16:54 16/09/2022

Gần 90% doanh nghiệp xuất nhập khẩu tuân thủ pháp luật hải quan ở mức thấp

Khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính và ngành hải quan...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngày 16/9, Tổng cục Hải quan phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội nghị triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Số liệu được Tổng cục Hải quan cập nhật, trong 190.000 doanh nghiệp đang hoạt động xuất nhập khẩu, chỉ có 10% doanh nghiệp tuân thủ ở mức trung bình và mức độ cao, chiếm trên 83% kim ngạch và tờ khai. Trái lại, có đến 89% doanh nghiệp đang ở mức độ tuân thủ thấp hoặc không tuân thủ.

Trước thực trạng này, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính và ngành hải quan.

Đồng thời, trong tháng 7/2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1399 về việc ban hành Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. 

Mục tiêu chương trình hướng đến là sau hai năm triển khai thí điểm, tất cả doanh nghiệp tham gia sẽ từng bước cải thiện mức độ tuân thủ (80% ở mức tuân thủ trung bình và cao).

Tham gia chương trình, doanh nghiệp được trợ giúp bởi các cán bộ hải quan có kinh nghiệm; cảnh báo các yếu tố tiềm ẩn rủi ro, giảm thiểu tối đa việc vi phạm pháp luật hải quan qua đó giảm thời gian thông quan và chi phí.

Do đó, việc tham gia chương trình trước hết đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Đây là chương trình thí điểm, nên việc lựa chọn đối tượng tham gia cũng được cân nhắc một cách kĩ lưỡng, giai đoạn đầu là khoảng hơn 266 doanh nghiệp với đầy đủ các loại hình: Nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các loại hình kinh doanh xuất nhập khẩu. Từ đó, cơ quan Hải quan sẽ có cái nhìn tổng thể để xây dựng phương pháp phù hợp cho từng loại hình. Trong giai đoạn này, chúng tôi cũng ưu tiên cho các đại lý làm thủ tục hải quan. Giai đoạn sau, tùy theo điều kiện và khả năng của mỗi địa phương sẽ tăng dần số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình", ông Cường nói.

Nhằm đạt hiệu quả tối đa, chương trình có sự hỗ trợ của Dự án tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ. Ông Andy Allan, chuyên gia cao cấp về tạo thuận lợi thương mại của dự án nhấn mạnh, đây là ví dụ cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc nâng cao sức hấp dẫn và cạnh tranh cho thị trường Việt Nam.

Dự án của USAID kéo dài trong 5 năm (2018-2023) với tổng vốn 21,7 triệu USD cam kết hỗ trợ Chính phủ áp dụng cách tiếp cận quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan và kiểm tra chuyên ngành cũng như hỗ trợ tăng cường công tác thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Mục tiêu cao nhất là hỗ trợ Việt Nam phát triển môi trường thương mại và đầu tư hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.