06:00 24/10/2022

Xuất nhập khẩu giảm tốc, khó khăn đã dần hiện rõ

Mạnh Đức

Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 10/2022 đạt 27,75 tỷ USD, giảm 12,6% so với kỳ 2 tháng 9/2022. Kết quả này cho thấy, càng về thời điểm cuối năm dấu hiệu giảm tốc càng rõ rệt hơn trong bối cảnh lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt là những thị trường trọng điểm của Việt Nam…

Hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức.
Hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức.

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong kỳ 1 tháng 10/2022 (từ ngày 01/10 đến ngày 15/10/2022), trị giá xuất khẩu đạt 14,11 tỷ USD, giảm 17,5% so với kỳ 2 tháng 9/2022.

Trong kỳ này, có 4 nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, gồm: Điện thoại và linh kiện đạt gần 2,6 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trên 1,9 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt hơn 1,84 tỷ USD; dệt may đạt trên 1,278 tỷ USD.

CÁN CÂN THƯƠNG MẠI VẪN NGHIÊNG VỀ XUẤT SIÊU

Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/10/2022, tổng trị giá xuất khẩu đạt 296,34 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong số 32 mặt hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có 3 mặt hàng đạt trên 6 tỷ USD là thủy sản (8,907 tỷ USD), sắt thép các loại (6,685 tỷ USD), phương tiện vận tải và phụ tùng (9,259 tỷ USD).

Đáng chú ý, có tới 6 nhóm hàng có trị giá xuất khẩu trên 10 tỷ USD, gồm: Gỗ và sản phẩm từ gỗ (12,796 tỷ USD); Dệt may (30,307 tỷ USD); Giày dép các loại (19,073 tỷ USD); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (43,791 tỷ USD); Điện thoại các loại và linh kiện (47,7 tỷ USD); Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (36,1 tỷ USD).

Các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD tính từ đầu năm đến ngày 15/10/2022. Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD
tính từ đầu năm đến ngày 15/10/2022. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Từ chiều ngược lại, trong kỳ 1 tháng 10/2022, trị giá nhập khẩu đạt 13,64 tỷ USD,  giảm 6,9% so với kỳ 2 tháng 9/2022.

Trong kỳ này, có 2 nhóm mặt hàng có trị giá nhập khẩu trên 1 tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,258 tỷ USD và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 1,719 tỷ USD.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/10/2022, tổng trị giá nhập khẩu đạt 289,094 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong số 45 mặt hàng/nhóm mặt hàng nhập khẩu trên 1 tỷ USD, có 9 mặt hàng/nhóm hàng đạt trên 5 tỷ USD. Cụ thể: Than các loại (6,044 tỷ USD); Dầu thô (5,947 tỷ USD); Xăng dầu các loại (7,076 tỷ USD); Hóa chất (7,566 tỷ USD); Sản phẩm hóa chất (7,065 tỷ USD); Sản phẩm từ chất dẻo (6,534 tỷ USD); Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (5,467 tỷ USD); Sắt thép các loại (9,921 tỷ USD); Kim loại thường khác (7,55 tỷ USD).

5 mặt hàng/nhóm mặt hàng có trị giá nhập khẩu trên 10 tỷ USD, gồm: Chất dẻo nguyên liệu (10,234 tỷ USD); Vải các loại (11,99 tỷ USD); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (67,213 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện (16,746 tỷ USD); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (36,141 tỷ USD).

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện dẫn đầu trong số các mặt hàng/nhóm mặt hàng có trị giá nhập khẩu trên 10 tỷ USD.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện dẫn đầu
trong số các mặt hàng/nhóm mặt hàng có trị giá nhập khẩu trên 10 tỷ USD.

Như vậy, với kết quả trên, trong kỳ 1 tháng 10/2022, cán cân thương mại vẫn nghiêng về xuất siêu với 0,47 triệu USD. Tính từ đầu năm đến ngày 15/10/2022 cả nước xuất siêu 7,246 tỷ USD. Đây là một trong những mức xuất siêu kỷ lục được ghi nhận tại một thời điểm trong năm.

