy sản đang vào guồng tăng tốc xuất khẩu. Nhưng nay, hướng chuyển động đang ngược lại.
Những năm trước, đây là thời điểm doanh nghiệp thủy sản đang vào guồng tăng tốc xuất khẩu. Nhưng nay, hướng chuyển động đang ngược lại.
Đơn hàng bị hủy, giá bị “ép”, công suất buộc phải giảm… Đó là chuyển động ngược của xuất khẩu thủy sản thời điểm cuối năm.

Những năm trước, đây là thời điểm doanh nghiệp thủy sản đang vào guồng tăng tốc xuất khẩu. Nhưng nay, hướng chuyển động đang ngược lại.

Khó đầu ra

“Khó khăn thì đã kéo dài cả năm nay rồi nhưng những tháng cuối năm này lại chồng thêm khó”, ông Công Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Vĩnh Lợi (Vimex) than thở, khi đối tác nhập khẩu hàng đầu là Hoa Kỳ, Trung Đông, Úc thông báo chỉ nhận những đơn hàng loại tôm nhỏ và đòi giảm giá tôm xuống 30%.

Theo ông Thắng, vì nhu cầu mua sắm tại những thị trường này thay đổi nên người tiêu dùng đã chuyển sang dùng loại tôm nhỏ để tiết giảm chi phí. Nhưng thời điểm này khó để tìm nguyên liệu nhỏ. Hiện tại Vimax đã giảm 40% công suất, đã ngừng tới mức tối đa công suất chế biến và ngừng mua nguyên liệu tôm.

Nhưng không chỉ Vimex, cả 30 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bạc Liêu cũng vậy, ông Thắng cho biết. Có những doanh nghiệp còn phải cắt giảm tới 50% công suất. Ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu đang thể hiện.

Ngoài áp lực “đòi” giảm giá từ đối tác, nhu cầu nhập khẩu từ những thị trường lớn đang sụt giảm theo khó khăn của nền kinh tế và tác động của cuộc khủng hoảng. Có những đơn hàng nhà nhập khẩu Hoa Kỳ và châu Âu đã ký kết nhưng các đối tác đã cắt, không tiếp tục mua, khiến phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ phải cắt giảm công suất chế biến, nhân lực, mục tiêu kinh doanh đặt ra.

Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, mặc dù chưa có con số chính thức nhưng năm nay, và nhất là từ nay đến hết năm, nhu cầu tại các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn.

Bởi theo ông Hòe, đến thời điểm 15/11, các đối tác sẽ nhập hàng cho mua tiêu thụ cuối năm và để dự trữ cho mùa tới, nhưng đến nay các đối tác đã ngừng các đơn hàng này. “Kế hoạch xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản trong nước đã đang bị ảnh hưởng”, ông Hòe nói.

Theo phân tích của ông, một trong những lý do chính là ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm thương mại toàn cầu, mà Hoa Kỳ là tâm điểm, đã ảnh hưởng đến tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có mặt hàng thủy sản.

Trong khi đó Hoa Kỳ lại là một trong 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Được biết hiện ngân hàng Mỹ đang thắt chặt tín dụng, hạn chế tối đa cho nhà nhập khẩu vay tiền. Chính vì khó khăn trong khả năng thanh toán nên các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản nước này đã cắt bớt nhu cầu nhập khẩu. 

Mặt khác, sức tiêu thụ mặt hàng thủy sản tại thị trường Mỹ cũng sụt giảm. Theo một cuộc khảo sát của Unilever trên 47.000 người tiêu dùng cho biết đa số họ đã giảm tiêu dùng các mặt hàng thuỷ sản và một số thực phẩm đông lạnh khác.

Tại hội nghị ngành thương mại mới đây, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP, nhận định kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2008 chỉ đạt khoảng 4,4 tỷ USD chứ không đạt 4,5 tỷ USD như kế hoạch đưa ra ban đầu. Và trong năm 2009, tăng trưởng về xuất khẩu ngành dự báo không thể vượt quá 10%.
 
Vẫn khó chuyện vốn và lãi suất

Trong hơn nửa thời gian đầu năm 2008, lãi suất cho vay VND của các ngân hàng thương mại phổ biến từ 18% - 21%/năm. Đây là áp lực lớn đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, trong khi tỷ suất lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong ngành chỉ đạt từ 13% - 15%.

Hiện lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh so với thời điểm trước tháng 6, nhưng nhiều hợp đồng vay vốn vẫn chịu lãi suất cao do chưa đến kỳ điều chỉnh. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo một số ngân hàng thương mại khuyến khích cho vay doanh nghiệp trong ngành với lãi suất ưu đãi, nhưng thực tế vẫn nhiều trường hợp khó tiếp cận vốn, hoặc khó gánh nổi lãi suất cao.

Trong quý 3, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở khu vực ĐBSCL bắt đầu mua nguyên liệu cho chế biến những tháng cuối năm. Giá nguyên liệu một số loại đã giảm từ 10 - 20%, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn trong xoay vốn. Theo đại diện Công ty TNHH Mai Sao, trong thời điểm này, nhà nước cần có chính sách lãi suất “đặc biệt” hỗ trợ, tránh để doanh nghiệp tự bơi trong ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính cũng như khó khăn của nền kinh tế…

Hơn một tháng trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp giảm lãi suất cơ bản, các ngân hàng cũng lần lượt điều chỉnh theo, nhưng ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, những doanh nghiệp vừa và nhỏ như Vimax vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này. “Khi chúng tôi đến hỏi thì ngân hàng kêu hết vốn, đành chịu”.

Một rào cản là chính khó khăn của doanh nghiệp cũng khiến các nhà băng thận trọng hơn trong cấp vốn.

Theo tìm hiểu của VnEconomy, tính đến 30/9/2008, có 210 doanh nghiệp thủy sản có quan hệ tín dụng với ngân hàng với tổng dư nợ hơn 1.800 tỷ đồng (tính cả ngoại tệ quy đổi). Trong đó số doanh nghiệp nợ thuộc nhóm 5 (quá hạn trên 360 ngày, có khả năng mất vốn) là khoảng 32,3 tỷ đồng (chiếm 2%) và nợ nhóm 4 (quá hạn từ 181 đến 360 ngày) là gần 61 tỷ đồng (chiếm 3%).