Xuất khẩu thủy sản sang Nhật: Hai nhóm giải pháp gỡ khó
Trước nguy cơ ngày càng khó xuất khẩu sang Nhật, ngành thủy sản đã có những động tác tích cực, trong đó tập trung vào hai nhóm giải pháp chính
Trước nguy cơ ngày càng khó xuất khẩu sang Nhật, ngành thủy sản đã có những động tác tích cực, trong đó tập trung vào hai nhóm giải pháp chính.
Đồng nhất cách tiếp cận
Trong của bức thư gửi Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản Nguyễn Tử Cương, Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh đã đề nghị cơ quan này giải trình cụ thể với phía Nhật Bản một số vấn đề mà theo đó đã dẫn đến những khúc mắc trong thời gian qua.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hồng Minh, hiện phương pháp tiếp cận của cơ quan đồng cấp 2 nước đang có một số khác biệt.
Do đó, phía Việt Nam dự kiến sẽ đề xuất phía Nhật Bản thay đổi cách tiếp cận quản lý phù hợp với cách làm của nhiều nước, đồng thời không tập trung kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu như hiện nay.
Hai bên cũng cần ký thỏa thuận song phương hoặc cơ chế công nhận lẫn nhau trong việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Đồng thời, nếu hai bên chưa thống nhất về tiêu chuẩn phương pháp thử tại phòng kiểm nghiệm, phía Nhật Bản cần hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo cho các kiểm nghiệm viên về phương pháp phân tích dư lượng hóa chất và kháng sinh cấm để có kết quả tương đồng.
Được biết, trong chuyến làm việc Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản với Cục Y dược thực phẩm Nhật Bản từ ngày 25-28/12/2006, phía Nhật Bản đã đồng ý thảo luận việc ký kết thỏa thuận song phương trong công tác kiểm soát an toàn vệ sinh thủy sản xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Kiểm soát chặt chẽ hóa chất và kháng sinh cấm
Trong nhóm giải pháp “đối nội”, Bộ Thủy sản cũng đã có công văn gửi đến các doanh nghiệp cùng các trung tâm chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản, yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt việc sử dụng các loại hóa chất và kháng sinh trong nuôi trồng, chế biến và bảo quản.
Theo đó, Bộ Thủy sản yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường giám sát quá trình sản xuất và chế biến. Bởi trên thực tế, cũng đã có những trường hợp công nhân làm việc tại các nhà xưởng vệ tinh sử dụng kem bôi tay khi làm việc tại phân xưởng chế biến hoặc tại công đoạn bóc vỏ dẫn đến việc lây nhiễm kháng sinh có trong kem bôi tay vào sản phẩm.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, phải thực hiện kiểm tra chứng nhận về dư lượng kháng sinh cấm trong thủy sản theo quy định của cơ quan chức năng Nhật Bản, đồng thời tham khảo kỹ các văn bản và quy định mới của Bộ Thủy sản.
Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, cần phải đăng ký kiểm tra chất lượng theo quy định và chỉ được phép đưa lô hàng vào chế biến, tiêu thụ khi kết quả kiểm tra do Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản và các trung tâm thuộc cục đạt yêu cầu.
Riêng hệ thống cơ quan thuộc Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản, Bộ Thủy sản yêu cầu cơ quan này kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp đồng thời thực hiện nghiêm công tác kiểm tra kháng sinh cấm trong các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Nhật Bản. Trong quá trình triển khai, nếu gặp phải vướng mắc, các trung tâm phải có báo cáo nhanh về cơ quan cấp trên để có biện pháp giải quyết kịp thời.
Trước đó, Bộ Thủy sản cũng đã có Quyết định 1052/QĐ-BTS trong đó yêu cầu thực hiện kiểm tra dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm trong hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản (trừ sản phẩm sống) kể từ ngày 20/12/2006.
Số lô tôm vi phạm đã vượt mức cho phép Chỉ tính đến ngày 22/11/2006 theo thông báo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tỷ lệ lô tôm bị phát hiện có chứa kháng sinh cấm đã chiếm đến 6,7% tổng số lô hàng được kiểm tra. Trong khi đó, theo quy định của Luật Vệ sinh thực phẩm Nhật Bản sửa đổi, nếu trong cùng một nhóm hàng của cùng một quốc gia có 3 trong tổng số 60 lô hàng liên tiếp được kiểm tra, phát hiện kháng sinh cấm, chiếm tỷ lệ 5% thì cơ quan chức năng nước này có thể xem xét việc cấm nhập khẩu nhóm hàng của quốc gia đó. Như vậy, mặt hàng tôm của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản đã có tỷ lệ vi phạm vượt mức ngưỡng đến 1,6%. Từ đó, nếu Việt Nam không xác định được nguyên nhân lây nhiễm và biện pháp kiểm soát hữu hiệu thì nguy cơ Nhật Bản tiến hành cấm nhập khẩu mặt hàng này. |