MỤC TIÊU XUẤT NHẬP KHẨU TRÊN 750 TỶ USD LIỆU CÓ DỄ DÀNG?

Mặc dù, tính chung từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn đạt được mức tăng trưởng khả quan nhưng nếu tính riêng từng tháng, đang cho thấy dấu hiệu giảm tốc khá rõ rệt.

Cụ thể, trong tháng 9/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 58,21 tỷ USD, giảm 11,8% so với tháng 8/2022. Trong đó, xuất khẩu là 29,82 tỷ USD, giảm 14,6%; nhập khẩu là 28,39 tỷ USD, giảm 2,67 tỷ USD. Sang đến 15 ngày đầu tháng 10/2022, kết quả này vẫn không được cải thiện, khi tiếp tục giảm tới 12,6% so với kỳ 2 tháng 9/2022.

Theo nhận định từ Bộ Công Thương, trong những tháng cuối năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ gặp không ít thách thức. Trong đó, giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp; giá dầu tăng cao trong khi đây là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất và tiêu dùng; tình trạng thiếu hụt gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng… tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến kích cầu tiêu dùng đối với thương mại.

Hơn nữa, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng tại nhiều quốc gia khi nguồn cung hàng hoá đứt gãy, các nước phải có biện pháp để ổn định hàng hoá trong nước.

Lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia, là các thị trường lớn của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, gây sụt giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước. Nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Hoa Kỳ thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng, dẫn tới đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD.

Xuất khẩu đối mặt với thách thức bị thu hẹp thị trường do bất ổn liên quan đến căng thẳng địa chính trị khu vực và toàn cầu, giá đầu vào nhập khẩu cao hơn và triển vọng tăng trưởng không chắc chắn ở các đối tác thương mại chính của Việt Nam cũng có thể hạn chế khả năng duy trì thặng dư cán cân thương mại do Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn (trên 200%).

Xuất hiện gia tăng căng thẳng chính trị làm gián đoạn khả năng tiếp cận các tư liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất kinh doanh của Việt Nam, hoặc làm giảm xuất khẩu và khả năng cạnh tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Đáng ngại nữa là đồng USD tăng sẽ tác động bất lợi đến nhập khẩu do hiện nay Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng vẫn nguy cơ gián đoạn, đặc biệt cung ứng nguyên nhiên vật liệu. Mặc dù giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Đồng USD tăng sẽ ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Đồng USD tăng sẽ ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, một số ngành đang đối mặt với nguy cơ đơn hàng giảm do thủ tục hành chính còn rườm rà, hoàn thuế VAT chậm ảnh hưởng đến xoay vòng vốn, cạnh tranh lao động giữa các ngành có xu hướng tăng…

Trước thực tế này, để đạt được mục tiêu xuất nhập khẩu cả năm 2022 trên 750 tỷ USD và tiếp tục giữ được vị thế xuất siêu, Bộ Công Thương đã và đang triển khai đồng loạt các giải pháp.

Trong đó, tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu; Đẩy mạnh khai thác các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; Thúc đẩy tạo thuận lợi hoá thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; Phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hoá thị trường và mặt hàng xuất khẩu; Cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.

Theo đề xuất của một số chuyên gia, để vượt qua được những khó khăn hiện tại, hoàn thành được chỉ tiêu xuất nhập khẩu đề ra trong cả năm 2022. Thứ nhất, doanh nghiệp cần cập nhật tình hình bạn hàng, nước nhập khẩu, nhu cầu tiêu dùng của các nước có quan hệ với Việt Nam.

Thứ hai, cần thống nhất quan điểm không chỉ dựa vào các thị trường truyền thống và có kim ngạch nhập khẩu hàng hoá lớn từ Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, doanh nghiệp có thể chuyển hướng sang một số nước khác để bù đắp kim ngạch xuất khẩu truyền thống bị giảm sút.

Thứ ba, cần đa dạng hoá mặt hàng, linh hoạt trong phương thức thanh toán, chủ động về nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất xuất khẩu, đa dạng hoá các phương tiện vận chuyển để giảm chi phí xuất khẩu đi các nước.