06:00 07/06/2024

Xuất khẩu trong bối cảnh thế giới biến động: Tận dụng các FTA và nhà phân phối lớn

Mộc Minh

Nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối hàng đầu thế giới đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung bền vững, đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) đạt 230,5 tỷ USD, chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

TẬN DỤNG LỢI THẾ CỦA FTA

Tại Diễn đàn xuất khẩu 2024 với chủ đề “Kết nối Chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế”, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương  tổ chức ngày 6/6/2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường có FTA đều phục hồi tích cực.

Các FTA thế hệ mới đã tạo ra mạng lưới thị trường rộng lớn, trở thành động lực cho các doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam mạnh dạn bước ra thế giới. Trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ký FTA đạt 230,5 tỷ USD, chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho rằng Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng ngày càng được cải thiện.

Đồng thời, sau đại dịch và những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ/bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương: "Xuất khẩu sang thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) đều có sự phục hồi tích cực". Ảnh: PC.
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương: "Xuất khẩu sang thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) đều có sự phục hồi tích cực". Ảnh: PC.

Tại TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố tiếp tục phục hồi và tăng trưởng sau khi thích ứng với những biến động lớn của thị trường thế giới, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 33,1 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15 tỷ USD, tăng 18,1% và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 18,1 tỷ USD, tăng 6,5%.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, hầu hết kim ngạch xuất khẩu theo mặt hàng và thị trường đều tăng so với cùng kỳ, là điểm sáng và mang đến kỳ vọng về sự tăng trưởng cho các quý tiếp theo.

Ông Dũng cho biết thêm, thành phố đã và đang tích cực ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ chuyển đổi mô hình sản xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với định hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế.

“TP.HCM khẳng định tiếp tục đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đối mặt với nhiều rủi ro và sẽ giao cho ITPC nghiên cứu, chủ động phối hợp với các cục, vụ của Bộ Công thương đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế”, ông Dũng nhấn mạnh.

HÀNG VIỆT SẼ ĐƯỢC HỖ TRỢ XUẤT KHẨU

Theo bà Jennifer Yuriko Patton Inukai, Giám đốc Thu mua khu vực châu Á, Tập đoàn Coppel, Coppel dự kiến mở rộng hoạt động ở châu Á bằng cách tìm hiểu thêm về Việt Nam cũng như những tiềm năng to lớn tại đây.

Còn ông Akiyama Naoki, Giám đốc Vận hành và Giám đốc Tài chính Uniqlo Việt Nam, cho biết Fast Retailing (công ty mẹ của Uniqlo) đã có hơn 20 năm tham gia sản xuất tại Việt Nam. Sản phẩm sản xuất tại Việt Nam không chỉ có mặt tại 23 cửa hàng trong nước mà còn được phân phối tới hơn 2.400 cửa hàng trong mạng lưới toàn cầu của Uniqlo.

Nhiều sản phẩm đòi hỏi quy trình sản xuất tiên tiến như AIRism, UV Parka, Polo, Heattech, Fleece đều được sản xuất tại Việt Nam. Tính đến năm 2024, các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam chiếm hơn 60% sản phẩm của Uniqlo tại các cửa hàng trong nước tỷ lệ này đang tiếp tục tăng lên.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam đang được các nhà phân phối tìm kiếm.Ảnh: PC.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam đang được các nhà phân phối tìm kiếm.Ảnh: PC.

Ông Aly Ansari, Tổng giám đốc Walmart Việt Nam, cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường nguồn cung ứng quan trọng nhất ở châu Á của Walmart. Đội ngũ tìm nguồn cung ứng của Walmart luôn sẵn sàng hỗ trợ hoạt động xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam ra thị trường toàn cầu, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Chile và Trung Quốc.

Theo ông Aly Ansari, các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam bao gồm đồ may mặc, đồ điện tử, sản phẩm cứng và nhiều mặt hàng khác như như đồ chơi, thực phẩm... từ Việt Nam cũng được Walmart tìm kiếm.

Walmart cũng muốn được hợp tác trên quy mô rộng hơn, khai thác cơ hội tìm nguồn cung ứng với nhiều sản phẩm của Việt Nam hơn, phục vụ cả mục tiêu xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường của mình trên toàn thế giới. 

Tại diễn đàn xuất khẩu 2024, các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng xuất khẩu, cho rằng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đến nay không còn là lựa chọn mà đã trở thành con đường tất yếu đối với các doanh nghiệp. Các khách hàng, nhà đầu tư càng ngày càng đề cao các yếu tố xã hội, môi trường trong đánh giá sản phẩm, dịch vụ khi lựa chọn đối tác đầu tư, thương mại.

Do đó, muốn tham gia chuỗi cung ứng quốc tế, doanh nghiệp không những phải tuân thủ các quy định của nước sở tại mà còn cần đáp ứng các thông lệ quốc tế như cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới của Liên minh châu Âu hay quy định chống phá rừng để đảm bảo sự phát triển bền vững trên quy mô toàn cầu.

 

Diễn đàn xuất khẩu 2024 diễn ra đồng thời với triển lãm Viet Nam International Sourcing 2024, từ ngày 6/6 - 8/6/2024, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC).